Báo Đồng Nai điện tử
En

Mừng, lo với TPP

10:10, 08/10/2015

Tối 5-10, 12 quốc gia bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam đã hoàn tất đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tối 5-10, 12 quốc gia bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam đã hoàn tất đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là hiệp định được chờ đợi nhiều nhất nhìn từ góc độ doanh nghiệp các ngành nghề: dệt may, chăn nuôi, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông sản… vì Việt Nam được xem là quốc gia “hưởng lợi nhiều nhất” từ TPP do mạnh về xuất khẩu.

Sản xuất tại Công ty may Đồng Thịnh (TP.Biên Hòa).
Sản xuất tại Công ty may Đồng Thịnh (TP.Biên Hòa).

Hưởng lợi ở những lĩnh vực nào và cái giá phải trả ra sao còn là điều bàn cãi thêm, vì TPP chưa đi vào thực tế do nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, phải nhận được sự đồng ý của đa số phiếu trong Quốc hội. Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận sau 5 năm đàm phán căng thẳng dự kiến còn gây tác động lớn hơn cả WTO, tâm lý của doanh nghiệp là vừa mừng, vừa lo.

* Ông Hồ Sáu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Việt Nông Lâm (huyện Trảng Bom):  Khai thác lợi thế sân nhà

Khi TPP đi vào thực tế, thị trường sẽ rộng hơn với nhiều cơ hội phát triển hơn, nhưng áp lực cạnh tranh cũng không nhỏ. Ngay trên sân nhà có thể sẽ không thiếu các doanh nghiệp từ các nước mạnh cả về vốn, công nghệ, tổ chức thị trường tràn vào chiếm lĩnh. Để cạnh tranh, chúng ta phải tìm xem họ có gì, bản thân mình có lợi thế gì để khai thác. Cụ thể, trong ngành chế biến thức ăn chăn nuôi đại gia súc, lợi thế này của doanh nghiệp nội là yếu tố mùa vụ trong sản xuất, lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, chi phí sản xuất tại chỗ thấp…

Doanh nghiệp sẽ tăng năng lực cạnh tranh bằng đầu tư thêm máy móc, cải thiện quy trình quản lý, công nghệ sản xuất; chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng... để chủ động hội nhập. Chẳng hạn, trước đây Việt Nông Lâm chỉ tập trung cho thị trường xuất khẩu thì nay phát triển song song với thị trường nội địa; ngoài dòng sản phẩm thức ăn cho đại gia súc dạng thô, chúng tôi vừa giới thiệu trên thị trường thêm dòng thức ăn tinh. Hiện không thiếu chính sách Nhà nước ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn.

* Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ: Vẫn có cơ hội cho ngành chăn nuôi

Việt Nam đã có những doanh nghiệp, trang trại lớn đầu tư công nghệ hiện đại, khai thác những lợi thế chăn nuôi trong nước để có giá thành con gà tương đương với nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi chỉ e ngại sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường như đã xảy ra với thịt gà nhập khẩu từ Mỹ. Cụ thể, khi Mỹ xảy ra dịch cúm gia cầm, hầu hết các nước đều ngưng nhập gà từ nước này nhưng Việt Nam lại nhập khẩu ồ ạt, trong đó có cả hàng cận “đát” hoặc kém chất lượng.

Thực chất, ngành chăn nuôi nội địa vẫn có nhiều cơ hội khi TPP có hiệu lực. Vì sản lượng chăn nuôi của ta chưa đáp ứng hết thị trường nội địa và ngành chăn nuôi có thể khai thác lợi thế sân nhà để vẫn có cơ hội cạnh tranh với thịt nhập khẩu. Với thị trường xuất khẩu, có thể xuất một số bộ phận được thị trường thế giới ưa chuộng và trả giá cao hơn như ức gà. Quan trọng là doanh nghiệp, chủ trang trại phải tự tăng năng lực cạnh tranh bằng xây dựng quy trình chăn nuôi khép kín; các đơn vị nhỏ lẻ cần liên kết vào chuỗi.

* Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Nhiều lo ngại nếu không thay đổi thật nhanh

Tham gia vào TPP, các ngành giày dép, may mặc, đồ gỗ... sẽ được hưởng lợi, riêng ngành chăn nuôi của Việt Nam nếu không quyết liệt thay đổi thật nhanh, có thể sẽ là “vật tế thần”. Đi kèm với ngành chăn nuôi là ngành chế biến thức ăn gia súc cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Giá thịt rẻ hơn, giá sữa có thể cũng rẻ hơn, như vậy nhìn ở tổng thể thì người tiêu dùng hơn 90 triệu dân được hưởng lợi.

Một điều quan trọng khác, tôi nghĩ ngành chăn nuôi sẽ phải thay đổi và thay đổi thật nhanh để tồn tại và TPP có thể là một động lực tốt vì nhiều năm qua chúng ta vẫn loay hoay không sao thay đổi được, giá thành sản phẩm quá cao thiếu sức cạnh tranh. Như vậy về tổng quan, tham gia vào TPP chúng ta được nhiều hơn mất. Sau này chính sự hội nhập sẽ giúp người dân Việt Nam thay đổi thói quen tiêu dùng. Thực tế người dân hiện vẫn quen dùng thịt tươi, nhưng về mặt an toàn sẽ không cao bởi nhiều lò mổ và quá trình vận chuyển không đảm bảo, thịt bị nhiễm vi sinh.

* Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Thịnh: Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hưởng lợi sớm

Những ngày qua, doanh nghiệp xuất khẩu chúng tôi “nín thở” chờ Hiệp định TPP hoàn tất, đặc biệt là những doanh nghiệp có thị phần ở các nước tham gia TPP. Hiện công ty tôi sản xuất găng tay và đồ bảo hộ lao động xuất khẩu sang Nhật Bản, mỗi tháng khoảng 3 container hàng. Đơn hàng tăng liên tục trong hơn 1 năm qua, vì vậy TPP được ký kết sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp.

Sản phẩm thức ăn gia súc xuất khẩu của Việt Nông Lâm hiện đang xuất khẩu đi nhiều nước.
Sản phẩm thức ăn gia súc xuất khẩu của Việt Nông Lâm hiện đang xuất khẩu đi nhiều nước.

Trong khi nhiều ngành khác còn phải tính toán lại nguồn nguyên liệu sử dụng cho phù hợp để đảm bảo quy định được hưởng ưu đãi từ TPP, thì riêng sản xuất sản phẩm găng tay và đồ bảo hộ lao động xuất khẩu của công ty sử dụng hoàn toàn từ nguồn nguyên liệu trong nước. Khách hàng đánh giá rất cao về chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm. Do đó, khi TPP có hiệu lực, thuế suất giảm xuống sẽ tạo cơ hội tốt hơn về tiêu thụ sản phẩm ở thị trường này. Điều quan trọng nữa là tăng sức cạnh tranh đối với sản phẩm cùng loại ở các nước khác.

* Ông Nguyễn Minh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Việt Minh Khuê (chuyên làm giày xuất khẩu ở Nhơn Trạch): Lo lắng nhất là về nguyên liệu

Hiệp định TPP được đàm phán xong là điều rất đáng mừng, nhiều sản phẩm xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ TPP mang lại, trong đó có giày dép. Ngay trước mắt, ngành giày dép của chúng tôi cũng khó đạt được các quy định để hưởng ưu đãi từ hiệp định này.

Khó khăn nhất là nguyên liệu trong nước chưa tự chủ được. Chẳng hạn, công ty tôi hiện mỗi năm sản xuất gần 1 triệu đôi giày, nguyên phụ liệu chính như: da, cao su đế, khuy phần lớn nhập từ Đài Loan và Hong Kong, trong khi đó yêu cầu của TPP là phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nội khối. Về lâu dài, tôi nghĩ các doanh nghiệp sản xuất da và phụ liệu khi thấy được nhu cầu trong nước tăng và có cơ hội tốt họ sẽ đầu tư. Như vậy, ngành sẽ đáp ứng được yêu cầu mà TPP đặt ra.

* Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico): Chuẩn bị chu đáo cho hội nhập

Tôi nghĩ TPP hay bất kỳ hiệp định nào sẽ luôn có sự song hành giữa thuận lợi và thách thức. Việc chuẩn bị chu đáo là của từng doanh nghiệp và chúng tôi cũng đã rất cố gắng trong việc này. Hiện tại, TPP đã đàm phán xong và sắp tới khi chính thức có hiệu lực, nhìn từ góc độ chung tôi nghĩ hiệp định này sẽ đem lại nhiều cơ hội lẫn những khó khăn cho các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty. Đây là thời cơ tiếp cận và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng, như: may mặc, nông sản và nhiều mặt hàng khác. Trong đó, may mặc là lĩnh vực hưởng lợi nhiều, riêng chăn nuôi lại gặp khó khăn lớn nhất, và cả hai lĩnh vực này tổng công ty đều có doanh nghiệp thành viên. Để vượt qua khó khăn, tận dụng các cơ hội TPP mang lại, hầu hết các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty đều có sự chuẩn bị từ trước và tôi hy vọng, chúng tôi sẽ tận dụng được cơ hội nhiều hơn.

Nhóm P.V Kinh tế

 

 

 

 

Tin xem nhiều