Báo Đồng Nai điện tử
En

Trắng tay vì mưa lũ

11:09, 11/09/2015

Hơn 30 năm nay, chưa khi nào người dân ở một số xã của huyện Trảng Bom phải gánh chịu trận mưa lũ lớn như ngày 10-9. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, mưa lũ kéo về làm hàng trăm hécta ao nuôi cá gần như bị xóa trắng, tài sản ky cóp cả đời của người dân bỗng chốc tan tành.

Hơn 30 năm nay, chưa khi nào người dân ở một số xã của huyện Trảng Bom phải gánh chịu trận mưa lũ lớn như ngày 10-9. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, mưa lũ kéo về làm hàng trăm hécta ao nuôi cá gần như bị xóa trắng, tài sản ky cóp cả đời của người dân bỗng chốc tan tành.

Chiều 10-9, có mặt tại khu vực ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) - một trong những điểm ngập lụt nặng nhất của địa phương,  mới chứng kiến nỗi xót xa người dân. Có những hộ chỉ kịp quơ vài bộ quần áo, dắt theo con nhỏ đi tránh lũ, còn tài sản đành bỏ lại. Tại đây, nơi ngập ít cũng 0,5m, nơi sâu nhất nước lên gần 2m.

* Mất trắng chỉ trong vài giờ

Theo ông Nghiêm Xuân Huyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Sơn, ấp Sông Mây có hơn 1 ngàn hộ dân sinh sống và nghề chính là nuôi cá, heo, gà. Hơn 30 năm nay khu vực này mới gặp trận lũ lớn như vậy. Hầu hết người dân trong ấp đều bất ngờ vì mưa ở khu vực này không lớn, nhưng đến trưa 10-9, nước bắt đầu ầm ầm đổ về và dâng nhanh khiến người dân trở tay không kịp. Chỉ trong vòng 2 tiếng, nước đã ngập băng các ao cá, chuồng trại chăn nuôi và tràn vào nhà dân. 

Lực lượng chức năng phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa cùng người dân phải dùng gậy để đưa người qua đoạn cầu Săn Máu rạng sáng 9-9 về nhà sau khi nước đã rút.  Ảnh: Phước Tuấn
Lực lượng chức năng phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa cùng người dân phải dùng gậy để đưa người qua đoạn cầu Săn Máu rạng sáng 9-9 về nhà sau khi nước đã rút. Ảnh: Phước Tuấn

Chị Nguyễn Thị Lan ở ấp Sông Mây, khuôn mặt thất thần, chưa tin nổi gia tài vợ chồng chị tích cóp cả chục năm trời bỗng chốc mất sạch: “Mất hết rồi! Hơn 5 sào ao nuôi cá trắm, chép đang chuẩn bị bán, giờ chẳng còn gì. Vốn liếng của vợ chồng tích lũy bấy lâu và còn vay thêm để đầu tư, giá cá đang cao nên chúng tôi nghĩ nuôi nấn ná thêm vài ngày cho được giá hơn, ai ngờ… “.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, lượng mưa đo được tại huyện Trảng Bom từ 19 giờ ngày 9-9 đến 7 giờ ngày 10-9 là trên 176mm, cao nhất từ đầu mùa mưa 2015 đến nay. Nơi có mưa lớn thứ 2 là huyện Xuân Lộc, lượng mưa cùng thời điểm trên đo được 98mm. Xảy ra tình trạng ngập lụt ở nhiều nơi là do có mưa to trên diện rộng nên nước đổ về nhanh và thoát không kịp vì ngày trước đó cũng có mưa lớn. Các ao, hồ, sông, suối phần lớn đã đầy, lượng chứa thêm không được nhiều. Những ngày tới, khả năng vẫn còn những cơn mưa lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh, vì thế người dân phải chú ý theo dõi và đề phòng để giảm thiệt hại.

Ấp Sông Mây là khu vực tập trung đông dân nhất của xã Bắc Sơn. Ngoài nuôi cá thịt, đây là vùng nuôi cá giống lớn nhất của tỉnh, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng ngàn tấn cá giống các loại. “Tôi dốc hết vốn trong nhà và vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng để đầu tư 2,5 hécta ao nuôi cá giống và 1 trang trại heo. Thế mà chỉ trong phút chốc lũ về, ao cá giống mất hết, còn bầy heo may là có lực lượng cứu hộ vào chở ra được một số. Rồi đây biết xoay xở làm sao để có tiền trả nợ ngân hàng” - anh Trần Văn Trưởng ở ấp Sông Mây xót xa nói. Nỗi niềm của anh Trưởng, chị Lan cũng là lo lắng chung của cả ngàn hộ dân nơi đây.

Người dân ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom)  dùng xuồng để cứu đàn heo.
Người dân ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) dùng xuồng để cứu đàn heo.

Ông Trương Văn Đậu, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Sơn, cho biết: “Ấp Sông Mây có khoảng 170 hécta ao nuôi cá và hơn 2.500 con heo. Những hộ nuôi heo thì còn cứu được một số, các hộ nuôi cá hầu hết chẳng còn gì. Thiệt hại lớn nhất là những hộ nuôi cá giống vì đầu tư từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng”.

* Thiệt hại nặng nề

Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng hợp ngày 10-9, huyện Trảng Bom bị thiệt hại nặng nhất do mưa lũ với 6 xã bị ảnh hưởng là: Bắc Sơn, Đồi 61, Sông Trầu, Cây Gáo, Trung Hòa, Bình Minh. Trong đó, bị thiệt hại nặng nhất là 3 xã: Bắc Sơn, Sông Trầu và Cây Gáo.

Mưa lũ tràn về trong đêm và mờ sáng ngày 10-9 đã làm ngập trên diện rộng ở 5 ấp, gồm: 1, 2, 3, 4, 6; có chỗ ngập sâu hơn 2m, gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuyến đường Trảng Bom - Cây Gáo khu vực cầu số 6 ngập sâu hơn 0,5m khiến giao thông tê liệt từ 5 giờ sáng đến 11 giờ 30 ngày 10-9. Huyện đã điều động lực lượng cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động chốt ở hai phía đoạn đường bị ngập để điều tiết giao thông và hỗ trợ người dân qua lại bằng xe ô tô.

Người dân ấp Miễu, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) cố gắng cứu đồ đạc khỏi cơn lũ ngày 10-9.
Người dân ấp Miễu, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) cố gắng cứu đồ đạc khỏi cơn lũ ngày 10-9.

Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, kiêm Phó ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: “Gần 40 năm nay, Trảng Bom mới bị trận mưa lớn, gây ngập lụt sâu và trên diện rộng như vậy. Hiện lực lượng cứu hộ đang túc trực để di dời người dân đến nơi an toàn và tổng hợp thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng lũ”.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích