Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai (Donagamex) được xem là một "nhân vật gạo cội" trong ngành may mặc xuất khẩu Đồng Nai với hơn 30 năm làm việc trong ngành...
Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai (Donagamex), được xem là một “nhân vật gạo cội” trong ngành may mặc xuất khẩu Đồng Nai với hơn 30 năm làm việc trong ngành và đi lên từ một công nhân kỹ thuật. Đến nay, Donagamex đã có 7 nhà máy may xuất khẩu tại Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Phước, hơn 4 ngàn công nhân với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm trên 100 triệu USD.
Tháng 7-2015 vừa qua, Donagamex khởi công dự án Cụm công nghiệp Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), để trở thành Trung tâm dệt may miền Đông Nam bộ với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 300 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là sẽ tạo ra một chuỗi liên kết trong may mặc với đầy đủ hạng mục: nhà máy may mặc, nhà máy nguyên phụ liệu, sản xuất phụ tùng máy móc chuyên ngành, kho bãi, nhà ở công nhân, trường mầm non... trên diện tích giai đoạn 1 gần 42 hécta.
Ông Kích cho biết, dự án được thành lập để tạo ra môi trường sản xuất dệt may tập trung, chuyên nghiệp hơn; đồng thời, cũng từng bước chuẩn bị cho việc di dời các nhà máy của Donagamex ở khu công nghiệp Biên Hòa 1 về đây khi chuyển đổi công năng khu công nghiệp này theo chủ trương của tỉnh. Hơn thế nữa, là bước chuẩn bị để Donagamex tự tin “đón” các hiệp định thương mại song phương và đa phương (FTA) mà Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết.
Chuẩn bị từ 10 năm trước
* Câu chuyện hội nhập riêng với Donagamex không phải đến giờ mới được đặt ra, vì nhiều năm qua ông đã tìm tòi, liên kết, đầu tư nhà máy để nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên cao hơn. Ông đã làm được những gì?
- Về chuyện nội địa hóa, chúng tôi đã lo từ 10 năm trước, xuất phát từ thực tế là càng mua nguyên liệu gần thì đỡ tốn thuế, đồng lãi cao hơn. Cho đến nay, bình quân toàn ngành may mặc vẫn nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu, thì vài năm gần đây chúng tôi đỡ hơn một chút vì chủ động được khoảng 45% nguyên liệu trong nước, chỉ phải nhập khoảng 55%. Chúng tôi đã đầu tư nhà máy sản xuất vải không dệt, làm nguyên liệu cho chính mình và bán cho doanh nghiệp khác.
* Vất vả nhất trong việc nâng tỷ lệ nội địa hóa của nguyên phụ liệu là gì?
- Là kiểm soát và duy trì chất lượng nguyên phụ liệu. Tìm được nhà cung cấp đã khó, nhưng đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng còn khó hơn. Nhiều loại kiểm tra trong nước chán chê, phải gửi sang Nhật, châu Âu để kiểm định cho đúng ý khách hàng. Chẳng hạn khách hàng Nhật rất khắt khe, họ yêu cầu nguyên phụ liệu từ chiếc nút áo trở lên phải an toàn cho trẻ em, cách nhiệt, cách điện... và chúng ta buộc phải đáp ứng.
Câu chuyện năng suất ít khi được đặt ra, nhưng nó mang tính quyết định trong cạnh tranh. Gần đây, có tranh luận về tăng lương tối thiếu, tôi cũng muốn nói thế này: doanh nghiệp không sợ tăng lương cho người lao động, chỉ muốn có sự chia sẻ với nhau, người lao động cũng cần ý thức tăng năng suất trong khả năng có thể của mình cho phù hợp. |
Với các nhà sản xuất trong nước, điểm yếu chính là năng suất thiếu ổn định và chất lượng còn hạn chế. Ví dụ, vải nhuộm Việt Nam vẫn thua nguyên liệu nhập khẩu về độ bền màu.
* Cảm nhận của ông trước các FTA sắp đến?
- Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, tôi cảm nhận được cả thách thức lẫn cơ hội. Ai cũng chờ, chờ các FTA ký kết thành công, đặc biệt là TPP. TPP hấp dẫn ở chỗ trong các nước tham gia không có Trung Quốc - “đối thủ” lớn của Việt Nam trong nhiều ngành hàng xuất khẩu. Rõ ràng sẽ có những cơ hội lớn khi thuế giảm, giá tăng, người mua nhiều lên, ưu tiên chính sách, rào cản ít đi nhiều... Chúng tôi có lợi thế là có kinh nghiệm, có khách hàng... và với những chuẩn bị, tôi không ngại cạnh tranh. Nhưng điều đáng ngại là năng suất của doanh nghiệp trong nước còn yếu, thấp hơn hẳn so với Trung Quốc, Thái Lan.
* Nhưng ông thấy điều gì là thách thức lớn nhất?
- Thách thức lớn nhất là nội tại của mỗi doanh nghiệp. Cơ hội thì dĩ nhiên là thị trường, nhưng nếu không có những bước đi phù hợp thì cơ hội sẽ hóa khó khăn. Quan sát của riêng tôi cho thấy khoảng 3 năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp FDI đến Việt Nam đầu tư rất lớn vào may mặc. Câu chuyện sẽ diễn ra theo cách: doanh nghiệp FDI đến Việt Nam, nhanh chóng xây dựng nhà máy, xây dựng chuỗi cung ứng từ nguyên phụ liệu đến máy móc và cạnh tranh với chính doanh nghiệp Việt Nam trong việc nhận các đơn hàng xuất khẩu. Họ mạnh về vốn, thị trường và đi trước rất lâu… và thành thực mà nói, doanh nghiệp Việt còn phải học họ nhiều. Nhưng đã là thị trường, thì phải chấp nhận điều này.
Bán hàng trong nước không đơn giản
* Sự thay đổi của ngành may mặc từ trước đến nay?
- Dễ thấy nhất là sự thay đổi về năng suất. Những năm 1985-1990, một ngày công nhân chia 3 ca làm suốt 24 giờ liền, nhưng bây giờ công nhân chỉ làm 1 ca, năng suất vẫn tăng nhờ máy móc. Khách hàng thì trước thời kỳ đổi mới chủ yếu là khách hàng Nga, sau này thì khách hàng Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu… với những nhu cầu khắt khe hơn, doanh nghiệp cũng thay đổi theo, buộc phải cải tiến, đặc biệt sau “mốc” Việt Nam gia nhập WTO. Mấy năm gần đây thì thay đổi quá nhanh, từ thiết bị công nghệ đến thị trường. Và tôi cảm nhận rất rõ những năm tới, sự thay đổi sẽ còn mạnh mẽ hơn với sự có mặt của các FTA.
Một góc xưởng may tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 của Tổng công ty may Đồng Nai. |
* Xây dựng thương hiệu may mặc nội địa là mơ ước của nhiều doanh nghiệp may mặc Việt Nam, nhưng số doanh nghiệp thành công vẫn rất ít. Với Donagamex thì sao?
- Donagamex vẫn làm hàng bán trong nước, nhưng chưa thể mở rộng tiêu thụ dù rất muốn. Chúng tôi cũng chỉ mới bán một số sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị Vinatex và vài cửa hàng tại Đồng Nai. Chi phí cho phân phối là rào cản chưa vượt qua được. Không thể nghĩ đơn giản kiểu như “chúng tôi thừa kinh nghiệm may đồ xuất cho Mỹ, Nhật thì có thể làm hàng bán ngay tại Việt Nam”. Xây dựng nhãn hàng, sản xuất và bán hàng là điều khó khăn hơn rất nhiều mà doanh nghiệp nào cũng hiểu. Những năm qua và trước mắt, chúng tôi vẫn sẽ tập trung xây dựng nhà máy, củng cố mảng xuất khẩu thật tốt đã. Tôi vẫn nuôi mong muốn xây dựng nhãn hàng riêng, nhưng không phải bây giờ. Hiện tại, chúng tôi đang dốc toàn lực cho việc nâng cao cạnh tranh để bước vào các FTA, mà quan trọng nhất là TPP sắp tới.
Chuyện doanh nghiệp tự đầu tư nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu là chuyện “liệu cơm gắp mắm”. Không nhất thiết doanh nghiệp may mặc nào cũng nên tự đầu tư nhà máy nguyên phụ liệu. Với túi tiền, kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ tự biết có nên, có cần đầu tư hay không. Cũng có thể chọn cách liên kết với doanh nghiệp khác để tạo thành chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng, cùng nhau “sống” như cách mà Vinatex đang làm. |
* Ông nghĩ sao về suy nghĩ “thoát khỏi gia công” trong may mặc xuất khẩu nói riêng và nhiều ngành khác nói chung? Tại sao không tự biến mình thành một quốc gia có thương hiệu gia công tốt nhất chẳng hạn?
- Donagamex đã có lúc làm hàng FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng). Khi quy mô lớn và thị trường nhiều biến động, quan niệm “không làm gia công” không còn phù hợp nữa. Làm ăn thì phải tính toán đến hiệu quả. Do đó, linh hoạt theo thị trường là “thương hiệu” bền vững nhất trong suy nghĩ của tôi.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)