Báo Đồng Nai điện tử
En

Giày dép xuất khẩu khó hưởng lợi từ thuế

07:09, 10/09/2015

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (Việt Nam - EU) là 2 FTA được kỳ vọng nhiều nhất, đặc biệt đối với các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, giày dép xuất khẩu với mức thuế suất sẽ hạ xuống 0% được xem là một lợi thế cạnh tranh lớn.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (Việt Nam - EU) là 2 FTA được kỳ vọng nhiều nhất, đặc biệt đối với các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, giày dép xuất khẩu với mức thuế suất sẽ hạ xuống 0% được xem là một lợi thế cạnh tranh lớn.

Sản xuất simili giả da của Công ty cổ phần công nghiệp nhựa Phú Lâm (Khu công nghiệp Amata) phục vụ cho các nhà sản xuất giày dép, túi xách xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Sản xuất simili giả da của Công ty cổ phần công nghiệp nhựa Phú Lâm (Khu công nghiệp Amata) phục vụ cho các nhà sản xuất giày dép, túi xách xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, hưởng được lợi từ giảm thuế hay không lại là chuyện khác. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 về xuất khẩu giày dép, chỉ sau Trung Quốc, đặc biệt ở các thị trường lớn, như: Mỹ, EU và Nhật Bản, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành này lại rất yếu.

* Thế mạnh gia công

Từ năm 2008 đến nay, Công ty cổ phần Việt Minh Khuê (chuyên làm giày xuất khẩu ở huyện Nhơn Trạch) đã bỏ hẳn việc sản xuất giày theo mẫu mã thiết kế mà chuyển sang gia công cho các thương hiệu khác. Theo Phó giám đốc công ty Nguyễn Minh, những năm kinh tế khó khăn do phải cạnh tranh mạnh nên doanh nghiệp (DN) chuyển sang gia công để duy trì sản xuất. Ông Minh cho rằng, với ngành giày dép của Việt Nam hiện nay, khi tỷ lệ nội địa hóa còn ở mức thấp thì lợi nhuận mang lại không cao. Chia sẻ về cơ hội hứa hẹn ở TPP hay FTA Việt Nam - EU, ông Minh đánh giá giày dép xuất khẩu của Việt Nam khó hưởng được thuế suất 0% do nguồn nguyên phụ liệu chủ yếu là nhập khẩu. Ông Minh nói: “Công ty tôi mỗi năm sản xuất gần 1 triệu đôi giày, các nguyên phụ liệu chính, như: da, cao su đế, khuy... nhập từ Đài Loan và Hong Kong tùy theo đơn hàng khách đặt. Hiện tại chỉ có vải lót, keo, chỉ may, simili là sử dụng hàng trong nước”.

Nguyên liệu giả da nhu cầu trong nước mỗi năm cần đến hơn 200 triệu m2, nhưng các DN sản xuất trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 10  triệu m2/năm. Chính vì vậy, theo nhiều DN trong ngành, khi các FTA lớn như TPP hay Việt Nam - EU được ký kết và có hiệu lực thì giày dép của Việt Nam cũng khó hưởng được ưu đãi về thuế theo quy định.

Không chỉ những công ty nhỏ như Việt Minh Khuê, mà ngay cả các công ty lớn cũng chủ yếu sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu. Quản đốc của một DN vốn đầu tư nước ngoài ở huyện Trảng Bom chuyên gia công giày cho các thương hiệu lớn cho hay, các nguyên phụ liệu thường được chỉ định nhập khẩu từ Hàn Quốc tới 90%.

* Loay hoay nguyên phụ liệu

Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu), tính toán nguyên phụ liệu chiếm gần 70% giá thành đôi giày. Vì vậy, giá trị mang lại của một đôi giày xuất khẩu của Việt Nam là khá thấp do sử dụng nguyên liệu nhập khẩu nhiều. Trong khi đó, yêu cầu của TPP đòi hỏi nguồn gốc xuất xứ phải là nguyên liệu nội địa, hoặc nguồn gốc từ nội khối phải đạt tỷ lệ từ 50% trở lên, với FTA Việt Nam - EU từ 40% trở lên mới được hưởng thuế suất ưu đãi. Theo thống kê của Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), tỷ lệ nội địa hóa chung của ngành mới chỉ chiếm khoảng 40%, trong khi đó những nguyên liệu chính như da thuộc, da nhân tạo vẫn nhập khẩu chủ yếu, vì trong nước mới đáp ứng được khoảng 25%.

Ông Tạ Quốc Bình, Phó giám đốc Công ty sản xuất giày dép xuất khẩu Vĩnh Bình (ở TP.Hồ Chí Minh, xưởng sản xuất tại huyện Trảng Bom), cho rằng trong những năm tới, nếu trong nước chưa có phương án phát triển nguyên liệu cho ngành này thì việc được hưởng thuế ưu đãi cũng không có mấy tác dụng. 

 Với mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách của Việt Nam đạt khoảng 22 tỷ USD, nhưng việc khó khăn ngành da giày đang gặp phải là tình trạng nguồn nguyên phụ liệu chưa chủ động. Như tính toán của Lefaso, Việt Nam phải tốn tới 60% tổng kim ngạch của xuất khẩu giày dép mỗi năm để nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ…

Vân Nam

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích