Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nông dân điển hình

12:07, 23/07/2015

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông dân đã đóng vai trò chính trong việc góp công, góp của để đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư vào sản xuất làm giàu cho bản thân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đó là những điển hình nông dân sản xuất giỏi và xây dựng nông thôn mới tại Đồng Nai.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông dân đã đóng vai trò chính trong việc góp công, góp của để đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư vào sản xuất làm giàu cho bản thân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đó là những điển hình nông dân sản xuất giỏi và xây dựng nông thôn mới tại Đồng Nai.

* Nông dân tiêu biểu của huyện nông thôn mới đầu tiên

Ông Hồ Sơn Tư
Ông Hồ Sơn Tư

Ông Hồ Sơn Tư (huyện Xuân Lộc) là nông dân đầu tiên của Đồng Nai vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen với nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Khởi nghiệp chỉ với 1 hécta đất trồng xoài, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua thêm đất xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Tích tiểu thành đại, đến năm 2004, ông đã xây dựng được trang trại với tổng diện tích 35 hécta đất trồng cỏ cho đàn bò thịt 100 con, vườn cây ăn trái đặc sản và đất trồng rừng... Năm 2008, gỗ rừng trồng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, ông đã thành lập Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hồ Sơn Tư chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, đồ nội thất với công nghệ dây chuyền sản xuất hiện đại. Doanh thu từ xưởng mộc đạt gần 10 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho trên 100 lao động tại địa phương. Ông cũng đã bỏ kinh phí mở các lớp đào tạo nghề mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ cho hàng chục lao động tại địa phương.

Ngoài đóng góp xây nhà tình thương, quỹ hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách, ông Tư còn giao bò cái cho các hộ nghèo nuôi để nhận được bò giống khi bò mẹ đẻ. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông là một trong những người uy tín, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới. Gia đình ông cũng luôn tiên phong trong việc góp tiền, hiến đất để xây cầu, làm đường tại địa phương. Cụ thể, gia đình ông đã đóng góp hơn 900 triệu đồng trong xã hội hóa giao thông nông thôn. Theo ông Hồ Sơn Tư: “Đóng góp xây dựng nông thôn mới chính là tạo điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế cho gia đình cũng như cho địa phương. Từ nhận thức đó, bản thân tôi và bà con đã tích cực tham gia phong trào, đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn làng, ấp xanh, sạch, đẹp”. 

* “Vua” thanh long ruột đỏ Trảng Bom

Đây là danh hiệu mà người dân tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) dành cho nông dân sản xuất giỏi Đoàn Trung Ngọc. Ông là người đầu tiên tại địa phương bỏ vườn tạp đầu tư trồng thanh long ruột đỏ. Từ khởi điểm trồng 1,5 hécta thanh long ruột đỏ, đến nay gia đình ông đã mở rộng diện tích lên 8 hécta. Ngoài trồng giống trái cây đặc sản, ông còn cho đào ao nuôi cá, nuôi heo rừng, mở dịch vụ câu cá giải trí, quán ăn gia đình bán các loại đặc sản nhà vườn làm ra. Ông luôn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và đã hỗ trợ 10 ngàn hom giống thanh long và bán trả chậm 80 ngàn hom cho các hộ trồng giống đặc sản này. Ông được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ xã Hưng Thịnh, liên kết nông dân trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Bản thân ông cùng nông dân tại địa phương thực hiện trồng rải vụ, điều chỉnh để thanh long ra trái nghịch vụ nên thường đạt lợi nhuận cao. Với mục tiêu cung cấp sản phẩm sạch ra thị trường, ông đang thực hiện trồng theo quy trình VietGAP.

Ông Đoàn Trung Ngọc
Ông Đoàn Trung Ngọc

Trong vấn đề tìm đầu ra, ông đã trực tiếp ký hợp đồng cung cấp với doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu tại Bình Thuận. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông tự bỏ tiền đầu tư đường điện vào tận vườn thanh long của gia đình tại xã Hưng Thịnh và cho những hộ nghèo sử dụng miễn phí đường điện này. Ông cũng bỏ tiền nâng cấp, sửa chữa 1,5 km đường giao thông nông thôn và đầu tư đường điện tại xã Trung Hòa với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng; hiến 1 ngàn m2 để làm đường giao thông nông thôn…

* Đi đầu trong hiến đất làm đường

Ông Võ Hữu Thời
Ông Võ Hữu Thời

Vài chục năm trước, ở độ tuổi ngoài 20, người bộ đội xuất ngũ Võ Hữu Thời về xã Lộc An (huyện Long Thành) khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi heo hộ gia đình. Thời gian đầu, ông làm đủ nghề từ chạy xe chở hàng, thu mua heo... để có vốn đầu tư vào sản xuất. Dần dần, ông phát triển được trang trại rộng 17 hécta theo mô hình vườn - ao - chuồng và chủ yếu trồng cao su, tràm, gió bầu. Ông Võ Hữu Thời chia sẻ: “Thời gian qua, cao su mất giá làm nông gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bấp bênh, nhưng tôi vẫn giữ cây cao su, vẫn gắn bó với nghề chăn nuôi vì đây đã là cái nghiệp cả đời”.

Điều đáng quý của ông nông dân sản xuất giỏi này là dù khó khăn, ông vẫn tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông đã hiến gần 4 ngàn m2 đất trồng cao su để làm đường giao thông; đóng góp hơn 400 triệu đồng để làm đường điện, đường giao thông nông thôn. Theo ông Võ Hữu Thời: “Bản thân tôi và bà con tại địa phương rất quan tâm và sẵn sàng đóng góp xây dựng nông thôn mới, vì phong trào này mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Vì khu vực này chỉ có khoảng 20 hộ dân, tôi có điều kiện hơn thì đóng góp nhiều để kéo điện, làm đường phục vụ sản xuất”. 

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều