Tuy Đồng Nai có nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường không khí, nhưng tại một số điểm trên địa bàn tỉnh tình trạng ô nhiễm không khí vẫn gia tăng vào mùa khô. Hạn chế ô nhiễm không khí cũng là một trong những giải pháp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.
Tuy Đồng Nai có nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường không khí, nhưng tại một số điểm trên địa bàn tỉnh tình trạng ô nhiễm không khí vẫn gia tăng vào mùa khô. Hạn chế ô nhiễm không khí cũng là một trong những giải pháp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh trồng cây xanh để bảo vệ môi trường nhân Ngày Môi trường thế giới 5-6-2014. |
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, thường vào mùa khô một số điểm gần khu vực khai thác khoáng sản, nút giao thông có nhiều phương tiện qua lại, các khu công nghiệp có lượng khí thải nhiều, tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng. Để giảm bớt tình tình trạng gây ô nhiễm không khí tại các mỏ khai thác khoáng sản, tỉnh buộc các chủ đầu tư khai thác mỏ phải thực hiện phun xịt nước thường xuyên, các nhà máy có khí thải nhiều đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải đạt chuẩn.
* Nhiều tác nhân gây ô nhiễm không khí
Hiện nay, có nhiều tác nhân có thể gây ra ô nhiễm môi trường không khí nên để giữ không khí trong lành là việc không dễ. Tại các tuyến đường giao thông chất lượng không khí lệ thuộc lớn vào mật độ các xe máy, ô tô lưu thông trên đường. Theo Trung tâm Quan trắc Đồng Nai (Sở Tài nguyên - môi trường), một xe ô tô chạy 1 ngàn km sẽ thải 0,07-0,8kg bụi và nhiều loại khí gây hại khác, như: CO, VOCs, SO2, NOx. Với xe máy chạy 1ngàn km sẽ thải ra 0,12 - 6,7kg bụi và hàng loạt các loại khí gây hại giống xe ô tô. Những loại khí hại do ô tô, xe máy thải ra nếu gặp mưa sẽ tạo thành mưa acid ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cây trồng và vật nuôi. Còn người dân khi hít phải nhiều loại khí thải trên có thể gây ra bệnh về đường hô hấp và một số bệnh khác. Mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có hàng triệu xe máy, ô tô lưu thông trên các tuyến đường, như vậy lượng bụi thải ra lên đến hàng trăm tấn.
Với các khu vực khai thác khoáng sản, tỉnh đang siết lại việc quản lý, cấp phép khai thác để giảm ô nhiễm và bảo vệ nguồn tài nguyên cho tương lai. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường không khí đòi hỏi tất cả cộng đồng đều phải có ý thức tham gia, như vậy môi trường không khí mới được bảo vệ. |
Tại các khu vực khai thác khoáng sản thuộc huyện Vĩnh Cửu, TP. Biên Hòa, huyện Thống Nhất, Trảng Bom... tình trạng ô nhiễm môi trường không khí do bụi đá, đất bay ra từ các mỏ khai thác, quá trình sản xuất và vận chuyển cũng là nỗi bức xúc của nhiều người dân sống gần những khu vực này. Nhiều người dân sống gần khu vực mỏ khai thác đá ở xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) than thở, bụi đá bay bám vào các loại cây trồng làm thiệt hại lớn cho các loại cây trồng và hoa màu. Còn người dân sống gần các mỏ khai thác thường xuyên mắc bệnh về đường hô hấp.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn do quá trình sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Trong công nghiệp nhiều ngành nghề phát sinh khí thải không được lắp đặt hệ thống xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường cũng là tác nhân làm giảm chất lượng không khí. Quá trình sản xuất nông nghiệp nếu sử dụng quá nhiều các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại cũng gây ô nhiễm môi trường không khí, đất và nguồn nước.
* Giải pháp để hạn chế
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, để giữ môi trường không khí trong lành đòi hỏi tất cả cộng đồng cùng tham gia. Một trong những giải pháp để giảm ô nhiễm môi trường không khí cho các phương tiện ô tô, xe máy lưu thông trên đường là dùng các loại xăng ít chì và dần dần chuyển sang dùng xăng sinh học E5, E10 và khí CNG. Chính phủ ban hành Quyết định 53 yêu cầu cuối năm 2015, các tỉnh thành đưa vào sử dụng rộng rãi xăng sinh học E5 và cuối năm 2017 là xăng sinh học E10. Loại xăng này giúp hạn chế 20% lượng khí CO2 thải ra môi trường. Đồng thời, xăng sinh học E5 tốt cho động cơ các loại xe máy khi chuyển từ xăng truyền thống sang. Tại Đồng Nai, đầu năm 2015, UBND tỉnh có văn bản 1151 yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần vật liệu xây dựng và chất đốt Đồng Nai, Công ty cổ phần thương mại Long Thành... xây dựng kế hoạch cung cấp, phân phối và kinh doanh xăng E5, E10 theo lộ trình. Và tuyên truyền vận động người dân trên địa bàn sử dụng xăng sinh học giảm ô nhiễm môi trường không khí.
Một số cơ sở sản xuất tại xã Hóa An (TP. Biên Hòa) xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Ảnh: U.NHI |
Tỉnh đã ban hành quy định về lộ trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cơ sở không phù hợp quy hoạch vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để bảo vệ môi trường tại các khu dân cư. Các cơ sở khi di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đòi hỏi phải đầu tư đạt chuẩn việc xử lý rác thải, khí thải và nước thải. Còn các cơ sở chăn nuôi buộc phải di dời vào các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi. Trong sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã tiến hành tuyên truyền vận động nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học ít gây hại cho môi trường; áp dụng quy tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp chuyển giao cho nông dân các quy trình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường.
Uyển Nhi