Báo Đồng Nai điện tử
En

Lơ là đăng ký nhãn hiệu nông sản

08:07, 07/07/2015

Đồng Nai là địa bàn có nhiều đặc sản trái cây, nông sản, nhưng việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý vẫn chưa được chú trọng, dù nông sản Việt Nam đã và đang hướng đến những sân chơi lớn.

 

Đồng Nai là địa bàn có nhiều đặc sản trái cây, nông sản, nhưng việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý vẫn chưa được chú trọng, dù nông sản Việt Nam đã và đang hướng đến những sân chơi lớn.

Dâu An Phước (huyện Long Thành) ngon có tiếng nhưng chưa được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Dâu An Phước (huyện Long Thành) ngon có tiếng nhưng chưa được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ), cả nước có trên 800 sản phẩm nông, lâm, thủy sản có uy tín phân bố ở 720 địa phương khác nhau, nhưng mới chỉ có 38 chỉ dẫn địa lý,  khoảng 140 nhãn hiệu được đăng ký xác lập quyền và được bảo hộ pháp lý. Chỉ một số ít trong đó được tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

* Chậm, dễ “uống nước đục”

Tại Đồng Nai, nhiều loại trái cây, nông sản nổi tiếng vẫn chưa được đăng ký nhãn hiệu, như: dâu An Phước (huyện Long Thành), bơ, tiêu (huyện Cẩm Mỹ), quýt đường Thanh Sơn (huyện Định Quán), quýt đường, bưởi da xanh Tân Phú (huyện Tân Phú), thanh long ruột đỏ (huyện Xuân Lộc), sầu riêng, măng cụt, mít (TX.Long Khánh)...

Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phước (huyện Long Thành), cho hay: “Xã đang tiến hành tập huấn cho các nhà vườn trồng dâu làm theo quy trình VietGAP để mở rộng thị trường tiêu thụ. Còn đăng ký nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý địa phương chưa thực hiện”. Hiện diện tích dâu của xã An Phước khoảng hơn 100 hécta, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 2 ngàn tấn quả. “Với những trái cây, nông sản đã có thương hiệu, các địa phương nên tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý để được bảo vệ pháp lý. Đồng thời, khi có nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa ly, nông sản và trái cây dễ dàng mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu” - ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý sở hữu trí tuệ Sở Khoa học - công nghê, cho biết.

Thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), thị trường xuất khẩu các loại quả tươi có nguồn gốc nhiệt đới khá lớn, song phải cạnh tranh quyết liệt với trái cây cùng loại của nhiều nước. Trái cây của Việt Nam được đánh giá cao về mùi vị và nhiều nước sẵn sàng ký hợp đồng nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng đòi hỏi phải có giấy chứng nhận chất lượng và đăng ký nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Do đó, việc xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa rất cần thiết để trái cây, nông sản chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như rộng đường xuất khẩu.

* Sẽ ưu tiên đăng ký nhãn hiệu

Đồng Nai hiện có gần 48 ngàn hécta cây ăn trái, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 500 ngàn tấn trái cây. Trong đó, có nhiều loại trái cây của Đồng Nai được coi là đặc sản, như: chôm, sầu riêng, bưởi, quýt, xoài, mít, bơ... nhưng chủ yếu bán cho thương lái để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, chỉ một số ít vào được siêu thị. Thời gian qua, mới có trên 10 nhãn hiệu tập thể của sản phẩm nông nghiệp được đăng ký và cấp chứng nhận, nhưng trái cây chỉ có xoài của Hợp tác xã Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), chôm chôm (TX.Long Khánh), bưởi Tân Triều, xoài Lý Lịch (huyện Vĩnh Cửu), thanh long ruột đỏ Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom).

Ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý sở hữu trí tuệ Sở Khoa học- công nghệ, nhấn mạnh hiện tại kho dữ liệu cho đăng ký nhãn hiệu hàng hóa còn rộng nên việc đăng ký và cấp chứng nhận sẽ dễ dàng. Càng đăng ký chậm càng khó vì kho dữ liệu đầy dần, việc trùng tên dễ xảy ra, nơi nào đăng ký muộn sẽ khó khăn và có khi không đăng ký được nếu nhãn hiệu đó đã được đăng ký trước.

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, chia sẻ: “Tới đây, huyện sẽ tiến hành hỗ trợ các hợp tác xã, câu lạc bộ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý cho những loại trái cây, nông sản có ưu thế của địa phương. Như vậy sẽ bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông dân và tăng sức cạnh tranh cho trái cây, nông sản”. Đến nay, huyện Xuân Lộc đã xây dựng được thương hiệu và đăng ký và được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho tiêu Xuân Lộc và xoài Suối Lớn. Tới đây sẽ là thanh long ruột đỏ, sầu riêng, cà phê.

“Tân Phú có nhiều loại trái cây, nông sản được thị trường khá ưa chuộng là bưởi da xanh, quýt đường nhưng chưa đăng ký được nhãn hiệu hàng hóa. Huyện dự tính thời gian tới sẽ hỗ trợ các vùng này xây dựng thương hiệu để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý để bảo hộ trái cây đặc sản của địa phương” - Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Trần Bá Đạt cho biết. Còn Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Hữu Thiện thì khẳng định: “Việt Nam đang trên đà hội nhập nhanh, cuối năm 2015 Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, việc xây dựng thương hiệu đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn đại lý cho trái cây, nông sản rất cần thiết,  cấp bách. Trong tháng 7 này, Hội sẽ hoàn chỉnh website,  ưu tiên cho phần quảng bá thương hiệu và hướng dẫn cách đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho trái cây và nông sản”.

Hương Giang

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích