Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đang có nhiều cơ hội vào những thị trường lớn và khó tính, như: châu Âu, Hoa Kỳ... Trong đó, các doanh nghiệp (DN) có lợi thế cạnh tranh nhờ khai thác sự ưa chuộng sản phẩm thủ công với yêu cầu về sự tỉ mỉ, tinh tế của những thị trường này.
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đang có nhiều cơ hội vào những thị trường lớn và khó tính, như: châu Âu, Hoa Kỳ... Trong đó, các doanh nghiệp (DN) có lợi thế cạnh tranh nhờ khai thác sự ưa chuộng sản phẩm thủ công với yêu cầu về sự tỉ mỉ, tinh tế của những thị trường này.
Những dòng sản phẩm thủ công độc đáo là thế mạnh để hàng Việt vào được các thị trường khó tính. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Tâm Văn Nhân (huyện Vĩnh Cửu). |
Tuy nhiên, các DN trong ngành hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ nên gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng thị trường. Họ cần sự hỗ trợ về mặt thông tin, cả về những cơ hội và rào cản khi tham gia thị trường mới.
* Khai thác lợi thế
Theo các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Đồng Nai, tình hình xuất khẩu đang dần khởi sắc. Trong đó, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vào những thị trường khó tính, như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản... nhờ giữ được kỹ thuật làm bằng thủ công tinh xảo chứ không sản xuất theo hướng công nghiệp hàng loạt mà đối thủ lớn là Trung Quốc đang theo đuổi.
Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân (huyện Trảng Bom), cho biết: “Từ năm ngoái đến nay, tình hình xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ của chúng tôi tăng trưởng tốt. Ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống là các nước EU, cơ sở đang tăng đơn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết, mối quan hệ kinh tế với các nước được tăng cường thì DN các nước tìm đến đặt hàng trực tiếp ngày càng nhiều chứ không thông qua các đơn vị trung gian như trước”.
Bà Trương Thùy Linh, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ), nhận xét: “Với 300 triệu dân, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng và Việt Nam có lợi thế đang đứng đầu các nước Đông Nam Á xuất khẩu vào thị trường này. Khi Hiệp định TTP được ký kết sẽ tiếp tục mở ra cho các DN Việt Nam nhiều cơ hội lớn. Tuy nhiên, DN cũng phải chú ý vì yêu cầu của Hoa Kỳ khá khắt khe, ngoài các chỉ tiêu về chất lượng, họ cũng chú trọng đến những yếu tố về chế độ cho người lao động, tiêu chuẩn về nhà xưởng…”. |
Năm nay, Công ty TNHH Tâm Văn Nhân (huyện Vĩnh Cửu) bắt đầu có thêm một số khách hàng từ Mỹ; đơn hàng từ các nước EU giữ ổn định và tăng nhẹ. Đây là những tín hiệu vui cho DN về thị trường xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Nhân, chủ DN này chia sẻ: “Tuy không thiếu cơ hội nhưng áp lực cạnh tranh xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên cũng ngày càng lớn. Chúng tôi đang đầu tư đa dạng cả về mẫu mã, chất liệu sản phẩm. Cụ thể, chỉ riêng dòng chậu trang trí, chúng tôi sản xuất từ rất nhiều nguyên liệu khác nhau, như: chậu vỏ đan bằng sợi lục bình, nhựa giả mây, chậu kết bằng thanh tre, chậu vải bố, vải simili… Đặc biệt, sản phẩm chậu trồng cây cảnh sân vườn, hộp trang trí bằng đá tổ ong vốn chỉ dùng làm nguyên liệu trong xây dựng đang là sản phẩm mới rất hút khách”.
* Cần hỗ trợ “dò” thị trường
Tại hội nghị tiếp xúc giữa đoàn tham tán công sứ, trưởng chi nhánh thương vụ, tùy viên thương mại Việt Nam ở nước ngoài với các DN xuất khẩu của Đồng Nai vừa diễn ra vào giữa tháng 6-2015, ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, cho biết: “Hiện sản phẩm gỗ, gỗ mỹ nghệ của các DN trên địa bàn tỉnh đã có mặt ở hơn 80 nước trên thế giới. Tuy nhiên, DN vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của các thị trường lớn, như: EU, Hoa Kỳ... Các DN rất mong tham tán, tùy viên thương mại Việt Nam ở các nước trên hỗ trợ về mặt thông tin qua việc thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về thị trường, chính sách nhập khẩu, rào cản kỹ thuật…”
Ông Nguyễn Hữu Tráng, Tham tán công sứ tại Cộng hòa liên bang Đức, cho rằng: “Chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ cho DN trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu. Nhưng để chúng tôi làm tốt vai trò cầu nối này, DN nên chủ động đưa ra đơn đặt hàng cụ thể. Và những chương trình hội thảo như thế này chính là dịp để DN và tham tán, tùy viên tại các nước tạo được mối quan hệ cá nhân, từ đó xây dựng mối dây liên kết chặt chẽ để hỗ trợ DN một cách hiệu quả nhất”.
Bình Nguyên