Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ chối dự án không phù hợp (Bài 1)

03:04, 22/04/2015

Hơn 3 năm trở lại đây, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Đồng Nai có sự chọn lọc khá kỹ. Trong đó, tỉnh ưu tiên thu hút những dự án có công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

Là một trong những địa phương mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) sớm nhất, đến nay Đồng Nai vẫn luôn nằm trong tốp 5 tỉnh, thành có số vốn FDI đứng đầu cả nước. Nguồn thu từ khối doanh nghiệp FDI luôn chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm từ khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn… Thế nhưng, mấy năm gần đây, Đồng Nai đã có sự thay đổi lớn lao trong chính sách thu hút FDI, mở ra một thời kỳ mới trong phát triển kinh tế: thời kỳ thu hút FDI “phiên bản” sạch và xanh.

Sản xuất cà phê tại Công ty Volcafe Việt Nam tại Khu công nghiệp An Phước, huyện Long Thành.
Sản xuất cà phê tại Công ty Volcafe Việt Nam tại Khu công nghiệp An Phước, huyện Long Thành.

Hơn 3 năm trở lại đây, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Đồng Nai có sự chọn lọc khá kỹ. Trong đó, tỉnh ưu tiên thu hút những dự án có công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Đồng Nai đang hướng đến sản xuất công nghiệp xanh, vì thế những năm gần đây các dự án đầu tư vào tỉnh đều có công nghệ sạch, công nghệ cao, sử dụng ít lao động. Vấn đề bảo vệ môi trường luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu.

* Nói không với nhiều dự án

Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 28 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy bình quân 67%. Tuy vẫn xác định rõ nguồn vốn FDI luôn đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế, song những năm gần đây, tỉnh đã từ chối không ít dự án vì có công nghệ lạc hậu, nhiều chất thải, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Một số doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN có nhu cầu mở rộng sản xuất, nhưng nếu không đảm bảo các tiêu chí đặt ra cũng bị từ chối.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Việt Nam (Bộ Kế hoạch - đầu tư) nhận xét, Đồng Nai là tỉnh áp dụng các chính sách mới của Chính phủ nhanh và hiệu quả. Tỉnh đã phân cấp, ủy quyền rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục trong đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng Nai cũng là tỉnh đứng đầu trong cả nước vì có các DN xây dựng hạ tầng các KCN tốt. Đây là yếu tố thuận lợi cho những nhà đầu tư đang có ý định đầu tư vào tỉnh.

Mới đây nhất, Công ty TNHH dệt J.M ở KCN Long Thành (huyện Long Thành) đề nghị mở rộng sản xuất nhưng tỉnh đã không đồng ý sau khi xem xét nhiều khía cạnh, do đây là ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Cụ thể, hệ thống xử lý nước thải tại KCN Long Thành hiện đã hoạt động gần hết công suất, trong khi nước thải từ dệt nhuộm rất lớn và việc xử lý đạt chuẩn trước khi đưa ra môi trường không đơn giản. Vì vậy, tỉnh đã từ chối để bảo vệ môi trường nước cho các suối và sông Đồng Nai. Trước đó, một số dự án xin đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất nhưng không thuyết phục trong vấn đề bảo vệ môi trường cũng đã bị từ chối.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành, cho biết: “KCN Long Thành hiện chỉ thu hút những dự án sản xuất sạch, ít gây hại cho môi trường. Những doanh nghiệp trong KCN muốn mở rộng sản xuất hoặc thực hiện dự án mới, nếu không phù hợp với các tiêu chí trên đều không được chấp thuận”.

Đồng Nai hiện cũng đã có các quy định phân vùng thu hút đầu tư các loại dự án cho từng KCN nên các công ty kinh doanh hạ tầng KCN đều dựa vào đó để mời gọi nhà đầu tư. Đồng Nai đã qua thời “gật đầu” với tất cả các dự án muốn đầu tư vào tỉnh. “Ở 3 KCN là Biên Hòa 2, Gò Dầu và Xuân Lộc, những dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đều bị từ chối mở rộng và đầu tư mới”-  ông Hà Điệp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Long Bình, đơn vị chủ quản của 3 KCN này khẳng định.

Theo ông Mậu Nhân Lại, Hội trưởng Hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang có ý định đến Đồng Nai để tìm cơ hội đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ để đón đầu Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định TPP. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Đồng Nai đánh giá rất cao về việc chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Dự kiến trong tháng 5-2015, Hội sẽ đưa hơn 30 doanh nghiệp từ Trung Quốc sang tìm hiểu chi tiết các lĩnh vực để đăng ký đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-môi trường Bùi Cách Tuyến đã từng nhận xét, Đồng Nai là một trong những tỉnh có chính sách bảo vệ môi trường tốt và minh bạch. Các KCN trước khi đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hệ thống quan trắc tự động đã lắp đặt nhiều KCN để truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên - môi trường theo dõi quản lý.

Song song với việc chỉ thu hút những dự án sản xuất sạch, tỉnh cũng siết chặt việc quản lý và xử lý các nguồn thải với mục tiêu hướng đến sản xuất công nghiệp xanh.

* Công khai rõ ràng

Đầu tháng 7-2014, UBND tỉnh đã chính thức ban hành Quyết định 2163 về danh mục dự án thuộc ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên thu hút những ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ có công nghệ sản xuất sạch, sản xuất vật liệu mới, các dự án tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm phần cứng, phần mềm, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Các dự án thu hút đầu tư có điều kiện là công nghiệp hỗ trợ có công đoạn xi mạ, phun phủ, đánh bóng kim loại, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến thủy sản, sản xuất sơn, phụ gia chất tẩy rửa công nghiệp, dệt có công đoạn nhuộm, chế biến gỗ, dăm ván gỗ công nghiệp. Riêng TP.Biên Hòa ngoài những tiêu chí trên, còn thêm điều kiện chỉ chấp nhận những dự án sử dụng dưới 1 ngàn lao động/dự án. Các ngành nghề tạm dừng thu hút đầu tư, gồm: sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô, chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su chưa sơ chế, sản xuất hóa chất cơ bản, thuộc da, sơ chế da.

Sản xuất sản phẩm vi mạch bán dẫn tại Công ty On Semiconductor (Khu công nghiệp Biên Hòa 2).
Sản xuất sản phẩm vi mạch bán dẫn tại Công ty On Semiconductor (Khu công nghiệp Biên Hòa 2).

Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, cho biết: “Khoảng 3 năm lại đây, các DN đầu tư vào KCN trên địa bàn tỉnh hầu hết có máy móc công nghệ đúng với yêu cầu của tỉnh. Các nhà đầu tư ngay từ khi đến tìm hiểu đã được tỉnh thông báo rõ ràng những ngành nghề ưu tiên, hạn chế và tạm dừng thu hút để họ biết. Vì thế những dự án được chấp thuận đều là những lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư”. Theo bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch- đầu tư, quyết định về những ngành nghề ưu tiên, hạn chế và tạm dừng thu hút đầu tư tuy mới ban hành gần 1 năm, nhưng thực tế từ hơn 3 năm nay tỉnh đã thu hút các dự án có chọn lựa. Một số KCN tỷ lệ lấp đầy chưa cao, song cũng không vì thế mà chấp nhận các dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Nhóm PV kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích