Nhiều loại sản phẩm nông nghiệp tại Đồng Nai có sản lượng lớn, sản xuất theo quy trình an toàn. Nhưng hiện nhiều mặt hàng, như: trái cây, rau, củ...khi tham gia thị trường xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với thực tế sản xuất.
Nhiều loại sản phẩm nông nghiệp tại Đồng Nai có sản lượng lớn, sản xuất theo quy trình an toàn. Nhưng hiện nhiều mặt hàng, như: trái cây, rau, củ...khi tham gia thị trường xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với thực tế sản xuất.
Các sản phẩm trái cây, rau quả sản xuất theo quy trình sạch của Đồng Nai thu hút doanh nghiệp quan tâm, song đầu ra xuất khẩu vẫn khó khăn. Ảnh: B.Nguyên |
Hội nhập gần kề mở ra cơ hội lớn về thị trường tiêu thụ nhưng áp lực cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt. Trong khi đó, nông dân vẫn lúng túng trước bài toán đầu ra và yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
* Chưa tiếp cận được đầu ra
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu trái cây, nông sản đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang tăng nhanh khi hàng rào thuế quan cho hàng nông sản được gỡ bỏ. Đồng Nai là một trong những vùng sản xuất được các DN quan tâm vì đã hình thành những vùng sản xuất rau, trái cây an toàn với diện tích lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, như: xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), chôm chôm, sầu riêng Long Khánh, các vùng chuyên canh rau tại huyện Xuân Lộc... Nông dân cũng không ngại đầu tư sản xuất với quy mô lớn, đạt chuẩn an toàn. Tuy nhiên, trái cây, rau, củ sản xuất tại Đồng Nai vẫn chủ yếu tiêu thụ qua kênh thương lái, sản phẩm sạch chưa có được phân khúc thị trường riêng, chưa có giá cả tương xứng với mức đầu tư.
Tại hội nghị trực tuyến về hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa diễn ra vào giữa tháng 4-2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, đến năm 2018 hầu hết các loại thuế nhập khẩu nông sản từ các nước ASEAN và một số khu vực khác sẽ trở về 0. Việt Nam đang được xác định là thị trường tiêu thụ rất quan trọng của nhiều nước. Để cạnh tranh khi bước vào thị trường chung đó, nông sản Việt Nam phải thay đổi, tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế. |
Ông Nguyễn Thanh Tú, Phó giám đốc Hợp tác xã (HTX)Đồng Thuận (huyện Tân Phú), chia sẻ: “Hiện trung bình mỗi năm, chúng tôi có thể cung cấp 7 ngàn tấn chuối già nuôi cấy mô, 5 ngàn tấn gạo sạch, 20 tấn bưởi da xanh ruột hồng. Trong đó, HTX đã tự sản xuất được giống lúa cho gạo thơm, dẻo, năng suất cao, nhất là phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Chúng tôi đang xây dựng nhãn hàng riêng cho gạo sạch Tân Phú. HTX cũng đã lấy mẫu sản phẩm chuối đi thử nghiệm, đều đạt chất lượng an toàn. Khó khăn của HTX là đầu ra cho sản phẩm sạch nên rất mong liên kết được với các DN để đưa được sản phẩm vào siêu thị và xuất khẩu”.
Đại diện của cơ sở rau mầm Hoàng Anh (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Sản phẩm rau mầm của chúng tôi đã vào được hầu hết các hệ thống siêu thị lớn, “phủ sóng” khắp các tỉnh khu vực miền Trung và miền Nam. Nhiều đối tác tìm đến cơ sở đặt vấn đề làm hàng xuất khẩu, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa đáp ứng được kênh tiêu thụ lớn này, vì cơ sở chưa tìm được đối tác đầu tư công nghệ bảo quản để sản phẩm có thể xuất khẩu đi nhiều nước”.
* Sản xuất theo yêu cầu thị trường
Theo các DN kinh doanh hàng xuất khẩu, không phải nông sản xuất khẩu nào cũng phải làm GlobalGAP, VietGAP vì thị trường mỗi nước, mỗi khu vực có một yêu cầu riêng về sản phẩm. Chính vì vậy, phải nhìn vào từng thị trường cụ thể để đầu tư sản xuất cho phù hợp và tránh lãng phí. Ngày nay, nông dân cũng phải học để nắm bắt thông tin về thị trường trong nước và thế giới. Vì quan điểm bán những gì nông dân có từ lâu đã không còn phù hợp. Nông dân phải làm và bán những gì thị trường, khách hàng cần.
Tại hội nghị “Phát triển chuỗi liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn vào hệ thống Tổng công ty thương mại Sài Gòn (SATRA)” - ông Trần Thành Nam, Phó tổng giám đốc SATRA, cho biết đơn vị đang có nhu cầu mở rộng thêm nhiều mặt hàng nông sản cung cấp cho hệ thống bán lẻ và xuất khẩu. Tuy nhiên càng gần thời điểm hội nhập, sự cạnh tranh trên thị trường sẽ càng khốc liệt và yêu cầu đầu tiên để sản phẩm tồn tại vẫn là chất lượng. Ông Nam dẫn chứng: “Một trong những điều DN lo lắng nhất hiện nay là sự thiếu ổn định về chất lượng. Chúng tôi không ít lần rơi vào cảnh bị trả lại các container hàng trái cây, nông sản, phải bồi thường đơn hàng vì bị kiểm tra ra có vấn đề về chất lượng. Khi nông dân, các HTX đưa mẫu chào hàng với chúng tôi thì chất lượng rất tốt, nhưng khi nhận được đơn hàng lớn thì họ cung cấp hàng không đạt chất lượng như cam kết ban đầu. DN luôn đối mặt với rủi ro bị trả hàng và nông dân cũng không bán được sản phẩm”.
Cũng theo ông Nam, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa chính nông dân với nông dân, DN với DN đã “ép” giá nhiều loại nông sản của ta giảm mạnh, là một trong những nguyên nhân khiến một số mặt hàng xuất khẩu bị kiện bán phá giá gây ảnh hưởng chung cho cả ngành sản xuất. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tri Hiếu, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh), phân tích: “Tuy nỗ lực của nông dân và DN đều là bán tận gốc, mua tận ngọn, bỏ qua mọi khâu trung gian để có giá tốt nhất, nhưng không thể phủ nhận vai trò của thương lái. Vấn đề ở đây không chỉ là việc hạn chế bớt khâu trung gian mà là giữa nông dân, thương lái, DN phải hình thành được cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ với nhau cả về lợi ích và rủi ro”.
Bình Nguyên