Báo Đồng Nai điện tử
En

Tâm huyết cùng bột sắn dây

03:04, 13/04/2015

Làng nghề trồng và chế biến sắn dây đã tồn tại ở ấp Tân Bắc, xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) hơn 20 năm nay. Trong đó, ông Nguyễn Tứ Quảng là người đi tiên phong trong việc làm nhãn hàng riêng, mang sản phẩm đến các hội chợ với mục tiêu quảng bá, mở rộng thị trường.

Làng nghề trồng và chế biến sắn dây đã tồn tại ở ấp Tân Bắc, xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) hơn 20 năm nay. Trong đó, ông Nguyễn Tứ Quảng là người đi tiên phong trong việc làm nhãn hàng riêng, mang sản phẩm đến các hội chợ với mục tiêu quảng bá, mở rộng thị trường.

* Làm sản phẩm thủ công

Ông Quảng kể: “Sắn dây mỗi năm chỉ trồng được một vụ, khâu chế biến cũng chỉ kéo dài từ 3-4 tháng, nhưng người làm nghề này luôn tất bật với công việc. Thường từ tháng 11-12 khi dứt hẳn các cơn mưa, trời nắng tốt là làng nghề bắt đầu rộn ràng thu hoạch củ đưa vào chế biến. Suốt bao năm qua, gia đình tôi vẫn giữ nguyên cách làm thủ công truyền thống trong quy trình chế biến bột sắn dây”.

Ông Nguyễn Tứ Quảng giới thiệu sản phẩm với khách trong chương trình kết nối đưa nông sản vào siêu thị do Sở Công thương Đồng Nai tổ chức.
Ông Nguyễn Tứ Quảng giới thiệu sản phẩm với khách trong chương trình kết nối đưa nông sản vào siêu thị do Sở Công thương Đồng Nai tổ chức.

Chế biến bột đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chút cho từng công đoạn, từ khâu đào củ phải đặt loại cuốc chuyên dụng, đào hố sâu moi từng củ sắn dây ra khỏi đất thật khéo léo để củ không bị trầy xước, đất lẫn vào khiến bột bị sạn, cho đến các khâu nghiền, ngâm, lọc, phơi bột đòi hỏi kỹ thuật riêng để sản phẩm ra trắng tinh, khi pha uống giữ được vị tinh khiết, mát lành. “Bột sắn dây chúng tôi làm không hề dùng phụ gia hay chất bảo quản, nhưng cơ sở tôi sẵn sàng bảo hành 3 năm cho khách. Bí quyết là chỉ cần phơi bột đủ nắng và đóng gói kỹ không để hơi ẩm thấm vào” - ông Quảng vui vẻ khoe.

* Tìm thị trường 

Thời gian đầu, vợ chồng ông Quảng chỉ có 2 hécta đất trồng sắn dây, lượng củ thu được đều do gia đình tự chế biến. Sau này, ông thuê thêm đất, mở rộng diện tích trồng lên gấp đôi so với trước. Ông Quảng kể: “Làm mặt hàng này có thời điểm đóng gói ra bịch nào là thương lái thu bịch đó, nhưng cũng có thời điểm phải trữ lại cả tháng trời. Giá bỏ cho mối có giai đoạn sốt đến 130-140 ngàn đồng/kg, nhưng có lúc chỉ còn dưới 100 ngàn đồng/kg. Những gia đình trong làng nghề đều tự trồng, tự chế biến nên chỉ lời ít hoặc lời nhiều chứ chưa ai bị lỗ vốn”.

Tuy sản phẩm sắn dây ở làng nghề này chưa bao giờ rơi vào cảnh tồn hàng lâu do khó về đầu ra, nhưng bao nhiêu năm nay chỉ đóng bịch trơn, không nhãn hiệu, nguồn gốc. Chính vì vậy, dù bột sắn dây ở làng nghề từ Đồng Nai đi khắp trong Nam, ngoài Bắc nhưng người tiêu dùng ít nơi biết tiếng. Đây cũng là lý do ông Quảng nghĩ đến việc làm bao bì, nhãn hiệu cho sản phẩm. Tuy chỉ mới ở bước đầu, mẫu mã bao bì sản phẩm còn khá đơn sơ, nhưng khi ông mang sản phẩm giới thiệu tại một số hội chợ, được khách hàng tiếp nhận tốt. Mục tiêu của ông chủ cơ sở sản xuất có gốc nông dân này là làm được nhãn hàng riêng cho sản phẩm, hướng đến thành lập hợp tác xã để sản phẩm làng nghề được người tiêu dùng biết tiếng, mở ra cơ hội tốt hơn về thị trường.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều