Ngày 13-4, đoàn công tác do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý làm trưởng đoàn đã làm việc tại Cảng vụ hàng hải Đồng Nai để khảo sát pháp luật về hàng hải, phục vụ cho dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật hàng hải.
Ngày 13-4, đoàn công tác do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý làm trưởng đoàn đã làm việc tại Cảng vụ hàng hải Đồng Nai để khảo sát pháp luật về hàng hải, phục vụ cho dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật hàng hải.
Ụ nổi 83M đã chiếm ngự tại cảng Gò Dầu từ nhiều năm nay nhưng chưa có quy định nào để giải quyết tình trạng này. Ảnh: T.Danh |
Khó khăn trong khai thác cảng biển
Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần cảng Đồng Nai Nguyễn Thị Bạch Mai, mặc dù nằm sâu trong nội địa nhưng Cảng Đồng Nai có rất nhiều hàng hóa thông qua. Để tàu lớn có thể đi vào vận chuyển hàng hóa, phải có luồng và cầu cảng đáp ứng đủ điều kiện. Trong khi đó, quy định về việc nạo vét luồng chưa được thống nhất trong luật nên cảng chưa thể khai thác hết nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
Hiện Đồng Nai có 2 cảng biển là Cảng Đồng Nai và Cảng Gò Dầu. Tuy nhiên, tại Cảng Gò Dầu, ụ nổi 83M (của Vinalines)vẫn chiếm ngự gây khó khăn cho việc khai thác cảng và đến nay chưa có quy định cụ thể nào giải quyết vấn đề này.
Đối với vấn đề chồng lấn giữa đường thủy nội địa và đường hàng hải, bà Bạch Mai cho biết thời gian qua, các cảng nội địa phát triển mạnh nên đã tạo sức ép rất lớn đối với việc khai thác đường hàng hải. Nếu không có sự phân định rõ ràng giữa đường thủy nội địa và đường hàng hải sẽ dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, để cảng hàng hải hoạt động được phải có cả đường bộ kết nối. Cảng Đồng Nai đã có một số khách hàng rút lui do hoạt động của trạm thu phí tại cầu Đồng Nai đi vào hoạt động.
Về vấn đề này Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng việc quy hoạch cảng biển lâu năm đã được Bộ Giao thông - vận tải và Chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, để cảng biển hoạt động có hiệu quả cần có giải pháp đầu tư bến bãi. Hiện Đồng Nai đã làm việc với ngành đường bộ để cho kết nối các tuyến giao thông đối với cảng nhưng vẫn chưa giải quyết được. Theo ông Vĩnh, mục tiêu của địa phương là tạo thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội chứ không phải thu được nhiều phí.
Hành lang phát triển kinh tế
Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Công cho rằng, việc quy hoạch và xây dựng cảng biển là tài nguyên quốc gia. Để thực hiện các dự án này, trước khi phê duyệt Bộ tiến hành lập và xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương trước đó 5 năm. Tuy nhiên, quá trình lập dự án và quản lý quy hoạch dự án lại phụ thuộc vào việc giám sát của địa phương, nếu địa phương nào quản lý quy hoạch tốt thì cảng sẽ hoạt động tốt.
Đối với việc chồng lấn giữa đường hàng hải và đường thủy nội địa, theo ông Công đây là một thực tế không thể tách bạch được. Trên cả nước có nhiều địa phương có cảng biển nằm sâu trong nội địa hàng trăm cây số nhưng họ vẫn vận hành và khai thác tốt, miễn là các bên phải biết chấp nhận nhau.
Về ụ nổi 83M tại Cảng Gò Dầu, ông Công cho biết, bản thân ông cũng đã họp với các đơn vị liên quan để tìm cách giải quyết và hướng khai thác công dụng của ụ nổi này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể. Theo ông Công, hiện tình trạng các công ty, doanh nghiệp do làm ăn thua lỗ và bỏ lại các tài sản tại các cảng biển gây cản trở cho các doanh nghiệp hoạt động là khá phổ biến. Muốn giải quyết tài sản “trôi nổi” này cần phải có quy định cụ thể của pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét đề xuất sửa đổi toàn bộ Bộ luật Hàng hải để phát huy tác dụng của luật trong cuộc sống. Theo ông Phan Trung Lý, phải làm sao để pháp luật trở thành hành lang để phát triển kinh tế, phát triển ngành, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển. Dự kiến đến năm 2021, ngành hàng hải vượt qua ngành dầu khí vươn lên vị trí số 1 về kinh tế biển. |
Trần Danh