Ông Nguyễn Đức Tạo, ngụ tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) được biết đến là một nông dân sản xuất giỏi tại địa phương, luôn đi tiên phong trong ứng dụng những mô hình sản xuất, bắt vùng đất đá cằn cỗi đẻ ra "vàng".
Ông Nguyễn Đức Tạo, ngụ tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) được biết đến là một nông dân sản xuất giỏi tại địa phương, luôn đi tiên phong trong ứng dụng những mô hình sản xuất, bắt vùng đất đá cằn cỗi đẻ ra “vàng”.
* Kiên trì giữ đất
Ông Tạo kể: “Gia đình tôi gốc nông dân, từ nhỏ đã phụ cha mẹ làm nông nên cái nghiệp này như đã ăn vào trong máu. Lớn lên, chọn học đầu bếp nhưng tôi vẫn xác định phải giữ đất, giữ vườn vì đây mới là hướng đi bền vững”. Chính vì vậy, gần 20 năm trước, ông đã bán hơn 1 lượng vàng, đầu tư đào giếng phục vụ cho sản xuất. Thời đó, đào giếng vẫn làm bằng thủ công nên khi đào sâu vẫn chưa có nước, ông đành để không và chọn trồng điều, loại cây sống tốt trên vùng đất đồi đá khô cằn này.
Ông Nguyễn Đức Tạo giới thiệu vườn chuối tiêu trồng bằng giống nuôi cấy mô trên đất đồi đá. Ảnh: B. NGUYÊN |
Vài năm trở lại đây, khu vực này được đầu tư lưới điện, ông Tạo mạnh dạn bỏ ra số vốn không nhỏ khoan lại giếng, kéo điện về tận rẫy để chuyển đổi cây trồng. Thời gian đầu, ông trồng rau để cải tạo đất. Năm 2010, 1 hécta đất ông cho trồng chuyên canh cây tiêu, hơn 2 hécta còn lại chủ yếu trồng chuối và các cây ngắn ngày theo mô hình lấy ngắn nuôi dài. Ông cũng là một trong những nông dân đi tiên phong tại vùng này trong việc đầu tư hệ thống tưới tự động cho cây trồng. “Ai cũng lo khi thấy tôi mạnh dạn đổ vốn đầu tư vào vùng đất đồi đá khô cằn, thu nhập từ cây trồng còn khá thấp này” - ông Tạo nói.
* Đi ngược phong trào
Kiên trì, không ngại khó ngại khổ là bí quyết để ông Tạo thành công ở cả 2 công việc khá vất vả là đầu bếp và nghề nông. Theo ông Tạo: “Nông dân bây giờ không chỉ cần giỏi trong sản xuất, quan trọng hơn là phải quan sát được thị trường, tính được đầu ra cho nông sản. Nông dân mình vẫn có thói quen thấy mô hình này cho thu nhập cao là đua nhau làm, thất 1-2 vụ là sẵn sàng chặt bỏ cây cũ để thay cây mới. Bản thân tôi rất hay tìm tòi, không ngại học và ứng dụng mô hình mới, nhưng tôi thường chọn cách đi ngược lại các phong trào vì chạy đua theo mọi người làm cùng một sản phẩm, nguy cơ thất giá, dội chợ luôn chực chờ”.
Chính vì vậy, tuy là một trong những nông dân đi đầu trong việc chuyển đổi sang trồng cây tiêu trên đất đồi đá nhưng ông không chọn hướng tập trung hết cho cây trồng này mà giữ lại hơn 2 hécta đất trồng các loại cây ngắn ngày. 3 năm trở lại đây, hơn 2 hécta đất này được ông đầu tư trồng chuyên canh cây chuối tiêu. Ông Tạo vui vẻ giới thiệu: “Cây chuối tiêu này hiện được cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều chuộng. Chính vì vậy, thời gian gần đây, các giống chuối khác rơi vào cảnh “rớt” giá, khó đầu ra nhưng tôi vẫn bán được từ 8-10 ngàn đồng/kg chuối tiêu. Các doanh nghiệp xuất khẩu rất quan tâm đến mặt hàng này, đặt vấn đề tiêu thụ trực tiếp với nông dân. Từ đó, tôi đã ứng dụng trồng chuối nuôi cấy mô để làm ra sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu”.
Bình Nguyên