Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng sức cạnh tranh cho nông nghiệp

10:04, 05/04/2015

Là lá cờ đầu trong xây dựng NTM, những bài học kinh nghiệm, thành tựu mà Đồng Nai đạt được có ý nghĩa rất lớn cho chương trình chung của cả nước.

Trong chương trình thăm và làm việc tại Đồng Nai về xây dựng nông thôn mới (NTM) ngày 4-4, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết: “Chương trình xây dựng NTM vẫn đang trong quá trình triển khai. Hoạt động sơ kết, đánh giá chương trình thường xuyên được tổ chức nhằm hoàn thiện công tác chỉ đạo, hoàn thiện các giải pháp và đề xuất các chính sách tạo sự phát triển ổn định và vững chắc trong xây dựng NTM”.

Các thành viên trong đoàn thăm mô hình trồng bắp tại cánh đồng Lang Minh (xã Lang Minh). Ảnh: B.Nguyên
Đoàn tham mô hình trồng bắp tại cánh đồng Lang Minh (xã Lang Minh). Ảnh: B.Nguyên

Là lá cờ đầu trong xây dựng NTM, những bài học kinh nghiệm, thành tựu mà Đồng Nai đạt được có ý nghĩa rất lớn cho chương trình chung của cả nước.

Nâng chất nông thôn mới

Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đến huyện Xuân Lộc thăm mô hình trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại xã Xuân Phú; thăm “vua” bắp Lý Phát Sinh; mô hình tăng vụ với 4 vụ bắp/năm làm nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc… Báo cáo về những thành tựu trong phong trào xây dựng NTM, đại diện lãnh đạo huyện Xuân Lộc nhấn mạnh đây mới chỉ là kết quả bước đầu, huyện vẫn tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu phát triển hậu NTM. Đó là tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng nhiều mô hình hay, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển dịch vụ, công nghiệp, nhất là công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp. Không chỉ Xuân Lộc mà các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng vừa song song xây dựng NTM, vừa đẩy mạnh thực hiện bộ tiêu chí NTM nâng cao nhằm thúc đẩy phong trào ở trình độ, chất lượng cao hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, song song với mục tiêu phát triển kinh tế, Đồng Nai cần quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ... tăng sức cạnh tranh cho nông nghiệp Việt khi bước vào hội nhập.

Các thành viên trong đoàn công tác không chỉ quan tâm đến những đột phá trong xây dựng NTM của Xuân Lộc, Đồng Nai mà còn đặt nhiều câu hỏi về hậu NTM địa phương tiếp tục làm gì; đầu tư công nghiệp phục vụ nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn… TS.Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), nhận xét với nông nghiệp chỉ chiếm 6% tỷ trọng GDP, Đồng Nai đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và cả trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. “Chúng tôi rất trông đợi mô hình của Đồng Nai sẽ chỉ ra những vấn đề, những vướng mắc mới cũng như những giải pháp mới trong tương lai” - ông Sơn nói.

Nói về hậu NTM, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành luôn nhấn mạnh: “Có thể tết năm 2016, trong mỗi gia đình Việt toàn là hàng nhập và nông sản Việt đang đứng trước nguy cơ mất chỗ đứng ngay trên sân nhà. Việc chuẩn bị để nông sản, nông dân ta không thua thiệt khi vào hội nhập đã là vấn đề sát sườn, cần quan tâm ngay”.

Để phát triển bền vững…

Để NTM tiếp tục phát triển bền vững, nhất là chuẩn bị bước vào hội nhập, Đồng Nai đã kiến nghị lên đoàn công tác những vấn đề khó khăn ảnh hưởng đến thu hút đầu tư cho nông nghiệp, trong xây dựng NTM.

Đoàn thăm dây chuyển xử lý trứng tự động tại trại gà Thanh Đức. Ảnh: B.Nguyên
Đoàn thăm dây chuyển xử lý trứng tự động tại trại gà Thanh Đức. Ảnh: B.Nguyên

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết năng suất và vệ sinh an toàn thực phẩm là 2 thách thức rất lớn với nông nghiệp Việt Nam khi bước vào hội nhập. Chính vì vậy, tỉnh đã quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi; xây dựng vùng chuyên canh cây trồng với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ… Khó khăn trong triển khai là có rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhưng thiếu vốn hỗ trợ vì ngân sách địa phương có hạn. Những vướng mắc về chính sách đất đai; dự án đầu tư nông nghiệp chưa có ưu đãi gì hơn so dự án khu công nghiệp cũng là rào cản thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho hay: “Để có thể cạnh tranh trong hội nhập, chúng ta cần giải bài toán sản xuất lớn. Yếu tố quyết định ở đây vẫn là cơ chế, chính sách, nhất là trong quy hoạch, xác định rõ đâu là sản phẩm lợi thế của từng vùng, của cả nước. Chính sách ưu đãi cho nông nghiệp thì nhiều, nhưng đi vào cuộc sống khó quá; nông dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn cũng không dễ vì vướng cơ chế”. 

Bình Nguyên

 
 

 

 

Tin xem nhiều