Dù nhiều nơi đã cố gắng trong việc trao trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tồn kho cho người dân, nhưng hiện toàn tỉnh vẫn còn trên 10 ngàn sổ còn tồn. Trong đó, có nơi người dân đến nhận gần hết, có nơi đã thông báo 2-3 lần người dân vẫn "chê".
Dù nhiều nơi đã cố gắng trong việc trao trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tồn kho cho người dân, nhưng hiện toàn tỉnh vẫn còn trên 10 ngàn sổ còn tồn. Trong đó, có nơi người dân đến nhận gần hết, có nơi đã thông báo 2-3 lần người dân vẫn “chê”.
TP.Biên Hòa hiện còn tồn hơn 6 ngàn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong ảnh: Nhân viên Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh Biên Hòa kiểm tra hồ sơ tồn đọng. |
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, hiện toàn tỉnh còn tồn khoảng 10.152 sổ đỏ. Những địa phương còn tồn nhiều là: Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Tân Phú và Trảng Bom. Có nhiều nguyên nhân khiến các cá nhân, hộ gia đình từ chối quyền làm chủ mảnh đất của mình, nhưng phần đông là do: tiền thuế quá cao, đất chuyển nhượng qua tay nhiều người...
* Nhiều nơi đã cấp gần xong
Trong khi ở một số địa phương loay hoay nhiều năm tìm cách để trả sổ đỏ tồn thì các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TX.Long Khánh lượng sổ đỏ còn tồn rất ít, chỉ từ 7-80 sổ.
Ông Lê Nam ở xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) nói: “Đất đai ngày càng có giá nên huyện ra sổ đỏ là tôi nộp thuế để nhận ngay. Có sổ đỏ trong tay sẽ yên tâm hơn, không lo bị tranh chấp. Ngoài ra, tôi có thể dễ dàng giải quyết nhu cầu vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất và có thể vay số tiền lớn theo giá trị của mảnh đất mình thế chấp”. Cùng suy nghĩ như ông Nam, khi đã hiểu hầu hết người dân trong huyện chấp nhận đóng các loại thuế để chính thức làm chủ đất của mình.
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, cho hay: “Huyện không bị tồn sổ đỏ số lượng lớn là do làm tốt công tác thông báo đến từng cá nhân, đơn vị có sổ để họ đến nhận. Với những trường hợp có nghĩa vụ tài chính cao, người dân do dự chưa nhận, huyện giao cho Phòng Tài nguyên - môi trường phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai huyện và các xã cử người đến tận nhà người dân vận động để người dân hiểu rõ quyền lợi của mình khi nhận sổ. Những hộ chưa đủ tiền để nhận, huyện yêu cầu ghi nợ trong 5 năm không tính lãi”. Nhờ vậy mà huyện Xuân Lộc dẫn đầu cả tỉnh vì chỉ để tồn 7 sổ đỏ.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, những hộ có sổ đỏ chưa đủ điều kiện có thể ghi nợ để nhận sổ đỏ. Thời gian cho ghi nợ là 5 năm và không tính lãi. Những trường hợp không nhận sổ đỏ sau 5 năm, Chính phủ ban hành giá đất mới tiền thuế phải đóng sẽ tính lại theo giá đất mới. Giá đất mới thường tăng cao chứ ít khi giữ nguyên, như vậy càng để lâu không nhận chủ sổ đỏ càng bị thiệt thòi. |
Một số nơi khác cũng làm tốt công tác này, như TX.Long Khánh từ trước đến nay đã ra được gần 50 ngàn sổ đỏ, nhưng chỉ tồn gần 60 sổ; huyện Thống Nhất ra được 49.500 sổ đỏ, lượng tồn 80 sổ. Theo các huyện, thị, có được kết quả trên đều nhờ cơ quan quản lý làm tốt công tác thông báo tới những hộ dân có sổ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng trường hợp.
* Tiếp tục gỡ khó
Những địa phương có lượng sổ đỏ tồn lớn vẫn đang “đau đầu” tìm cách trả cho dân. “Hơn 1 năm qua, TP.Biên Hòa đã dùng nhiều giải pháp, như: đăng báo, qua hệ thống phát thanh của xã, phường và niêm yết danh sách tại các khu phố để những hộ có sổ đỏ biết và đến nhận. Tuy nhiên, thành phố chỉ trả được gần 5 ngàn sổ đỏ và vẫn còn tồn hơn 6 ngàn sổ” - ông Nguyễn Duy Tân, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường Biên Hòa chia sẻ. Theo ông Tân, sổ đỏ tồn kho của Biên Hòa nhiều là do nghĩa vụ tài chính quá cao, người dân không đủ khả năng đóng thuế để nhận sổ hoặc không liên hệ được với người đứng tên trong sổ vì đã đi làm ăn xa.
Quan sát hồ sơ, sổ đỏ của những hộ đã có thông báo nhưng chưa nhận tại Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Biên Hòa cho thấy, nhiều thửa đất ở phường Long Bình Tân, Tân Phong... có số tiền phải nộp để nhận sổ lên đến hơn 1 tỷ đồng. Do số tiền quá lớn, nhiều gia đình đã từ chối nhận sổ.
Tại huyện Tân Phú, lượng sổ đỏ tồn kho cao lại vì những lý do khác. Ông Trần Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú, cho biết: “Hiện Tân Phú còn tồn gần 1 ngàn sổ đỏ do 3 lý do chính là: quá trình làm sổ kéo dài, nhiều hộ trong khi chờ đợi đã sang nhượng đất cho người khác nên khi sổ ra không đúng tên, chủ đất mới không nhận; diện tích đất trong sổ và thực tế chênh lệch nhau và chủ đất không ở địa phương”. Theo ông Đạt, thời gian tới huyện tiếp tục cho rà soát lại để điều chỉnh sổ có diện tích sai lệnh cho đúng với thực tế để người dân nhận sổ. Những chủ đất không còn ở địa phương, huyện sẽ thông qua người thuê đất để liên lạc trả sổ. Còn những trường hợp sang nhượng trong quá trình làm sổ sẽ hủy sổ cũ và cấp lại sổ mới cho những cá nhân đã nhận sang nhượng. Dự tính trong năm 2015, Tân Phú giải phóng hết lượng sổ đỏ còn tồn.
Hương Giang