Báo Đồng Nai điện tử
En

Đan lát xuất khẩu người vui, kẻ buồn

09:03, 18/03/2015

Hai năm liên tiếp 2013 và 2014, ngành đan lát xuất khẩu phát triển trở lại nhờ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn. Thế nhưng, sang năm 2015, ngành này lại không mấy suôn sẻ khi nhiều thị trường nhập khẩu hàng bị giảm.

Hai năm liên tiếp 2013 và 2014, ngành đan lát xuất khẩu phát triển trở lại nhờ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn. Thế nhưng, sang năm 2015, ngành này lại không mấy suôn sẻ khi nhiều thị trường nhập khẩu hàng bị giảm. 

Sản xuất hàng đan lát tại Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Định Quán.
Sản xuất hàng đan lát tại Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Định Quán.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết mùa làm hàng năm 2014 - 2015, nhiều doanh nghiệp (DN) đan lát xuất khẩu đang cố tìm giải pháp cho mùa hàng mới.

* Rời “điểm nóng”

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hà Trúc Nguyên (quận 9, TP.Hồ Chí Minh, có xưởng sản xuất tại huyện Trảng Bom), cho biết thị trường xuất khẩu chính của DN là Nhật Bản, Pháp và Đan Mạch đang rất khó tiêu thụ sản phẩm. Theo lãnh đạo công ty này, từ quý IV-2014 hàng xuất sang châu Âu của DN bắt đầu giảm, tiếp đó các hợp đồng ký cho quý I-2015 đã sụt xuống từ 15 container/tháng còn 11 container/tháng. Ở thị trường Nhật Bản, tuy chưa bị giảm đơn hàng nhưng khách hàng cũng đã thông tin về sự khó khăn trong việc bán hàng. “Mùa hè năm nay, công ty sẽ đi nghiên cứu một số thị trường châu Á, như: Ấn Độ, Hàn Quốc để phát triển thêm thị trường mới cho mùa hàng năm tới. Hiện nay, ở châu Âu xem ra rất khó tăng trưởng trở lại” - bà Thủy nói.

Chia sẻ về sự khó khăn của thị trường hàng đan lát xuất khẩu năm nay, ông Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Công ty TNHH Hà Thịnh (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), cho hay DN của ông đang phải “tháo chạy” khỏi thị trường Nga. Sau hơn 10 năm làm ăn ở thị trường này, đây là lần đầu tiên ông Bình phải lên kế hoạch tạm chia tay vì hợp đồng hàng bị giảm cả về sản lượng lẫn giá. Ông Bình bộc bạch: “Đồng rúp của Nga mất giá mạnh quá khiến hàng hóa nhập khẩu vào nước này trở nên đắt đỏ. Người dân Nga phải thắt chặt chi tiêu nên bán hàng rất khó. Đối tác bên kia trình bày khó khăn và đề nghị thanh toán chậm tiền hàng làm cho DN cũng bị động về vốn”.

* Biến động thị trường

Sự biến động của thị trường đối với ngành đan lát xuất khẩu diễn ra ngay từ tháng đầu tiên của năm 2015. Theo Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, tổng quan của ngành đan lát xuất khẩu vẫn là tăng trưởng. Tháng 1-2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành đan lát đạt 26,7 triệu USD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng hơn 2% so với tháng trước đó. Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Ngọc Tuấn phân tích, xuất khẩu nhóm hàng này đầu năm nay chỉ bị sụt giảm mang tính cục bộ ở một số thị trường. Theo ông, cuối năm 2014 nhiều đồng tiền mất giá, trong đó có đồng euro, đồng rúp của Nga và đồng yên của Nhật Bản. Việc này đã ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân ở các nước này và ít nhiều có tác động xấu tới xuất khẩu của nhiều DN Việt Nam. Tuy nhiên, không phải thị trường nào cũng bị ảnh hưởng xấu.

Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, hiện 90% hàng sản xuất thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên những chi tiết kỹ thuật của khách hàng cung cấp và sử dụng nhãn mác sản phẩm của khách hàng để xuất khẩu. Do vậy, so với các nước trong khu vực, như: Thái Lan, Indonesia, Philippines... thì hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang kém cạnh tranh hơn.

Ông Tuấn nêu ví dụ, cùng trong khối các quốc gia sử dụng đồng euro, có những thị trường thì giảm như Pháp, Bỉ nhưng ở Đức vẫn tăng. Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai đưa ra danh sách một số thị trường nhập khẩu hàng đan lát của DN Việt Nam bị sụt giảm trong tháng 1 vừa qua, như: Nhật Bản, Canada, Anh, Úc, Pháp, Bỉ, Nga, Đan Mạch. Trong đó, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu sản phẩm đan lát của Việt Nam đứng thứ 3 (3,5 triệu USD), sau Mỹ (6,4 triệu USD) và Đức (3,8 triệu USD) đã giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2014. Sụt giảm mạnh nhất phải kể đến thị trường Nga, tháng 1 vừa qua xuất khẩu dòng hàng này của các DN trong nước sang đây chỉ còn 76 ngàn USD, giảm trên 80% so với cùng kỳ.

            Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều