Không còn nhiều bàn cãi khi lãi suất đã giảm đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Song theo nhiều ngân hàng, dù lãi suất giảm nhưng cho vay vẫn khó và tâm lý thận trọng vẫn đang chi phối...
Không còn nhiều bàn cãi khi lãi suất đã giảm đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây chỉ dao động từ 7-10%/năm. Song theo nhiều ngân hàng (NH), dù lãi suất giảm nhưng cho vay vẫn khó và tâm lý thận trọng vẫn chi phối cả người cho vay lẫn người vay.
Lãi suất cho vay hiện phổ biến ở mức 7-8%. (Ảnh chụp tại Agribank chi nhánh Đồng Nai). |
Nhiều doanh nhân khẳng định, không có nhu cầu vay vốn nhiều. Một phần do vẫn e ngại những khó khăn thị trường, phần khác tư duy của nhiều doanh nghiệp (DN) đã thay đổi, muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vốn liếng vào NH càng nhiều càng tốt.
* Thay đổi tư duy vay vốn
Khảo sát ý kiến một số DN thuộc nhiều ngành, lĩnh vực như: giày da, gỗ, chế biến nông sản... cho thấy, các DN vẫn đang rất thận trọng với chuyện sử dụng các nguồn vốn vay. Thời điểm “bùng nổ” các cơ hội làm ăn, vay vốn không kiểm soát đã qua, lúc này DN thận trọng từng chút trong các quyết định vay tiền.
Tổng giám đốc một DN chuyên sản xuất hàng may mặc tại TP.Biên Hòa cho biết, mấy năm nay ông luôn tìm cách hạn chế lượng vốn vay NH xuống mức thấp nhất. “Chúng tôi tìm cách tự xoay xở, tự cân đối vốn càng nhiều càng tốt. Trong một thị trường cạnh tranh lớn, thay đổi nhanh, nếu lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay như trước, chúng tôi sẽ khó trở tay khi lãi suất hoặc các điều kiện khác thay đổi” - tổng giám đốc này cho biết.
Tăng trưởng tín dụng vào nông nghiệp - nông thôn còn thấy khá rõ qua nguồn vốn đầu tư cho phong trào nông thôn mới. Cụ thể, ngoài vốn từ DN và cá nhân, ngân sách cũng đầu tư khá mạnh. Cuối năm 2014, UBND tỉnh đã có quyết định dành nguồn vốn vay từ Ngân hàng Công thương Việt Nam là 1 ngàn tỷ đồng với mức lãi suất 8%/năm giải ngân cho một số đơn vị cấp tỉnh và UBND cấp huyện phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2016. Thời hạn trả nợ thực hiện trong 2 năm (2016 và 2017) và hiện một số NH thương mại lớn trên địa bàn đang chuẩn bị hoàn tất các hồ sơ, thủ tục giải ngân. |
Tương tự, các DN nhỏ cũng thay đổi nhiều trong cách sử dụng vốn, dù lãi suất hiện tại đã thấp hơn nhiều so với trước. Ông Trịnh Tờ, Giám đốc Công ty Đại Quang Bình (TP.Biên Hòa), hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cho biết với các DN quy mô nhỏ càng cần phải cẩn trọng trong việc vay vốn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, lợi nhuận dao động trong biên độ nhỏ và rất dễ bị ảnh hưởng nếu lãi suất thay đổi dù chỉ vài %.
Về lãi suất, một số DN dù đưa ra nhận xét đã thấp hơn nhiều so với trước, song vẫn cao nếu xét tới việc phải cạnh tranh với DN nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu lớn. Ông Huỳnh Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Nhân Đại Sơn (huyện Trảng Bom), chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu sang Úc, châu Âu… nhận xét: “Cả NH lẫn DN đều thận trọng và khắt khe hơn trong việc vay và cho vay. Lãi suất ở mức 7-10%/năm không cao so với trước, nhưng hàng hóa xuất khẩu phải cạnh tranh với các DN đến từ Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia trong một thị trường chung, do đó vẫn cao và DN vẫn chưa có lợi thế cạnh tranh về nguồn vốn rẻ”.
* Mở rộng cho vay nông nghiệp - nông thôn
Trong khi cho vay ở khối DN “tiến” một cách đầy chậm chạp và thận trọng trong mấy năm qua thì tín dụng ở mảng nông nghiệp - nông thôn lại tăng trưởng khá đều đặn. Cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, sự hình thành các chuỗi liên kết và cơ hội mở ra khá nhiều trong nông nghiệp, nhu cầu vốn ở khu vực nông nghiệp - nông thôn được nhiều ngân hàng dự báo sẽ tăng trong năm nay và những năm tới.
Hiện tại, lãi suất cho vay trên địa bàn Đồng Nai đã giảm mạnh, phổ biến ở mức 7-8%/năm. Ở các DN tốt, lãi suất có thể xuống 5-6%/năm. Lãi suất trung - dài hạn ở mức 9-10%/năm và vay tiêu dùng 10-12%/năm. Tuy vậy, một số DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cho rằng, cần lãi vay xuống thấp hơn nữa, bởi khi Việt Nam chính thức ký kết hoặc gia nhập các thị trường chung thông qua các hiệp định đối tác kinh tế song phương, đa phương, sẽ phải cạnh tranh gắt gao hơn với những DN từ Trung Quốc, Thái Lan - những nơi có lãi suất thấp hơn khá nhiều so với lãi suất tại Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Vũ, Tổng giám đốc Công ty Nam Bình Minh - một DN sản xuất giày quy mô lớn tại Vĩnh Cửu, cho biết để đón đầu TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), ông muốn mở rộng quy mô sản xuất lên gấp đôi, gấp ba lần hiện tại và do đó cần nguồn vốn lãi suất rẻ hơn, đặc biệt là vốn trung - dài hạn, trước mắt là để cạnh tranh với các DN Trung Quốc - đối thủ chính của nhiều DN xuất khẩu Việt Nam. |
Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Đồng Nai phân tích, có 2 lý do để nhu cầu vốn ở khu vực này dự kiến tăng đều hơn khu vực doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thuần túy. “Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp hiện nay phát triển mạnh hơn, thu hút nhiều đầu tư hơn. Thứ hai, xu hướng đầu tư chiều sâu trong nông nghiệp đang tăng mạnh, đặc biệt hướng vào các chuỗi liên kết, kể cả nhu cầu vốn trung hạn. Thêm vào đó, xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi đòi hỏi nguồn vốn lớn, cả sản xuất lẫn hạ tầng” - ông Trinh nói.
Thực tế, luồng vốn đầu tư vào nông nghiệp trong mấy năm qua đã tăng khá mạnh. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tăng trưởng tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn tăng trưởng khá đều đặn, hầu hết đều trên 10%/năm, bất chấp thị trường khó khăn. Hiện tại, đầu tư lớn theo chiều sâu trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tại Đồng Nai cũng đang tăng mạnh với sự tham gia của nhiều DN tư nhân, các tổng công ty có vốn Nhà nước, như: Dofico, Tín Nghĩa... ở nhiều ngành nghề: chế biến nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn…
Vi Lâm