Chiều 23-3, Cục Thông tin khoa học công nghệ quốc gia, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ Đồng Nai đã tổ chức 2 tọa đàm liên quan đến công tác thông tin, là: thống kê khoa học - công nghệ và thực trạng của vấn đề quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Chiều 23-3, Cục Thông tin khoa học công nghệ quốc gia, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ Đồng Nai đã tổ chức 2 tọa đàm liên quan đến công tác thông tin, là: thống kê khoa học - công nghệ và thực trạng của vấn đề quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Trần Việt Thanh đề cao vai trò của thông tin liên quan đến khoa học - công nghệ trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. |
Đây là những hoạt động nằm trong chuỗi 12 sự kiện của hội nghị giao ban vùng Đông Nam bộ do Bộ Khoa học - công nghệ phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ Đồng Nai tổ chức.
* Thông tin rộng rãi đến người dân
Vùng Đông Nam bộ hiện có 5 trung tâm thông tin trực thuộc Sở khoa học - công nghệ, còn 2 sở khoa học - công nghệ là Tây Ninh và Bình Phước chưa thành lập trung tâm.
Tất cả các trung tâm và phòng thông tin đều đã xây dựng, cập nhật, bổ sung và khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu thông tin về khoa học - công nghệ. Trong đó, Trung tâm thông tin của tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được một số cơ sở dữ liệu về công nghệ nông thôn, phim công nghệ nông thôn, phim khoa học thuộc nhiều lĩnh vực; bộ cơ sở dữ liệu hỏi đáp về dịch hại trên cây trồng và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Việc thúc đẩy hoạt động sáng kiến tiếp tục được hầu hết các địa phương quan tâm, đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, như: soạn thảo và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định quản lý hoạt động sáng kiến trên địa bàn; tổ chức các lớp tập huấn về các quy định pháp luật về sáng kiến, thành lập các hội đồng cấp tỉnh để xem xét đánh giá các sáng kiến… Hoạt động tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật vẫn được duy trì hàng năm hoặc 2 năm/lần. |
Các đơn vị cũng đã tham mưu và xây dựng được mạng lưới thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; triển khai rộng mô hình điểm thông tin khoa học - công nghệ. Riêng Trung tâm thông tin của Đồng Nai đã xây dựng được 148 điểm thông tin khoa học - công nghệ ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Ngoài ra, các trung tâm thông tin khoa học - công nghệ của các tỉnh cũng đã thông tin, giới thiệu rộng rãi đến các địa phương trong và ngoài tỉnh về những thành tựu, tiến bộ khoa học - công nghệ; mô hình kinh tế hiệu quả, các ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là các mô hình ứng dụng thành công tiến bộ khoa học - công nghệ vào đời sống và sản xuất…, qua đó giúp người dân có thể tham khảo, ứng dụng vào thực tiễn.
Tại buổi tọa đàm hoạt động thông tin, thống kê khoa học - công nghệ vùng Đông Nam bộ, ông Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin khoa học - công nghệ quốc gia, nhấn mạnh bản thân các trung tâm của các sở khoa học - công nghệ phải tìm cách hoạt động, tuyên truyền sao cho đạt được hiệu quả cao nhất. Để tạo sự liên kết giữa các trung tâm trong vùng, sắp tới, Cục Thông tin khoa học - công nghệ quốc gia sẽ phối hợp với các sở để xây dựng mạng lưới thông tin khoa học - công nghệ vùng Đông Nam bộ. Đây sẽ là nơi để các đơn vị chia sẻ, trao đổi những tư liệu, tài liệu, kinh nghiệm hay trong công tác thông tin khoa học - công nghệ.
* Đẩy mạnh tuyên truyền về sở hữu trí tuệ
Liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, ông Trần Lê Hồng, Trưởng phòng Truyền thông Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ), cho biết trong vùng đã có 4/7 tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ đã xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương.
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản ở một số địa phương đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần kích thích sản xuất, chế biến, kinh doanh và nâng cao thu nhập cho người dân tham gia… Tuy nhiên, bên cạnh một số địa phương hoạt động rất tích cực, có thể trở thành hình mẫu chuẩn trên cả nước, như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương thì một số địa phương hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Trần Việt Thanh cho biết: Từ nay đến năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ và những đơn vị liên quan sẽ phối hợp để xây dựng chương trình chuẩn về sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, để sở hữu trí tuệ trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tiếp theo. |
Do đó, để đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, bà Hoàng Tố Như, Phó phòng Sở hữu trí tuệ TP.Hồ Chí Minh, đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ nên chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác sở hữu trí tuệ một cách bài bản và không luân chuyển cán bộ làm công tác sở hữu trí tuệ. Ông Trịnh Minh Tâm, Phó giám đốc Sở khoa học - công nghệ TP.Hồ Chí Minh, cho rằng để các doanh nghiệp phát huy vai trò trong công tác sở hữu trí tuệ, các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp nhận thấy được vai trò của sở hữu trí tuệ trong phát triển doanh nghiệp.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Vân, Công ty Vision Associates, bày tỏ công tác này cần có sự đóng góp của nhiều chủ thể trong xã hội. Trong đó, đầu tàu đóng vai trò quan trọng là Cục Sở hữu trí tuệ, sau đó là cơ quan thực thi, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Để làm tốt vai trò đầu tàu, Cục Sở hữu trí tuệ cần phải xây dựng giáo trình chuẩn phục vụ công tác tuyên truyền; nâng cấp hạ tầng thông tin; đẩy nhanh thời gian xác lập quyền sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp thuận lợi trong khâu tiếp cận và thực hiện.
An Yên - Nguyễn Tuyết