Gần đây, nhiều loại hàng hóa đồng loạt tăng giá từ 3-10%, dù sức mua vẫn yếu. Nguyên nhân tăng chủ yếu nằm ở khâu vận chuyển hàng hóa.
Gần đây, nhiều loại hàng hóa đồng loạt tăng giá từ 3-10%, dù sức mua vẫn yếu. Nguyên nhân tăng chủ yếu nằm ở khâu vận chuyển hàng hóa.
Xe vận tải qua Trạm thu phí quốc lộ 51. |
Lý do chính khiến giá cước vận tải hàng hóa trong nước tăng cao là: do việc kiểm tra tải trọng, hạ tải đồng loạt trong cả nước nên giới kinh doanh vận tải không còn lãi phần quá tải như trước, vì vậy giá cước vận chuyển đã được các nhà xe tăng thêm. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cũng góp phần đẩy cước vận chuyển lên.
* Nhiều nơi áp giá cước mới
Anh Hoàng Tiến Dũng, chủ gần 10 chiếc xe vận tải ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa), cho biết tùy theo cung đường mà giá cước vận tải hiện tăng thêm từ 70-100% so với tháng 3-2014. Anh Dũng chia sẻ: “Trước đây, xe 18 tấn có thể chở từ 23-25 tấn, đương nhiên giá cước phải rẻ hơn. Bây giờ không chở vượt quy định được, buộc phải tăng giá cước mới đủ chi phí”. Đoàn xe của anh Dũng có hợp đồng chở nguyên liệu từ Vũng Tàu về cho một số doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Giá cước theo hợp đồng của tháng 3 là 150 ngàn đồng/tấn hàng, còn giá cước hiện tại là 260 ngàn đồng/tấn hàng. Giá cước vận chuyển tăng ngay lập tức đã đẩy giá nguyên vật liệu của nhiều ngành sản xuất cũng bắt đầu lên theo.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty sản xuất hàng công nghiệp Việt Thanh ở phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất bao bì nhựa cho hay: “Trong tháng 4, khi các nhà xe điều chỉnh giá cước vận tải thì giá hạt nhựa cũng tăng lên 2 ngàn đồng/kg, từ 45 ngàn đồng/kg lên 47 ngàn đồng/kg”. Theo ông Bình, nhà cung cấp lý giải việc tăng giá nguyên liệu là để bù cho cước vận chuyển.
Ông Trương Văn Được, giám đốc một doanh nghiệp ở phường Tân Biên chuyên sản xuất pallet gỗ cung cấp cho các công ty làm hàng xuất khẩu ở các khu công nghiệp Nhơn Trạch, cho biết nửa tháng nay ông phải đàm phán lại về giá hàng với các đối tác vì giá cước vận chuyển tăng quá cao. Một số doanh nghiệp đồng ý cho điều chỉnh giá mới, nhưng cũng có khách hàng chưa chấp nhận. Phương án tính giá mới là phần cước tăng mỗi bên chịu một nửa cộng vào giá hàng.
* “Té nước theo mưa”
Không chỉ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn trong việc vận chuyển hàng hóa mà ngay cả nông dân, các đại lý mua bán kinh doanh các mặt hàng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ do giới thu mua thừa cơ “té nước theo mưa”.
Ông Nguyễn Đăng Bông, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch xoài Phú Lý (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) nói: “Trước đây, các đại lý bán xoài với giá 5 ngàn đồng/kg, sẽ mua của nông dân gần 4 ngàn đồng/kg. Song năm nay, họ chỉ mua với giá gần 2 ngàn đồng/kg với lý do giá xăng dầu tăng và xe không được vận chuyển quá tải trọng nên mỗi tấn hàng giá đội thêm khá cao”.
Đợt tăng giá cước này chủ yếu rơi vào vận tải hàng rời nội địa, riêng các hàng được đóng container xuất khẩu, giá cước chỉ tăng nhẹ do giá xăng dầu tăng. Anh Lương Quang Diệu, Phó giám đốc phụ trách dịch vụ xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Luật Việt Á (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), cho biết do hàng xuất khẩu đóng trong container theo chuẩn quốc tế nên không bị tình trạng quá tải khi vận chuyển, vì vậy phần cước chỉ tăng nhẹ. |
Bà Trần Thị Mai, chủ đại lý chuyên mua bán nông sản xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), cho hay: “Để bù vào cước vận chuyển hàng hóa tăng, đại lý giảm giá mua nông sản từ nông dân từ 1-2 ngàn đồng/kg tùy từng mặt hàng”. Cũng theo chị Mai, do cước vận chuyển tăng cao, nhiều chủ hàng từ miền Bắc và miền Trung tính toán thấy lợi nhuận thấp đã tạm thời ngưng hoặc chỉ mua hàng với số lượng ít. Do đó, đầu ra của một số loại trái cây, nông sản gặp khó khăn và các đại lý cũng chỉ dám mua cầm chừng, vừa đủ theo đơn đặt hàng chứ không dám mua ồ ạt như những vụ trước.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Phú Minh Hiền (KP.3, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa), cho biết: “Các loại vật liệu xây dựng đang rất ế ẩm, nhưng dịp này cũng phải đồng loạt tăng giá từ 3-5% để bù cho chi phí vận chuyển. Từ sản xuất đến kinh doanh vật liệu hiện đều gặp khó kép”. Không chỉ ngành vật liệu mà nhiều ngành sản xuất khác cũng chịu tác động lớn trong đợt tăng giá cước vận tải lần này.
Hương Giang - Khắc Giới