Báo Đồng Nai điện tử
En

Người dân thụ hưởng gì? (Bài cuối)

10:05, 07/05/2014

Xây dựng nông thôn mới đã có những tác động tích cực đến đời sống của người dân trên nhiều mặt: đường giao thông, y tế, giáo dục, sinh hoạt văn hóa…

Xây dựng nông thôn mới đã có những tác động tích cực đến đời sống của người dân trên nhiều mặt: đường giao thông, y tế, giáo dục, sinh hoạt văn hóa… Song trên hết, đó là đời sống kinh tế của người dân đã thực sự nâng lên. Ở các xã nông thôn mới, người dân đã cảm nhận được sự đổi thay trong cuộc sống từ những sinh hoạt thường ngày đến phát triển kinh tế.

Nhiều hộ dân ở ấp Gia Lào, xã Suối Cao đã có thu nhập tiền tỷ và xây dựng nhà cửa khang trang.
Nhiều hộ dân ở ấp Gia Lào, xã Suối Cao đã có thu nhập tiền tỷ và xây dựng nhà cửa khang trang.

Không ít khu vực dân cư ở các xã nông thôn mới có sự phát triển đến ngỡ ngàng. Có những vùng quê nghèo nay được mệnh danh là “làng” tỷ phú.

* Hết cảnh đói nghèo

Bà Phùng Thị Xơ (ngụ ấp Tây Minh, xã Lang Minh) trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhưng từ khi xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, 3 hécta bắp, lúa và thuốc lá của gia đình bà được hỗ trợ nhiều hơn để sản xuất. Hiện nay, mỗi năm gia đình bà có thu nhập gần 150 triệu đồng.[links(left)]

Ông Lê Nam, một nông dân ở ấp Gia Lào, xã Suối Cao, cho biết khi chưa chuyển đổi được cây trồng, người dân trong ấp này rất khó khăn, cây trồng chủ yếu là hoa màu và điều thu nhập không được bao nhiêu. Khoảng 6 năm trở lại đây, khi Nhà nước đầu tư mạnh vào hạ tầng, như: làm đường, kéo điện đến những khu vực nông thôn, hỗ trợ vay vốn, đưa khoa học - kỹ thuật về giúp nông dân có điều kiện sản xuất chuyển đổi từ hoa màu sang trồng xoài và tiêu, đời sống người dân đã thay đổi hẳn. “Vùng này rất nhiều hộ có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm, nhiều người còn gọi nơi đây là “làng tỷ phú” - ông Nam nói.

Thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2009-2013 của huyện Xuân Lộc tăng bình quân hơn 21%/năm. Cụ thể, đầu năm 2009 thu nhập bình quân đầu người huyện Xuân Lộc là trên 15 triệu đồng/năm, nay tăng lên khoảng 33 triệu đồng/năm. Huyện cũng huy động gần 900 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trong 5 năm qua. Hộ nghèo ở Xuân Lộc theo chuẩn mới của tỉnh năm 2010 là 3.064 hộ (thành thị 850 ngàn đồng/người/tháng, nông thôn 650 ngàn đồng/người/tháng) chiếm gần 7%, đến nay giảm xuống còn 1,35%.

Điều cốt lõi làm nên những đột phá cho Xuân Lộc trong xây dựng nông thôn mới, theo Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật, chính là yếu tố con người. Khi cán bộ đứng đầu có quyết tâm, mọi việc mới trôi chảy. “Trước đây, chỉ khi cán bộ vi phạm kỷ luật, chúng tôi mới điều động. Nhưng trong quyết tâm xây dựng nông thôn mới, cán bộ nào làm việc không hiệu quả, chúng tôi cách chức hoặc điều động đi nơi khác, cán bộ của Xuân Tâm, Lang Minh là một ví dụ. Không thể có chuyện “đủng đỉnh” trong làm việc, khi bổ nhiệm cán bộ về xã để đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới, cán bộ nào không phát huy, chúng tôi điều chuyển” - ông Nhật nói. Thực tế, sự minh bạch, mạnh mẽ, quyết liệt trong sử dụng cán bộ của Xuân Lộc đã phát huy hiệu quả và nhận được sự đồng lòng của người dân.

Quả thực, đi trên con đường chính của ấp Gia Lào dễ thấy những ngôi nhà được xây dựng rất khang trang, trị giá cả tỷ đồng. Ông Lê Nam cũng cho biết trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường đi lại khó khăn, người dân bán 1kg tiêu chịu thiệt khoảng 2 ngàn đồng, mua phân bón thì chi phí vận chuyển cao. Việc đầu tư điện cũng giúp người dân giảm nhiều chi phí, cụ thể như một ngày tưới bằng máy phát điện, tiền dầu hết 270 ngàn đồng, trong khi tưới bằng điện chỉ tốn 100 ngàn đồng.

Một người dân ở ấp Hòa Bình, xã Bảo Hòa - ông Phạm Công Hữu cho rằng xây dựng nông thôn mới, đường sá được sửa sang nâng cấp, đi lại và vận chuyển nông sản dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Thảo ở ấp Thọ Phước, xã Xuân Thọ kể, mấy năm trước vào khu rẫy của bà rất khó khăn do đường xấu, nhất là những tháng mưa nhiều. Từ năm ngoái khi tuyến đường được đổ bê tông, đi lại dễ dàng không còn cảm thấy xa nữa, gia đình bà đã cùng đóng góp 10 triệu đồng để xây dựng tuyến đường này. “Khi đường chưa làm, xe cải tiến ra vô chở  nông sản tạo thành những hố nước lớn, các cháu đi học qua đây cực khổ lắm. Nay thì đã khác hẳn” - bà Thảo nói. Người dân ở các xã nông thôn mới đã thực sự cảm nhận được những đổi thay trong cuộc sống của mình.

* Sau nông thôn mới là gì?

Lãnh đạo các xã nông thôn mới đều cho rằng, việc thực hiện các tiêu chí để đạt xã nông thôn mới chỉ là bước đầu, điều quan trọng nhất là duy trì và nâng cao những thành quả đó, đặc biệt chú trọng đến chất lượng sống người dân. Ông Lê Doãn Điều, Chủ tịch UBND xã Suối Cao, khẳng định thời gian tới UBND xã tiếp tục tập trung hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, đổi mới và nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả. Bên cạnh đó sẽ huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật để người dân được hưởng thụ nhiều hơn.

Tuyến đường chính của ấp Thọ Phước, xã Xuân Thọ đã được đổ bê tông sạch đẹp, người dân đi lại rất thuận tiện. Đây là công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Tuyến đường chính của ấp Thọ Phước, xã Xuân Thọ đã được đổ bê tông sạch đẹp, người dân đi lại rất thuận tiện. Đây là công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Đồng quan điểm phải nâng cao chất lượng sống cho người dân, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ Phan Thanh Xứng cho hay, UBND xã đã xây dựng mục tiêu và giải pháp cụ thể nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới đến năm 2015. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 100% các tuyến đường ngõ, xóm được đổ bê tông; mở 10 lớp đào tạo nghề cho khoảng 300 lao động để chủ động chuyển đổi nghề nghiệp. Dự kiến đến tháng 7 năm nay, 100% các tuyến đường khu dân cư sẽ có điện chiếu sáng. Đối với trung tâm văn hóa, phấn đấu mỗi năm tổ chức từ 7 - 10 hoạt động vui chơi cho nhân dân.

Đến cuối năm 2013, huyện Xuân Lộc đã có 7/14 xã hoàn thành nông thôn mới là: Xuân Định, Xuân Phú, Xuân Thọ, Bảo Hòa, Suối Cát, Suối Cao, Xuân Hiệp. Dự kiến đến cuối năm 2014, huyện sẽ hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 4-5 xã trong các xã còn lại và cơ bản đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Năm 2015, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới xã còn lại trên địa bàn huyện. Giai đoạn 2015-2020, tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở 14/14 xã thuộc huyện.

Theo Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Trần Anh Tuấn, hiện nay huyện đang gấp rút hỗ trợ các xã còn lại để trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước trong cuối năm 2014. Đạt được danh hiệu này, bên cạnh việc duy trì danh hiệu, huyện đề ra một số tiêu chí nâng cao nhằm tiếp tục nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân ở các xã. Cụ thể, sẽ nâng thu nhập trên cùng 1 hécta đất sản xuất nông nghiệp, không để xuất hiện các hộ nghèo mới hoặc tái nghèo, tăng thêm nhiều những nông dân “triệu phú”.

Nhóm P.V

 

 

 

Tin xem nhiều