Kinh tế đang trải qua một thời kỳ khó khăn, doanh nghiệp (DN) sản xuất vẫn còn "chìm nổi", Việt Nam lại đang thực hiện những vòng đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) hết sức quan trọng.
Kinh tế đang trải qua một thời kỳ khó khăn, doanh nghiệp (DN) sản xuất vẫn còn “chìm nổi”, Việt Nam lại đang thực hiện những vòng đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) hết sức quan trọng. Ông Trần Ngọc Liêm - Phó giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.Hồ Chí Minh - là người đã gắn bó nhiều với DN Việt Nam, chứng kiến những xoay trở khó khăn của DN trong vòng xoáy hội nhập. Ông Liêm nhận xét, tất cả lối đi của DN đều “nằm dưới chân mình” và “được” hay “mất” của DN Việt trong một thời điểm được ví von là “thuyền nhỏ ra biển lớn” - khi chưa bao giờ DN Việt có những cơ hội nhập sâu đến thế vào những sân chơi kinh tế chung của khu vực và thế giới.
* Chúng ta đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khối DN nhỏ và vừa, song nhiều DN nói, họ chưa thực sự “chạm” được vào những chính sách đó. Ông nghĩ thế nào về nhận xét này?
- Tôi từng nghe rất nhiều phản ánh về điều này tại các hội nghị và những buổi tiếp xúc với DN. Một số lý do được nêu ra để lý giải điều này, chẳng hạn như độ trễ của chính sách. Thực tế, hầu hết các quyết sách của Chính phủ khi ban hành không phải lập tức áp dụng ngay mà còn phải chờ các bộ, ngành có văn bản hướng dẫn triển khai. Điều này dẫn đến tình trạng lúc DN cần hỗ trợ thì không có, đến khi có hỗ trợ thì nhiều DN đã “đuối”, không hấp thụ được nữa. Một điểm nữa, quy định thì có nhưng điều kiện để DN tiếp cận được những chính sách hỗ trợ không phải dễ dàng, dẫn đến chính sách thì tốt nhưng hiệu quả chưa cao.
* Quan sát của ông trong khoảng 3 năm qua, DN nhỏ và vừa bị “tổn thương” ở mức độ ra sao khi kinh tế khó khăn? Theo ông, họ đang cần hỗ trợ nhất ở khía cạnh nào hiện nay?
- Theo tiêu chí thì hiện nay 90% DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, đây là khối DN có đóng góp cho xã hội rất cao, giải quyết trên 50% về lao động. Trong 3 năm qua, các DN nhỏ và vừa bị tổn thương rất lớn, thấy rõ nhất là số DN ngưng hoạt động. Thống kê của Chính phủ đến tháng 9 năm nay, cả nước có 663.800 DN đăng ký thành lập, chỉ có hơn 468 ngàn DN hoạt động, còn lại gần 200 ngàn DN ngưng hoạt động. Tổng mức đầu tư xã hội vào khối DN này tỷ lệ cũng rất thấp, chỉ khoảng 7%. Quan sát của tôi cho thấy, DN nhỏ và vừa hiện cần hỗ trợ nhất vẫn là nguồn vốn rẻ, bởi tài sản thế chấp để đảm bảo vay vốn ở các ngân hàng của họ là rất thấp và hầu hết đều đã thế chấp cho ngân hàng.
* Chúng ta tự hào với kim ngạch xuất khẩu cả trăm tỷ USD mỗi năm, song nếu bóc tách chi tiết thì thật sự, DN Việt có được bao nhiêu phần trăm trong số tiền trăm tỷ USD đó?
- Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu 72 tỷ USD, trong đó DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 47%, khối DN trong nước chiếm 53%; đến năm 2012 xuất khẩu đạt 114,5 tỷ USD, khối FDI là 64 tỷ USD, vượt lên chiếm 56% và 11 tháng của năm 2013 xuất khẩu đạt 121 tỷ USD, khối DN FDI chiếm 67%, DN trong nước chỉ còn chiếm tỷ trọng 33%. Con số này chỉ ra một điều là tại sao xuất khẩu tăng, thậm chí có giai đoạn xuất siêu nhưng tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN trong nước vẫn khó khăn.
Khi xem xét cả về chỉ số sử dụng lao động, cũng dễ thấy các DN FDI có chỉ số sử dụng tăng mạnh, còn DN trong nước khá chậm chạp. Trong năm nay chỉ số sử dụng lao động của các DN FDI tăng tới 86%, nhưng DN Nhà nước thì lại âm 1,3%, còn DN ngoài quốc doanh tăng chỉ 1,3%. Như thế, hầu hết dấu hiệu tăng trưởng mới tập trung ở khối DN FDI.
* Trong lúc kinh tế khó khăn, khối DN FDI lại có dấu hiệu phục hồi khá tích cực, như vậy đóng góp của khối DN này là rất tích cực trong nền kinh tế? Và liệu sự lệ thuộc quá lớn này có đáng lo ngại không?
- Đầu tư nước ngoài có vai trò rất rõ nét của nền kinh tế nước ta trong những năm gần đây, không thể phủ nhận FDI góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, tạo ra một đội ngũ công nhân lao động lành nghề, hàng hóa phong phú, giải quyết được việc làm và đóng góp cho ngân sách. Nhưng cũng phải thấy những hạn chế của DN FDI là vấn đề môi trường, tình trạng chuyển giá. Đồng Nai và Bình Dương bây giờ cũng hạn chế thu hút các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Vấn đề chuyển giá, trốn thuế ở khối DN này đang làm cơ quan quản lý Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Doanh thu FDI thì rất cao nhưng nguồn thuế Nhà nước thu được thì thấp. Nếu khối DN này có sự đóng góp công bằng như các DN trong nước thì nguồn thu ngân sách sẽ là rất lớn, lúc đó Chính phủ có thêm nguồn tiền để đầu tư cho xã hội được tốt hơn.
* Có ý kiến cho rằng, việc nhanh chóng tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA) song và đa phương là khá vội vàng khi bản thân hàng hóa trong nước chưa đủ sức cạnh tranh. Theo ông, nhận xét này đúng hay sai? Và tham gia các FTA, DN sẽ được hay mất?
- Nếu xét riêng từng ngành hàng hay một số DN cụ thể thì cả khi tham gia vào WTO, cũng có thể chịu những ảnh hưởng bất lợi, nhưng nhìn toàn cục, việc tham gia vào các FTA đều có tác động tích cực đến nền kinh tế đất nước. Hiện tại, Việt Nam tham gia 8 FTA, cả song phương lẫn đa phương, có cái đã áp dụng, có cái đang đàm phán. Trong đó, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn gọi là “siêu FTA” bởi những tác động của nó là rất lớn.
Chính phủ khi quyết định tham gia vào một FTA nào thì đều có xem xét lợi ích tổng thể và có sự phân tích rất chi tiết từng ngành hàng. Về thời điểm tham gia, tôi nghĩ chúng ta không vội vã, chúng ta phải chớp cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Có những FTA cần tính chủ động rất cao và “được” hay “mất”, nói cho cùng nằm ở sự chuẩn bị chu đáo của DN, càng chu đáo, càng “được” nhiều hơn mất. Còn lo ngại về sự cạnh tranh, tôi cho rằng, cạnh tranh là điều cần thiết để DN học cách lớn mạnh và tồn tại. Thật khó để nói rằng khi nào tham gia FTA là hợp lý, song khi cơ hội đến, một mặt lo chuẩn bị, một mặt phải tham gia vì khi tham gia từ đầu, ngồi vào bàn đàm phán, chúng ta mới có cơ hội đề nghị, cân nhắc những điều có lợi cho DN.
* Là người sát cánh với hoạt động của DN, ông cho rằng trước mắt trong 1 - 2 năm tới, liệu DN có chuẩn bị kịp khi gia nhập TPP?
- Có nhiều ý kiến lo ngại xoay quanh việc này, nhưng tôi cho rằng kịp, bởi khi tham gia vào TPP, ngay lập tức nhiều mặt hàng đã được hưởng lợi. Chúng ta kỳ vọng vào TPP vì nhắm đến thị trường Mỹ, một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và nếu có TPP, nhiều mặt hàng sẽ có thuế suất bằng 0%.
Ở đây, chỉ riêng ngành dệt may có chút khó khăn, do quy định sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Khi đang đàm phán thì một số DN đã tìm hiểu để đầu tư lĩnh vực này. Xét kỹ thì tham gia vào TPP, các DN sẽ đầu tư đổi mới công nghệ, thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa và về lâu dài hạn chế được nhập khẩu nguyên liệu, giảm nhập siêu và chuỗi giá trị sản phẩm sẽ cao hơn. Ngành thủy sản là một điển hình, khi Mỹ và EU đưa ra những quy định rất khắt khe, DN trong nước rất lo lắng và kêu ca, nhưng điểm lại, thì kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng. So với 10 năm trước, các nhà máy thủy sản ở miền Tây Nam bộ bây giờ đã thay đổi “một trời một vực”: quy mô lớn hơn, công nghệ chế biến hiện đại, chất lượng sản phẩm tốt hơn. Tất cả nằm ở chính mình, và tôi cho rằng sẽ có lối đi phù hợp nhất nếu đầu tư thời gian và công sức đúng mức.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân - Khắc Giới