Đã nhiều cái tết trôi qua, người dân sống cạnh những con suối ở TP.Biên Hòa phải gánh chịu sự ô nhiễm, bốc mùi.
Đã nhiều cái tết trôi qua, người dân sống cạnh những con suối ở TP.Biên Hòa phải gánh chịu sự ô nhiễm, bốc mùi. Mức độ ô nhiễm ngày càng tăng, trong khi các biện pháp xử lý chưa phát huy hiệu quả đã khiến người dân một lần nữa ăn tết bên những dòng suối thối.
Theo kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc - kỹ thuật môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường), đa phần những con suối ở TP.Biên Hòa đều có mức độ ô nhiễm nặng. Theo đó, các chất hữu cơ, sắt, chất rắn lơ lửng và vi khuẩn trong nước đều vượt quy chuẩn cho phép.
* Hết thời tôm cá
Một trong những nơi có mức độ ô nhiễm cao là suối Săn Máu. Bất kể mùa mưa hay mùa khô, nước suối Săn Máu luôn mang màu đen đặc sệt. Ông Nguyễn Văn Hùng (47 tuổi) ngụ tổ 12, KP.5, phường Trảng Dài phản ánh: “Nước suối quanh năm có màu đen như mực, mùi hôi thối nồng nặc. Về mùa mưa, nước đen cuộn chảy kéo theo đủ thứ rác”.
Suối Săn Máu đoạn chảy qua phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa nước luôn có màu đen và bốc mùi hôi thối. |
Chung thực trạng, suối Linh cũng là con kênh được liệt kê vào danh sách có mức độ ô nhiễm nặng. Mực nước của con suối này mỗi ngày một cạn, lòng suối ngày càng hẹp do rác thải gây nên. Là hộ dân sống bên con suối này từ những năm 1980, ông Nguyễn Việt Ái, 52 tuổi (KP.3, phường Long Bình) chứng kiến sự đổi thay của suối Linh từng ngày. Ông cho biết, trước kia nước suối Linh trong vắt nên người dân có thể sử dụng nước để tắm giặt, nấu ăn. Lòng suối rộng và sâu nên tôm cá sinh sống nhiều. Mức độ đô thị hóa tăng nhanh, người dân xả thải nhiều đã khiến suối Linh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Lòng suối chứa đầy rác, nước đen ngòm và luôn có mùi hôi nồng nặc. Những loại tôm, cá trước đây rất nhiều thì nay không còn bóng dáng.
Ngoài việc phải chịu mùi hôi thối, ô nhiễm, người dân những khu vực này còn phải đối đầu với ruồi muỗi và đủ loại côn trùng từ ngoài suối bay vào. Những lúc như vậy, họ lại phải đóng kín cửa để ngăn mùi hoặc dùng các loại thuốc hóa học để diệt côn trùng. “Ăn tết trong điều kiện mất vệ sinh thì không ai muốn, nhưng sống trong hoàn cảnh này thì đành chấp nhận. Gặp hôm trời nắng to thì mùi hôi lại càng nồng nặc hơn” - một người dân ngán ngẩm nói.
* Cần một hệ thống xử lý toàn diện
Suối Linh, Săn Máu chỉ là 2 trong nhiều con suối ở TP.Biên Hòa bị ô nhiễm. Theo ông Lê Thanh Tuấn, Chánh văn phòng Sở Tài nguyên - môi trường, việc ô nhiễm ở những con suối trong TP.Biên Hòa đã xảy ra từ nhiều năm nay và mức độ ô nhiễm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Để cải thiện tình hình trên, thời gian qua các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp cải tạo. Một trong những biện pháp phổ biến nhất vẫn là nạo vét thủ công và phát quang bụi rậm hai bên bờ. Ngoài việc nạo vét, các ngành chức năng cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền giữ gìn vệ sinh đến với mọi người dân.
Theo Trung tâm quan trắc - kỹ thuật môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường), để theo dõi diễn biến chất lượng nước mặt tại TP.Biên Hòa, mạng lưới quan trắc được thực hiện tại 5 suối trên địa bàn, bao gồm: suối Linh, suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Săn Máu và suối Siệp. Kết quả quan trắc cho thấy nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Những nguồn nước này đổ về sông Đồng Nai sẽ ảnh hưởng, gây ô nhiễm đối với sông Đồng Nai. |
Ông Mai Trung Ý, Trưởng phòng Thủy lợi (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), cho biết: “Nhiều dự án cải tạo kênh mương ở TP.Biên Hòa đã được UBND tỉnh phê duyệt và các ngành liên quan đang từng bước thực hiện. Về phía Sở, để đảm bảo quá trình tiêu nước, thời gian qua Sở đã tiến hành nạo vét suối Linh giai đoạn 1, nạo vét lạch Cụt và đang tiến hành nạo vét suối Săn Máu, đoạn từ Bệnh viện tâm thần trung ương 2 đến cầu Mương Sao. Các dự án, như: sửa chữa suối Bình Kính, suối Linh giai đoạn 2, rạch Thầy Kiềng… đã được quy hoạch và sẽ thực hiện từ 2015 - 2025”.
Việc lấy lại sự xanh, sạch cho những con suối ở TP.Biên Hòa là một điều cấp bách. Theo ông Ý, TP.Biên Hòa cần phải có một hệ thống thu nước thải đưa về trung tâm xử lý đồng thời xây dựng các bờ kè. Ngoài ra, cần tuyên truyền người dân không đổ rác xuống suối, không xả thải bừa bãi. Đối với các doanh nghiệp, nhà máy, cụm công nghiệp, phải quy hoạch các điểm tập trung nước thải, chất thải để xử lý.
Minh Anh