Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh hiện đã triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2014.
Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh hiện đã triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2014. Tuy nhiên, các DN lo sức mua sút giảm dù vẫn chủ động tăng sản lượng hàng hóa dự trữ phục vụ thị trường tết.
Hàng hóa dồi dào phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2014. (Ảnh chụp tại Siêu thị Co.opMart Biên Hòa). |
Toàn tỉnh có 24 đơn vị sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2014, tương ứng với số vốn gần 600 tỷ đồng. Theo đánh giá của Sở Công thương, vốn giải ngân cho chương trình bình ổn giá năm 2013 còn thấp, vòng quay đồng vốn chậm. Chương trình cần mở rộng để đến được rộng rãi người lao động thu nhập thấp.
* Cố gắng giữ giá
Theo tin từ Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, nguồn thịt heo, thịt gà cung cấp cho thị trường tết dồi dào với khoảng 1,4 triệu con heo, trên 2 triệu con gà. Hàng hóa dự trữ tập trung vào nhóm hàng thiết yếu, cụ thể gồm: trên 600 tấn thịt heo và thịt gà; khoảng 8 ngàn tấn đường; 5 triệu trứng gà... đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cơ bản của người dân.
Đa số các DN sản xuất, kinh doanh đều dự đoán thị trường tết năm nay sức mua sẽ giảm sút do ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chủ động tăng sản lượng hàng hóa dự trữ với cam kết sẽ giữ mức giá bình ổn. Cụ thể, trong những ngày cao điểm mua sắm tết (từ rằm tháng Chạp đến 30 tết), Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1.500 con heo và 15 ngàn con gà ta thả vườn, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, đơn vị sẽ đưa ra thị trường khoảng 20 tấn các sản phẩm chế biến, như: giò, chả, lạp xưởng..., tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng trên đều nằm trong danh mục hàng bình ổn giá.
D&F đã chuẩn bị kế hoạch bán hàng lưu động về tận huyện, xã các mặt hàng thịt heo, gà phòng khi xảy ra tình trạng sốt giá do khan hàng. Nhưng giá cả thị trường năm nay khó lường hơn mọi năm. Chỉ trong vòng 10 ngày qua, giá heo hơi đã tăng thêm 1.500 đồng/kg, lên mức 49 ngàn đồng/kg, cao hơn giá tết năm ngoái. “Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát giá cả thị trường, nhất là ở những đơn vị có sản lượng cung hàng lớn để tránh xảy ra tình trạng hàng hóa bị làm giá như từng xảy ra với mặt hàng trứng gà” - ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc D&F, nói.
* Chưa sử dụng hiệu quả vốn bình ổn
Theo Sở Công thương, kết quả 7 tháng thực hiện chương trình bình ổn giá năm 2013, 29 DN, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh tham gia chương trình đã được vay vốn với tổng số tiền trên 49 tỷ đồng, chỉ đạt 59% kế hoạch đề ra. Trong đó, doanh thu triển khai thực hiện chương trình của nhiều đơn vị đạt thấp, vòng quay đồng vốn còn chậm. Cụ thể, Công ty cổ phần Sài Gòn lương thực được giải ngân vốn vay bình ổn là 1 tỷ đồng nhưng doanh thu bán hàng đạt chưa đến 20 triệu đồng/tháng. Doanh thu bán hàng của nhiều HTX tham gia chương trình bình ổn cũng đạt thấp, một số đơn vị phải bù lỗ.
Tại cuộc họp triển khai kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc chỉ đạo, cần phát huy vai trò của HTX trong việc mở rộng mạng lưới bán hàng bình ổn. Tỉnh sẵn sàng tăng chi phí hỗ trợ HTX để đẩy mạnh chương trình đưa hàng bình ổn phục vụ khu vực nông thôn, đa dạng mặt hàng để công nhân, nông dân vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng. Các sở, ngành cần phối hợp để triển khai chương trình một cách hiệu quả. Riêng Sở Công thương cần thường xuyên theo dõi biến động hàng hóa, giá cả, chủ động xử lý không để xảy ra điểm “nóng” thị trường. |
Chính vì vậy, chương trình bình ổn giá chưa thu hút được nhiều DN tham gia. Mặt khác, mạng lưới bán hàng của các đơn vị tham gia bình ổn giá của tỉnh còn mỏng, ngay cả những điểm bán hàng bình ổn giá của các HTX tại các huyện, thị cũng chủ yếu tập trung ở khu vực đông dân cư nên chưa tiếp cận được người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, công nhân các khu công nghiệp.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng thời điểm hiện nay, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá đều đã chuẩn bị chu đáo nguồn hàng, kế hoạch phục vụ tết. Hiện đã có 14 đơn vị nhận vay vốn bình ổn dự trữ hàng hóa phục vụ tết với tổng mức vay gần 30 tỷ đồng. Trong đó, có 3 DN là đơn vị trực tiếp sản xuất, gồm: Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh, Trại gà Thanh Đức với tổng số tiền vay là 24,5 tỷ đồng (chiếm 49% số vốn đã giải ngân). 11 đơn vị còn lại là các DN, HTX thương mại - dịch vụ, hộ kinh doanh vay để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá tại các huyện với tổng số vốn trên 5 tỷ đồng (chiếm 11%).
Bình Nguyên