Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiêu chết hàng loạt tại Xuân Lộc

11:10, 20/10/2013

Trong 3 năm qua, người trồng tiêu ở Xuân Lộc rất vui vì giá hạt tiêu luôn ở mức cao, từ 100-130 ngàn đồng/kg. Nhưng hiện tại, khi gần đến ngày thu hoạch thì nhiều vườn tiêu ở xã Suối Cao và Xuân Thọ chết hàng loạt.

Trong 3 năm qua, người trồng tiêu ở Xuân Lộc rất vui vì giá hạt tiêu luôn ở mức cao, từ 100-130 ngàn đồng/kg. Nhưng hiện tại, khi gần đến ngày thu hoạch thì nhiều vườn tiêu ở xã Suối Cao và Xuân Thọ chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Thành Chí ở xã Suối Cao nhặt tiêu non vì cây tiêu bị chết.
Ông Nguyễn Thành Chí ở xã Suối Cao nhặt tiêu non vì cây tiêu bị chết.

Ông Nguyễn Thành Chí ở ấp Gia Tỵ, xã Suối Cao, cho biết những năm trước, gia đình ông thu hoạch trung bình mỗi năm đạt trên 1 tấn. Vậy mà, từ tháng 8 đến nay, cả vườn tiêu cứ chết dần, đến nay chỉ còn lại gần nửa vườn. Xót của, ông hái những buồng tiêu non còn sót lại trên những cây tiêu sắp chết, thu được một ít tiêu lép bán kiếm tiền bù vào chi phí đầu tư.

Không chỉ tiêu lâu năm bị chết, mà năm nay nhiều vườn tiêu mới trồng cũng chết khá nhiều. Bà Đặng Thị Bốn, cũng ở ấp Gia Tỵ, cho biết sau 3 năm chăm sóc, chuẩn bị thu trái bói thì hiện nay vườn tiêu của bà chết hàng loạt. Sợ nhiễm bệnh từ tiêu của vườn bên, trước đó bà đã đầu tư xây bờ tường ngăn nước chảy xuống từ vườn tiêu bệnh, nhưng nỗ lực của bà cũng không cứu nổi vườn tiêu.

Xuân Lộc hiện có khoảng gần 1,9 ngàn hécta tiêu, trong đó có 1,13 ngàn hécta đang cho thu hoạch. Các xã trồng tiêu nhiều là: Lang Minh, Xuân Hiệp, Xuân Thọ, Xuân Bắc và Suối Cao.

Khảo sát cho thấy, lượng tiêu chết ở 2 xã Xuân Thọ và Suối Cao là nhiều nhất, trong đó nhiều vườn đã bị chết toàn bộ. Ông Trần Hữu Thắng, người được công nhận là “Người trồng tiêu gỏi nhất Việt Nam”, cho biết nguyên nhân dẫn đến việc tiêu chết là do đất ẩm ướt làm phát sinh nấm bệnh. Ông Thắng nói: “Nguyên nhân khiến tiêu chết là do giai đoạn này mưa kéo dài liên tục khoảng 1 tháng 10 ngày, có ngày mưa đến 2-3 trận. Độ ẩm trong đất cao là điều kiện để nấm bệnh phát triển, khiến nhiều vườn tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm”.

 Theo kinh nghiệm của ông Thắng, nông dân cần vệ sinh vườn tiêu thông thoáng, chủ động phòng dịch, tránh tình trạng nấm bệnh xuất hiện trên mặt lá, thì lúc này cây tiêu đã bị hư bộ rễ, không thể cứu vãn được. Bên cạnh đó, với một số vườn sau khi mưa, chất phèn nhẹ hơn nước nên nổi lên trên, bám vào rễ gây ngộ độc phèn. Do đó cách xử lý hữu hiệu nhất chính là bón thêm vôi để khử phèn và phòng ngừa nấm bệnh.

Lê Tùng - Hải Đình

 

 

 

Tin xem nhiều