Năm 2013, thị trường khó khăn nên nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu bị đình đốn vào giữa năm. Hầu hết các DN đều kỳ vọng vào những tháng cuối năm, khi sức tiêu thụ tăng trở lại. Thế nhưng, những trông đợi đó vẫn đầy hồi hộp với những diễn biến bất thường của thị trường.
Năm 2013, thị trường khó khăn nên nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu bị đình đốn vào giữa năm. Hầu hết các DN đều kỳ vọng vào những tháng cuối năm, khi sức tiêu thụ tăng trở lại. Thế nhưng, những trông đợi đó vẫn đầy hồi hộp với những diễn biến bất thường của thị trường.
Một góc xưởng kéo sợi của Công ty cổ phần An Phú Thịnh (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom). |
Nhiều DN xuất khẩu cho rằng, năm 2013, thị trường quá gập ghềnh. Mới đây, thị trường xuất khẩu hàng lớn nhất của Việt Nam là Mỹ lại “nổi sóng” khi chính phủ phải đóng cửa hơn 2 tuần và nước Mỹ gần rơi vào tình trạng vỡ nợ công.
* “Sóng gió” thị trường
Những ngày đầu tháng 10 - 2013, ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến gỗ Hoàng Nhật Phát (huyện Long Thành) theo dõi rất chặt diễn biến tại Mỹ. Ông Phát tỏ ra lo lắng, nếu nước Mỹ không nâng trần nợ công mà bị vỡ nợ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các đơn hàng của DN đã ký. Ông Phát cho hay, mặc dù hợp đồng được ký, nhưng khách sẵn sàng bỏ hàng khi gặp phải khó khăn quá sức kiểm soát, và hàng tiêu thụ chậm. Thông tin nâng trần nợ công của nước Mỹ giúp ông Phát thở phào nhẹ nhõm, bởi toàn bộ sản phẩm đồ gỗ của DN xuất sang thị trường này là ký hợp đồng theo phương án thanh toán trực tiếp, nhận được hàng sẽ chuyển tiền (TT - Telegraphic Transfer - điện chuyển tiền) mà không sử dụng thư tín dụng (L/C là người mua ký quỹ một số tiền ở ngân hàng bên mua để ngân hàng bên mua đảm bảo cho việc thanh toán cho người bán).
Ở lĩnh vực may mặc, ông Bùi Thế Kích cũng trong tâm trạng hồi hộp không kém. Theo ông, nếu Mỹ bị vỡ nợ công thì thị trường xuất khẩu của DN sẽ là một thách thức lớn. Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cũng khẳng định, nhiều DN xuất khẩu vào thị trường Mỹ thời gian qua thực sự lo ngại, bởi kinh tế Mỹ khủng hoảng có tác động xấu đến cả các thị trường khác.
Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai trong tháng 10 tháng của năm 2013 ước đạt trên 16 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh. Trong đó, xuất khẩu ước đạt trên 7,9 tỷ USD và nhập khẩu hơn 8,1 tỷ USD. |
Đến nay, xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường Mỹ vẫn đứng đầu, ước 10 tháng của năm 2013, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt trên 2,6 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2012; đứng thứ 2 là thị trường Nhật Bản với 934 triệu USD. Các sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ chủ yếu là: giày dép, dệt may, đồ gỗ, hạt điều nhân, cà phê, sản phẩm từ cao su, thủy sản, máy móc thiết bị… Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho rằng cơn khủng hoảng kinh tế ở Mỹ còn tác động rất lớn đến nền kinh tế thế giới, đặc biệt là châu Âu.
* Ì ạch tăng trưởng
Mức tăng trưởng xuất khẩu của Đồng Nai đến nay vẫn khá chậm. Theo số liệu của Sở Công thương, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt hơn 1 tỷ USD và dự ước ở tháng 10 này, kim ngạch xuất khẩu chỉ hơn 980 triệu USD.
Ước cả 10 tháng của năm 2013, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt trên 9 tỷ USD, đạt 70,9% kế hoạch, tăng 8,5%. Trong khi đó, kế hoạch xuất khẩu năm 2013 của tỉnh là hơn 11 tỷ USD, mức tăng trưởng đạt 12-15% so với năm 2012. Chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm 2013, nếu kim ngạch xuất khẩu không đạt trên 1 tỷ USD mỗi tháng, sẽ rất khó khăn để đạt chỉ tiêu.
Theo phân tích của Sở Công thương, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ, như: hàng dệt may (giảm 7,3%), nguyên nhân do đơn giá xuất khẩu giảm; sản phẩm chất dẻo ước giảm 12,7%; kim loại quý, đá quý ước giảm 48,3% ở nhóm hàng nông sản, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm cũng chỉ đạt hơn 460 triệu USD, giảm hơn 36% so với cùng kỳ, trong đó cà phê giảm mạnh cả về sản lượng và giá, đều ở mức hơn 50%. Bên cạnh đó, giá cao su xuất khẩu cũng thấp kéo dài khiến kim ngạch xuất khẩu cũng bị sụt giảm.
Vân Nam