Năm 2013, Chính phủ phê duyệt cho tỉnh chuyển đổi hơn 200 hécta đất lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án.
Năm 2013, Chính phủ phê duyệt cho tỉnh chuyển đổi hơn 200 hécta đất lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án. Nhưng do nhu cầu tăng, Đồng Nai đã xin chuyển đổi hơn 3 ngàn hécta đất lúa sang làm dự án. Mất hàng ngàn hécta đất lúa, liệu nông dân có bị ảnh hưởng?
Nông dân xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) chỉ mong đất trồng lúa của mình không bị quy hoạch làm dự án. |
Theo quy hoạch sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2011-2015 được Chính phủ phê duyệt, thì tổng diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi gần 3.600 hécta. Tuy nhiên, để thực hiện các dự án, nhiều địa phương đề xuất tỉnh cho chuyển đổi diện tích đất lúa vượt xa so với phê duyệt.
* Nhu cầu quá nhiều
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, vừa qua nhiều địa phương đã đề xuất cho chuyển hơn 4 ngàn hécta đất lúa sang thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, đất ở, kinh doanh. Sau khi rà soát, Sở đã rút xuống còn hơn 3 ngàn hécta. Con số này theo Bộ Tài nguyên - môi trường vẫn là quá nhiều, vượt gần 15 lần so với phê duyệt của Chính phủ. Song chính quyền các huyện, thị, thành trong tỉnh cho rằng, việc chuyển đổi rất cần thiết, nếu không rất khó triển khai các dự án. Những nơi có diện tích đất lúa đề xuất chuyển đổi nhiều trong dịp này là: Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Biên Hòa.
Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho hay: “Những dự án lấy vào đất lúa đều là các dự án quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, phần lớn là để làm đường giao thông, xây trạm xá, nhà văn hóa xã, ấp và chủ yếu lấy đất lúa 1 vụ hiệu quả kinh tế không cao”.
Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, khẳng định: “Các dự án lấy nhiều đất lúa đa số là làm đường giao thông, các công trình công cộng và đất ở. Trong đó nhiều công trình của quốc gia, như: đường cao tốc, sân bay. Các dự án trên không lấn vào đất lúa thì không thể thực hiện”.
* Dân mong gì?
Phần lớn người dân trong tỉnh đều không muốn đất của mình bị quy hoạch để làm các dự án. Bởi hiện nay, số tiền đền bù cho diện tích đất bị thu hồi thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Vì thế sau khi nhận tiền bồi thường, hầu hết nông dân không mua lại được mảnh đất khác tương đương để sản xuất.
Theo ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, sở dĩ giai đoạn này Đồng Nai xin chuyển đổi nhiều đất lúa sang đất phi nông nghiệp là vì năm 2011 - 2012 kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư nên triển khai các dự án chậm, chỉ chuyển đổi gần 346 hécta, trong khi kế hoạch Chính phủ cho chuyển đổi gần 2.300 hécta. Vì thế, tỉnh đang đề nghị Chính phủ cho chuyển đổi cả diện tích chưa thực hiện trong hai năm trước. |
Ông Lê Văn Hùng, ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) chia sẻ: “Tôi có 6 sào đất trồng lúa 2 vụ bị quy hoạch làm khu dân cư. Tiền bồi thường chỉ hơn 100 triệu đồng/sào, với số tiền như trên, tôi khó mà mua nổi 3 sào đất xấu ở các xã lân cận để sản xuất”. Và ông Hùng bày tỏ mong muốn, khi có quy hoạch thì ngành chức năng triển khai nhanh và sớm đền bù cho người dân với giá phù hợp, để những người lớn tuổi không có cơ hội vào các công ty làm việc hoặc buôn bán, có thể mua mảnh đất khác gần đó tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Một số nông dân trồng lúa khác ở các huyện Vĩnh Cửu, Long Thành đều cho hay, họ chỉ mong đất sản xuất không rơi vào quy hoạch, hoặc nếu có quy hoạch, thu hồi hết đất sản xuất để thực hiện các dự án, họ muốn có một việc làm khác phù hợp với khả năng và độ tuổi.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Giữ đất lúa là rất cần thiết, nhưng nếu chuyển đổi đem lại hiệu quả cao gấp nhiều lần trồng lúa, thì không nên khư khư giữ đất lúa”. Song ông Vĩnh cũng yêu cầu các địa phương phải rà soát, tính toán thật kỹ, nếu chuyển đổi đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa thì mới xin chuyển đổi. Trong đó ưu tiên cho các công trình công ích, công cộng. Ngoài ra, các địa phương cũng phải xem xét diện tích nào có thể cải tạo sang đất trồng lúa để bù lại.
Khánh Minh