Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp kêu cứu (Bài cuối)

09:08, 12/08/2013

Nạn trộm cát trên sông Đồng Nai không chỉ người dân ngao ngán mà cả những doanh nghiệp (DN) đóng ven bờ sông, ở những đoạn khu vực bị trộm cát xông vào hút cũng phải hoảng hốt do lở đất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình.

Nạn trộm cát trên sông Đồng Nai không chỉ người dân ngao ngán mà cả những doanh nghiệp (DN) đóng ven bờ sông, ở những đoạn khu vực bị trộm cát xông vào hút cũng phải hoảng hốt do lở đất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình.

Những bãi cát ven bờ sông chỉ trong một thời gian ngắn bỗng chốc biến thành vực sâu. Các nhà khoa học đã từng cảnh báo, khả năng bồi lắng của sông Đồng Nai phía hạ du là rất thấp do các thủy điện cát cứ ở thượng nguồn, vì vậy nguy cơ sạt lở bờ sông là rất lớn.

* Sụp cảng

Giữa tháng 3-2013, chiếc xe tải chở hàng của Công ty Proconco vào khu vực cảng của công ty để chở hàng bỗng nhiên bị sụp nghiêng, gần lật xuống sông. Kiểm tra mới biết, do tình trạng khai thác cát quá mạnh khiến cảng bị sạt lở. Một quản lý của công ty cho biết, khu vực cảng của công ty nằm trên bãi cát nên khi cát bên ngoài bị hút mạnh thì cát bên trong xô ra, làm hổng chân, gây sụp cảng.

Các xà lan ở khu vực bờ sông giáp Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cũng khốn khổ vì tình trạng hút trộm cát.
Các xà lan ở khu vực bờ sông giáp Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cũng khốn khổ vì tình trạng hút trộm cát.
Không chỉ cảng nội bộ của Công ty Proconco bị sụp mà ngay bên cạnh đó, khu vực bờ sông của Công ty dây đồng Việt Nam (CFT) cũng bị sạt lở khá nghiêm trọng. Toàn bộ hàng cột cừ đóng bên ngoài đã bị  ngả ra ngoài sông, nhiều chỗ đổ hẳn xuống, bờ kè bằng đá cũng không giữ được. Bức tường của công ty này hiện đang trong tình trạng có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào.

Ông D. - chủ một xà lan thường neo đậu gần khu vực này, khẳng định trước đây, nguyên khu vực này là một bãi bồi từ bờ kéo ra ngoài sông dài hơn 10m, khi nước thủy triều xuống, bãi cát này nổi lên nên người dân vẫn xuống đây bắt hến. Các loại xà lan phải đậu ở xa bởi nếu vào gần rất dễ mắc cạn. Hơn 1 năm nay, cồn cát đã bị đoàn quân khai thác cát trộm hút sạch, hiện tại độ sâu gần bờ lúc nước cạn cũng ở mức 5 - 6m, đến mức loại xà lan 1 ngàn tấn đã đậu sát được vào bờ. Ông D. nói: “Chúng tôi đang lo bị oan, sợ khi bức tường của DN ven sông bị sụp xuống sông lại bị nghĩ là do xà lan neo đậu ra vào làm sạt lở, thực chất là do cát bị hút quá nhiều. Khi nước cạn, tôi lặn thử xuống, thấy đau nhức hết tai mà vẫn chưa tới đáy vì lòng sông đã bị khoét sâu”. Ông D. đã có mặt ở đây gần 20 năm nên các khúc sông sâu cạn như thế nào và tình hình cát bị hút ra sao, ông biết khá rõ. Hiện tại, đoàn quân khai thác cát trộm đang tập trung vào khu vực cồn cát ở phía thượng nguồn cảng nội bộ của Công ty Proconco và đang gây ra tình trạng sạt lở bờ kè khu vực này.

* Kêu cứu vẫn chưa ăn thua

Trước tình hình trộm cát hoạt động quá mạnh gây sạt lở đến công trình của mình, Công ty Proconco đã gọi điện báo với cảnh sát môi trường nhưng vẫn không thấy có sự hỗ trợ ngăn chặn tình trạng này. Ngày 25-7-2013, Proconco đã phải gửi văn bản cầu cứu khắp nơi, như: UBND TP.Biên Hòa, Phòng Tài nguyên - môi trường, Công an TP.Biên Hòa, UBND phường và Công an phường An Bình, Sở Giao thông - vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy và Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai.

Một đoạn cừ và bờ kè của Công ty dây đồng Việt Nam đã đổ sụp xuống sông.
Một đoạn cừ và bờ kè của Công ty dây đồng Việt Nam đã đổ sụp xuống sông.

Trong văn bản, DN đã nêu rõ tình trạng hút cát lậu ở đây gia tăng công khai và các ghe trộm cát rất ngang nhiên, có biểu hiện thách thức, hậu quả là một phần cảng của công ty bị sụp lở và đề nghị các cơ quan quan tâm giải quyết. Đến ngày 31-7-2013, DN đã nhận được văn bản hồi đáp của hai cơ quan là Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết đã gửi phản ánh của DN đến Công an tỉnh và UBND TP.Biên Hòa và đề nghị hỗ trợ DN xử lý dứt điểm tình trạng này; Sở  Giao thông - vận tải cũng đã chuyển cho Thanh tra của sở để kiểm tra và xử lý.

Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết khai thác cát trên sông Đồng Nai đã bị cấm từ năm 2004 đến nay, đặc biệt là đoạn từ cầu Đồng Nai đến cầu Hóa An, do lo ngại sạt lở 2 bên bờ sông gây nguy hiểm cho cư dân ven bờ. TP. Biên Hòa cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, thường xuyên rà soát những điểm hay xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép và xử lý nhiều vụ, song vẫn như bắt cóc bỏ dĩa, ngay cả khi có sự hỗ trợ của các lực lượng chuyên ngành khác, như: cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường…, tình hình vẫn không khá lên.

Trong khi các cơ quan chức năng chưa vào cuộc thì hàng ngày, DN vẫn phải chứng kiến cảnh trộm cát “móc ruột” lòng sông gây ảnh hưởng đến công trình của mình. Quá nóng ruột, vào lúc 9 giờ đêm ngày 8-8, khi thấy ghe trộm cát áp sát vào bờ để hút, bảo vệ công ty đã phải gọi điện đến Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh. Bên kia điện thoại, cán bộ trực ban trả lời vấn đề này đã nhận được tin báo của công ty từ mấy ngày trước và hiện nay lãnh đạo phòng đang có kế hoạch triển khai. Chỉ trong 3 đêm ngày 8, 9 và 10 - 8 vừa qua với hai chiếc ghe, bọn trộm cát đã khoét gần hết một cồn cát ngay bên chân tường của công ty, biến nơi đây thành vực sâu đe dọa đoạn bờ sông này.

Cuộc chiến chống hút trộm cát trên sông đã đến lúc cần phải có những biện pháp hữu hiệu hơn, vì đây là vấn đề không phải mới diễn ra. Người dân thì lo sợ không dám đương đầu, trong khi cơ quan chức năng lúng túng chưa giải quyết dứt điểm được. Từ đầu năm đến nay, ít nhất đã có 3 đợt công an nổ súng trấn áp bọn khai thác cát lậu, nhưng những cuộc vây bắt đó cũng không đi đến đâu vì kết quả chỉ thu giữ được vài chiếc ghe, còn người thì không bắt được. Dư luận đặt câu hỏi, tình trạng bất lực của chính quyền và ngang ngược của bọn trộm cát còn kéo dài mãi đến bao giờ?

Khắc Giới

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều