Ba tháng lương gần đây nhất thì 2 tháng chị dành để mở website cho lúa sạch, tháng còn lại để bảo hộ thương hiệu và logo, cũng cho lúa sạch. Đó chính là Trần Thị Phương Chi - cô kỹ sư nông nghiệp quê xứ bưởi Tân Triều lấy bằng thạc sĩ tại Hàn Quốc.
Ba tháng lương gần đây nhất thì 2 tháng chị dành để mở website cho lúa sạch, tháng còn lại để bảo hộ thương hiệu và logo, cũng cho lúa sạch. Đó chính là Trần Thị Phương Chi - cô kỹ sư nông nghiệp quê xứ bưởi Tân Triều lấy bằng thạc sĩ tại Hàn Quốc. Chị bắt đầu bằng việc hỗ trợ những người nông dân cùng xóm, ấp, rồi cùng xã, huyện, để một lúc nào đó, Đồng Nai sẽ có thật nhiều những “ruộng lúa, bờ hoa”, “ruộng lúa thân thiện môi trường”.
ThS. Trần Thị Phương Chi bên ruộng lúa sạch với bờ hoa vàng ở ấp Bình Lục, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Phúc Lộc |
* Tại sao chị chọn trở thành kỹ sư nông nghiệp - một ngành không “thời thượng”? Và điều gì khiến chị trở về Đồng Nai mà không ở lại Hàn Quốc học tiếp tiến sĩ như mong muốn của các giáo sư hướng dẫn chị tại Đại học quốc gia Gyeongnam?
- Tôi chọn học ngành nông nghiệp một cách hết sức tự nhiên. Cha dạy học, mẹ làm y tá nhưng nhà tôi gắn liền với ruộng vườn. Gắn bó rồi yêu thích. Ở tuổi 18 ngày đó, tôi chưa biết nghề gì là “thời thượng”, nhưng chọn, rồi yêu nghề lúc nào không rõ. Năm 2011, bảo vệ xong bằng thạc sĩ ngành nông học ở Hàn Quốc, nhiều giáo sư muốn tôi ở lại học tiếp tiến sĩ, nhưng tôi là tạng người nôn nóng, muốn ứng dụng ngay những gì mình đã học nên về nước. Hiện tại, các giáo sư vẫn muốn tôi quay lại học. Và tôi nghĩ có thể mình sẽ quay lại một ngày nào đó, khi những dự định của tôi tại Việt Nam đã hoàn thành.
“Tôi mới gầy dựng những ruộng lúa, bờ hoa theo đúng nghĩa với lúa xanh dưới ruộng, hoa xuyến chi, hướng dương, cây lá quế... khoe sắc trên bờ” - Th.S Phương Chi chia sẻ. |
* Từ chối mức lương ngàn USD khi mới về nước để trở thành một công chức với mức lương thấp, chị có thấy tiếc nuối công sức học hành?
- Tôi không suy nghĩ đắn đo nhiều. Bởi ngay khi còn ở Hàn Quốc, tôi đã biết điều này. Nếu mục đích của tôi là ứng dụng ngay vào thực tế những gì mình đã được học thì không thể chọn lương cao, bởi môi trường doanh nghiệp với một công việc đặc thù ở một khâu nào đó sẽ không cho tôi cơ hội ứng dụng nhiều. Tôi muốn thấy những kiến thức đó đâm chồi nảy lộc trên chính đồng ruộng quê mình trước đã. Thêm vào đó, bản thân và gia đình tôi có lối sống đơn giản nên cũng không quá áp lực về tiền bạc hay chi phí.
* Bắt đầu công việc bằng cách thuyết phục từng nông dân, từng người hàng xóm làm theo mô hình sản xuất sạch, trích lương tháng ra làm chi phí nghiên cứu trong khi bản thân và gia đình không khá giả, thậm chí, vẫn chưa nghĩ đến hạnh phúc riêng tư. Điều gì đã lôi cuốn chị đến thế?
- Nửa năm đầu ở Hàn Quốc, tôi rất ngạc nhiên khi đi qua những ruộng lúa của người Hàn, rất tốt và sạch sẽ, hiện đại và hiếm khi thấy bóng dáng nông dân. Tìm hiểu kỹ mới biết, họ sản xuất theo quy trình sạch và khép kín, hầu như không phát sinh sâu bệnh nên công chăm sóc rất ít, nhờ đó mà nông dân Hàn rất “sướng”. Tôi ao ước những hình ảnh này sẽ có ở quê tôi, vậy nên tôi làm.
Bắt đầu làm từ cuối năm 2011, sau vài lần thất bại, tôi đã có một quy trình sản xuất lúa theo dạng sinh học hoàn thiện, sản phẩm gạo làm ra hạn chế sử dụng chất hóa học hết mức. Thực tế, chỉ còn 2 khâu trong sản xuất có sử dụng chất hóa học là trừ cỏ và bón phân, nhưng thời gian cách ly rất dài nên tuyệt đối an toàn. Gạo sạch mang đi xét nghiệm thì đúng là... rất sạch. Tất cả những điều đó cộng với sự yêu quý của nông dân là những điều lôi cuốn tôi mạnh mẽ nhất.
Tôi “mắc nợ” nông dân, càng trả càng vui và trả hoài chưa hết. |
* Tên chị gắn liền với nấm trichoderma giúp cây trồng hạn chế được nhiều loại nấm gây hại, ứng dụng vào thực tế đem lại kết quả cao và được nhiều nông dân tin tưởng, nhưng lại không đem đến một đồng lợi nhuận nào. Chị có băn khoăn gì chăng?
- Thực ra đó là đề tài cấp tỉnh của đơn vị, tôi nghiên cứu chung với vài đồng sự nữa, nhờ đạt giải thưởng nên có 10 triệu đồng. Tôi dùng để đóng tiền học ngoại ngữ. Còn ngoài ra, tôi không muốn áp tính thương mại vào các nghiên cứu hay mô hình của mình, tôi muốn nông dân mạnh dạn áp dụng biện pháp sinh học trên vườn ruộng, cây trồng của mình vừa an toàn cho bản thân mình, mà cũng vừa có hiệu quả khống chế dịch hại. Tôi không băn khoăn gì cả.
* Hướng dẫn nông dân làm lúa sạch, rồi trồng hoa trên bờ ruộng. Giấc mơ “ruộng lúa, bờ hoa” tuy đẹp, nhưng có quá sức đối với một cô gái nhỏ nhắn như chị?
- Mọi thứ bắt đầu bằng việc thuyết phục ngay chính những người hàng xóm của mình tham gia sản xuất theo quy trình lúa sạch. Bà con đương nhiên sẽ lo lắng nhiều điều, như: có mất công không? Có giảm năng suất không? Lúa làm ra có bán được không? Và với nông dân thì phải “mắt thấy, tai nghe” mới đủ sức thuyết phục. Tôi áp dụng quy trình trên ruộng nhà mình trước, thuyết phục và hướng dẫn cặn kẽ, cùng nhau góp tiền thuê xe cho họ đi xuống miền Tây tham quan một vài mô hình lúa sạch. Rồi họ cũng đồng ý làm. Tôi có thất bại ở vài lần đầu tiên, nhưng nông dân thương và tin tưởng nên quyết định duy trì, theo đuổi, và đến nay đã thành công.
Ban đầu một vài hécta, rồi tăng dần lên, đến nay đã được gần 10 hécta sản xuất cho gạo sạch 100%, sản phẩm làm ra không đủ bán. Năm sau, chúng tôi dự định sẽ mở rộng lên 20 hecta rồi tùy khả năng sẽ nhân lên nữa.
* Cũng đi du học, được mời chào này nọ rồi quyết định làm theo ý muốn là trở thành công chức ngành nông nghiệp. Nhưng, mức lương chỉ nhỉnh hơn 4 triệu đồng mỗi tháng, có lúc nào chị chạnh lòng?
- Chạnh lòng cho cá nhân tôi thì không. Tôi ăn gạo sạch nhà trồng, rau sạch trong vườn, thức ăn thì “ké” cha mẹ, cũng không đam mê mua sắm này nọ nên chấp nhận được. Ngoài ra, cũng rất may mắn vì gia đình luôn ủng hộ những quyết định và công việc tôi đang làm. Tôi cũng đùa với những người nông dân là tôi “mắc nợ” nông dân, càng trả càng vui và trả hoài chưa hết.
Trần Thị Phương Chi sinh năm 1973 tại Vĩnh Cửu, là du học sinh Việt Nam đầu tiên theo học thạc sĩ tại Trường đại học Gyeongsang, tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc) bằng tiếng Hàn. Ban đầu chị qua Hàn Quốc học lớp bồi dưỡng kỹ thuật nông nghiệp 6 tháng theo chương trình hợp tác giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Gyeongnam. Thấy chị mê nghiên cứu theo hướng an toàn sinh học, tiến sĩ Kwon Jin Hyeuk thuộc Viện Kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam - Hàn Quốc đã khuyến khích chị ở lại thi và theo học tiếp lấy bằng thạc sĩ. Trong quá trình học tại Hàn Quốc, ngoài giờ học Phương Chi dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu cách phòng trừ các loại sâu bệnh trên cây trồng, ít gây hại cho môi trường. Lòng đam mê và những nghiên cứu của chị đã được một số tờ báo của tỉnh Gyeongnam, như: Gyeongnam Newspaper, Gyeongnam Inhabitant Newspaper, Gyeongnam Daily News viết bài khen ngợi. Hiện Phương Chi đang là chuyên viên tại Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai. |
Chỉ có điều, lương thấp thì việc trích ra để nghiên cứu hay làm mô hình chậm chạp hơn. Tôi dành hai tháng lương mới đủ làm website để giới thiệu cặn kẽ quy trình làm lúa sạch cho nông dân có nhu cầu, đồng thời công bố toàn bộ các chỉ tiêu xét nghiệm của gạo sạch Tân Bình Lục để “công bằng” hơn với người mua. Vì hiện tại, gạo sạch Tân Bình Lục đang tiêu thụ tốt với các khách hàng là cơ quan công sở, trường học, bà con trong xã... nhưng chủ yếu là do tin tưởng “cô Chi” chứ chưa biết gạo này sạch đến mức nào. Website hiện đang chạy thử. Tôi cũng đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho loại gạo này, để nông dân yên tâm sản xuất.
* Sau những ruộng lúa, bờ hoa thì chị ấp ủ điều gì nữa?
- Tôi mới gầy dựng những ruộng lúa, bờ hoa theo đúng nghĩa với lúa xanh dưới ruộng, hoa xuyến chi, hướng dương, cây lá quế... khoe sắc trên bờ. Tôi thấy hạnh phúc. Ban đầu tôi dành ưu tiên cho những nông dân Vĩnh Cửu quê mình, nhưng nếu được, tôi ước ao có thật nhiều ruộng lúa, bờ hoa trên đất Đồng Nai.
Dự định sắp tới của tôi là cho ra được một mô hình làm rau sạch sinh học an toàn, ít tốn kém và dễ áp dụng, cho cả người nông dân lẫn người tiêu dùng. Còn với cá nhân, tôi nghĩ mình sẽ học tiếp một ngày nào đó, giờ thì chưa vội dù các giáo sư vẫn liên tục gọi sang. Tôi đã học thạc sĩ nông học bằng tiếng Hàn Quốc, do đó nếu cần, tôi có thể quay trở lại Hàn với tư cách một du học sinh tự do sau khi đã hoàn thành những dự định của mình ở quê nhà.
Kim Ngân (thực hiện)