Đồng Nai không thiếu các thương hiệu truyền thống tồn tại hàng chục năm dưới hình thức kinh tế hộ gia đình và cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhưng đến nay vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Điều này rất đáng báo động khi nạn làm nhái, thậm chí bê nguyên xi nhãn hiệu diễn ra ngày càng phổ biến.
Đồng Nai không thiếu các thương hiệu truyền thống tồn tại hàng chục năm dưới hình thức kinh tế hộ gia đình và cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhưng đến nay vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Điều này rất đáng báo động khi nạn làm nhái, thậm chí bê nguyên xi nhãn hiệu diễn ra ngày càng phổ biến.
Bánh chưng Trần Gia vẫn chưa đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài dù nhiều năm có hàng xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất tại cơ sở bánh chưng Trần Gia. |
Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với những doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng hầu như bị bỏ ngỏ dù không ít trường hợp thương hiệu Việt bị “đánh cắp” ở thị trường nước ngoài.
* Quy trình ngược
Ông Trương Văn Trai, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ thuộc Sở Khoa học - công nghệ, cho biết: “Các DN nước ngoài thường hoàn tất việc đăng ký sở hữu trí tuệ về nhãn hàng, kiểu dáng công nghiệp... trước khi xuất hiện trên thị trường. Nhiều thương hiệu của ta thì theo quy trình ngược lại, sản phẩm có mặt trên thị trường mấy mươi năm, tạo dựng được uy tín mới nghĩ đến việc đi đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Thực tế đã xảy ra trường hợp mất thương hiệu do đơn vị khác nhanh chân đăng ký trước”.
Hiện nay, tình hình vi phạm về sở hữu trí tuệ kiểu ăn theo thương hiệu khá phổ biến với mức độ ngày càng tinh vi. Thường là mô phỏng na ná theo tên nhãn hàng, kiểu dáng sản phẩm chính hãng. Tuy có rất nhiều cơ quan, tổ chức có chức năng xử lý những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, như: quản lý thị trường, công an kinh tế, tòa án... nhưng việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn bỏ ngỏ. |
Ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia (TP. Biên Hòa), cho biết: “Tôi làm nghề truyền thống nên mấy mươi năm qua, gia đình chỉ chú trọng xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng mà chưa quan tâm nhiều đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Sau này thấy nạn làm hàng giả, hàng nhái tràn lan và quá chuyên nghiệp, tôi mới quyết định đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo hộ cho tên tuổi của cơ sở mình”.
Bà Huỳnh Kim Hoa, Giám đốc Công ty TNHH bánh kem Siu Siu (TP. Biên Hòa), chia sẻ: “Tuy đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền nhưng tình trạng bị nhái thương hiệu vẫn xảy ra. Chỉ khoảng tuần trước, khách hàng quen nhắn tin than phiền về chất lượng khi mua bánh Siu Siu ở cơ sở 2, tôi mới biết nhãn hàng bị làm nhái. Tôi phải cho nhân viên đi tìm hiểu, mới biết một người từng học việc ở Siu Siu ra mở nên yêu cầu họ đổi bảng hiệu khác”.
Anh Nguyễn Đoàn Công An, chủ của chuỗi điểm bán hamburger tại TP. Biên Hòa với nhãn hiệu “Burger Việt”, bức xúc: “Tuy cơ sở đã đăng ký độc quyền về nhãn hiệu với logo riêng nhưng vẫn bị làm nhái. Thậm chí, có người mở điểm bán ngay sát bên cạnh, mô phỏng không khác gì từ hình ảnh trang trí đến cách thức chế biến món ăn, nhưng tôi không thể làm gì vì họ lấy tên nhãn hàng gần giống, thậm chí không để tên sản phẩm”.
* Lo mất thị trường xuất khẩu
“Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn và lâu năm của kẹo Yến Nhung. Nhưng hiện nay, cơ sở chỉ có thể xuất khẩu qua thị trường này bằng đường tiểu ngạch vì thương hiệu Yến Nhung đã bị người Trung Quốc đăng ký. Qua tìm hiểu, tôi biết người đăng ký thương hiệu này chỉ để đó chứ chưa hề có hoạt động sản xuất” - ông Phan Văn Vàng, chủ cơ sở sản xuất kẹo Yến Nhung (TP. Biên Hòa) lo lắng.
Theo Phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học - công nghệ Đồng Nai, tính từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh có trên 2.500 đơn vị được cấp giấy chứng nhận về nhãn hiệu hàng hóa, trong đó DN nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ cao. Từ năm 2005, tỉnh đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Trong giai đoạn 1 (2005-2010), chương trình đã tư vấn, hướng dẫn thủ tục về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp và thông tin về sáng chế cho 500 doanh nghiệp. Từ năm 2011 đến nay, thêm 70 cơ sở, doanh nghiệp được hỗ trợ về thông tin và một phần kinh phí trong đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Trong đó, chỉ một cơ sở được hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu ở thị trường nước ngoài. |
Tuy đã có bài học đắt giá từ Trung Quốc, nhưng người chủ cơ sở này vẫn chưa nghĩ đến việc đăng ký bảo hộ thương hiệu của mình ở các thị trường nước ngoài vì không đủ khả năng. Theo ông Vàng, tình hình sản xuất của cơ sở hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng do ở quy mô sản xuất hộ gia đình nên ông chưa được hỗ trợ gì từ những chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Ông Trần Thanh Toàn cho rằng việc đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm ở thị trường nước ngoài là việc rất bức thiết trong giai đoạn hội nhập, nhưng điều này hiện đang ngoài tầm với của DN, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. “Ngay cả tiếp cận thông tin về đăng ký bảo hộ thương hiệu ngoài ranh giới quốc gia, chúng tôi cũng còn mơ hồ nên rất mong được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để những thương hiệu truyền thống Việt có thêm cơ hội trên thị trường thế giới” - ông Toàn nói.
Lê Quyên