Kết thúc 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu Đồng Nai chỉ đạt hơn 5,3 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là năm có mức tăng trưởng xuất khẩu thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu Đồng Nai chỉ đạt hơn 5,3 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là năm có mức tăng trưởng xuất khẩu thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước.
Đóng gói sản phẩm xuất khẩu ở Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản Đồng Nai (Donafoods). |
Số liệu xuất khẩu trong 6 tháng qua cho thấy bức tranh kinh tế trong nước và thế giới còn khá khó khăn. Sức tiêu thụ hàng hóa còn yếu khiến việc đình đốn sản xuất vẫn chưa được cải thiện.
Nông sản thất thế
Tăng trưởng xuất khẩu Đồng Nai chỉ bằng 1/4 cả nước Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, xuất khẩu cả nước trong 6 tháng đầu năm liên tục duy trì đà tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, luôn ở mức 2 con số, cao hơn kế hoạch đề ra khoảng 10% và đạt trên 10 tỷ USD/tháng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 62,1 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 37,4 tỷ USD, chiếm hơn 60,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 28,3%; khu vực trong nước tăng 2,2%. Như vậy, xét trên bình diện chung, xuất khẩu Đồng Nai chỉ tăng trưởng bằng 1/4 mức tăng cả nước. V. Lâm |
Nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu gặp khó khăn cả về thị trường lẫn giá. Số liệu của Cục Thống kê cho thấy sản lượng cà phê xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay đã giảm đến hơn 52% so với cùng kỳ năm 2012. Không chỉ sản lượng, giá cà phê cũng giảm, hiện chỉ dao động từ 37.000 - 37.500 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (46 ngàn đồng/kg).
Cùng với cà phê, mặt hàng cao su xuất khẩu cũng nằm trong tình trạng giảm cả về sản lượng lẫn giá. Thị trường cao su thế giới có những biến động không mấy tích cực khiến giá cao su xuất khẩu đã giảm liên tục từ đầu năm đến nay. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá cao su xuất khẩu trong tháng 1-2013 là 2.722 USD/tấn, đến cuối tháng 3 giá chỉ còn 2.554 USD/tấn và sang đầu tháng 6 chỉ còn 2.320 USD/tấn. Tính ra từ đầu năm đến nay giá mủ cao su xuất khẩu đã giảm trên 400 USD/tấn.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, các DN của tỉnh xuất khẩu được khoảng 7.000 tấn mủ, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2012. Thị trường xuất khẩu cao su chính của Đồng Nai là Trung Quốc và Malaysia. Tổng công ty cao su Đồng Nai cho biết, sản lượng giảm do hai thị trường nhập khẩu cao su lớn này đã có cao su khai thác nên giảm nhập khẩu, bên cạnh đó hàng tồn kho của Trung Quốc vẫn cao. Không chỉ riêng cà phê hay cao su mà một số mặt hàng nông sản khác xuất khẩu cũng yếu, như: hạt điều, mì lát, thủy sản chế biến.
Khó khăn bao vây gỗ, gốm
Ngoài hai lĩnh vực là may mặc và giày dép xuất khẩu tương đối tốt về tiêu thụ sản phẩm, còn lại nhiều ngành khác xem ra vẫn chưa có lối thoát, như: chế biến gỗ, gốm, hàng thủ công mỹ nghệ. Các DN chế biến gỗ cho biết, từ đầu năm đến nay thị trường đồ gỗ ở Mỹ có phục hồi so với năm 2012, tuy nhiên mức phục hồi còn chậm, trong khi đó thị trường đồ gỗ ở châu Âu lại giảm. Nhiều DN chế biến gỗ đã thu hẹp sản xuất do không có đầu ra, nhất là các DN nhỏ và vừa.
Sản xuất gốm tại Công ty cổ phần mỹ thuật gốm Việt, ở phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa |
Ông Phạm Văn Bân, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến lâm sản Đồng Nai, cho biết phần lớn số DN chế biến gỗ phải thu hẹp sản xuất do các đơn hàng có giá thấp dưới giá thành. Nhiều DN không đủ sức làm hàng xuất khẩu trực tiếp mà chuyển sang gia công cho công ty lớn. Ở ngành gốm sứ cũng không khả quan hơn, DN sản xuất gốm đang đối mặt với giá nhiên liệu (gas) tăng làm đội chi phí đầu vào, trong khi đầu ra không mấy thuận lợi.
Theo Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai thì từ đầu năm đến nay, một số DN sản xuất gốm tiếp tục ngưng hoạt động vì không có đơn hàng. Số lò gốm còn duy trì được đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo nhận định của Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai thì khó khăn còn bao vây những ngành này ở những tháng còn lại cuối năm nay.
Vân Nam