Hiện nay đang có nhiều ý kiến ủng hộ lẫn phản biện xoay quanh đề án di dời và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Tuy vậy, đa số đều cho rằng, đã đến lúc KCN tròn 50 năm tuổi này chấm dứt vai trò lịch sử của mình.
Hiện đang có nhiều ý kiến ủng hộ lẫn phản biện xoay quanh đề án di dời và chuyển đổi công năng khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 - một “biểu tượng” phát triển công nghiệp không chỉ riêng Đồng Nai mà cả phía Nam. Tuy vậy, đa số đều cho rằng, đã đến lúc KCN tròn 50 năm tuổi này chấm dứt vai trò lịch sử của mình.
Bài 1: Hoán đổi để cứu sông
Khả năng làm sạch một cách tự nhiên của sông Đồng Nai đã và đang bị đe dọa bởi hệ quả của cả một thời kỳ dài thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy vào KCN tập trung. Trong đó, KCN Biên Hòa 1 là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất.
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) cảnh báo, chất lượng nước sông Đồng Nai đang xấu dần đi, có những đoạn “chết lâm sàng” vì ô nhiễm quá mức.
* Ngưng vì quá ô nhiễm
Nước sông Đồng Nai hiện đang bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh, với mức độ ô nhiễm dầu, coliform, kim loại nặng và độ mặn có xu hướng tăng dần. Chỉ số chất lượng nước năm 2012 tại các điểm quan trắc đều thấp hơn năm 2011, cho thấy chất lượng nước ngày càng suy giảm. Hạ nguồn sông Đồng Nai còn đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn ngày càng vào sâu hơn.
Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1 tiếp giáp sông Đồng Nai |
Gần đây nhất, Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, chất lượng nước trên sông Đồng Nai tuy vẫn đủ điều kiện để cấp nước sinh hoạt ở một số đoạn, phục vụ thủy lợi nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn còn vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, đoạn từ sau khi hợp lưu sông Đồng Nai và sông Đạ Hoai đến Bến đò Bà Miêu, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu dù chất lượng nước đạt mục đích sử dụng cho cấp nước sinh hoạt nhưng nhiều thông số ô nhiễm vẫn vượt ngưỡng. Riêng đoạn 3 (đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai, TP. Biên Hòa) hàm lượng các chất hữu cơ, sắt và vi khuẩn gây bệnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép phải tiến hành xử lý ô nhiễm mới đủ khả năng cấp nước cho sinh hoạt.
* Giữ nước sạch cho 20 triệu người
Cùng với tình trạng ô nhiễm gia tăng của sông Đồng Nai, 20 triệu người đang có nguy cơ không có nước sạch để dùng. Theo Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, tình trạng ô nhiễm trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn có xu hướng tăng dần do tiếp nhận lượng lớn chất thải, nước thải từ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Nhiều chỉ tiêu chất lượng nguồn nước đã vượt mức cho phép, tăng cao qua mỗi năm.
Tình trạng ô nhiễm sông Đồng Nai tiếp tục tăng và có nguy cơ vượt quá khả năng xử lý của các nhà máy nước. |
Trên lưu vực sông Đồng Nai hiện có hàng chục KCN và cụm công nghiệp của các tỉnh, thành trong khu vực đang hoạt động. Hàng ngày, các nhà máy thải hàng triệu mét khối nước thải ra sông, chiếm đến 57,2% trong tổng lượng nước thải ra sông Đồng Nai. Theo phân tích của Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai, nguồn thải tại hệ thống thoát nước chung ra sông Đồng Nai do nhiều nhà máy không xử lý nước thải cục bộ, hoặc xử lý nhưng không đạt yêu cầu nên nguồn nước thải đổ ra sông có nhiều chỉ tiêu vượt mức cho phép nhiều lần, gây ô nhiễm cho sông Đồng Nai.
Nước thải chưa qua xử lý từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra sông Đồng Nai. Ảnh: C.T.V |
Trong số các KCN gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước sông Đồng Nai, KCN Biên Hòa 1 là cái tên đầu tiên được nhắc đến trong danh sách các nguồn gây ô nhiễm đối với sông Đồng Nai. Đây là KCN được xây dựng từ năm 1963, được tỉnh tiếp nhận từ sau giải phóng. Tại KCN này, công nghệ và thiết bị, máy móc sản xuất hầu hết đã lạc hậu, công tác xử lý nước thải chưa được cải tiến.
Hiện nay, mỗi ngày, 105 doanh nghiệp đóng tại KCN Biên Hòa 1 xả ra hơn 7.700m3 nước thải. Trong số này, chỉ có 1.100m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, lượng nước thải còn lại được các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm qua đã tạo cho sông Đồng Nai một gánh nặng quá sức so với khả năng tự làm sạch tự nhiên, dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên sông ngày một trở nên trầm trọng.
TP. Hồ Chí Minh đề nghị Đồng Nai dời KCN Trong tháng 6-2013, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, thành viên Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai, đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm triển khai dự án di dời KCN Biên Hòa 1 để giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm cho dòng sông này. Theo đó, là thành viên của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, UBND TP.Hồ Chí Minh nhận thấy việc di dời, chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 mang lại nhiều lợi ích trong việc bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai và ủng hộ việc triển khai dự án này của tỉnh Đồng Nai. UBND TP.Hồ Chí Minh cho rằng, môi trường nước của hệ thống sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi lượng nước thải từ nhiều nguồn, như: công nghiệp, sinh hoạt, nông nghiệp… Tình trạng ô nhiễm sông Đồng Nai tiếp tục tăng và có nguy cơ vượt quá khả năng xử lý của các nhà máy nước. |
Vi Lâm