Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối mặt với biến đổi khí hậu

10:06, 30/06/2013

Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, Đồng Nai đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Nguyên nhân chính là do ô nhiễm môi trường. Hiện Đồng Nai đang có nhiều nỗ lực để bảo vệ môi trường trước những tác động xấu.

Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, Đồng Nai đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Nguyên nhân chính là do ô nhiễm môi trường. Hiện Đồng Nai đang có nhiều nỗ lực để bảo vệ môi trường trước những tác động xấu.

Khoảng 5-6 năm lại đây, thời tiết ở Đồng Nai biến đổi bất thường, nắng hạn, dịch bệnh xảy ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, khiến đời sống của nông dân gặp không ít khó khăn. Những tác động trên là do ảnh hưởng của BĐKH.

* Thiệt hại lớn

Đồng Nai hiện đã hoàn thành kịch bản về BĐKH. Tuy không chịu ảnh hưởng nặng nề như các tỉnh miền Tây hay TP. Hồ Chí Minh, song dự báo thiệt hại do BĐKH mang lại cho địa bàn tỉnh cũng không nhỏ.

Thiếu nước, người dân xã Ngọc Định (huyện Định Quán) đi mua từng can nước.
Thiếu nước, người dân xã Ngọc Định (huyện Định Quán) đi mua từng can nước.

Từ năm 2008 đến nay, thời tiết bất thường ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi, trồng trọt trong tỉnh. Mưa nắng thất thường, làm đảo lộn sinh trưởng của cây trồng, khiến cây ra hoa đậu trái khó khăn, tiếp theo sâu bệnh phát triển mạnh, phức tạp khó phòng trừ nên chi phí đầu vào của nông dân tăng cao, năng suất cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong chăn nuôi, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó điều trị. Ví dụ như 5 năm gần đây, bệnh heo tai xanh liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh và mỗi năm lại có những biến chủng mới khiến công tác phòng trị bệnh thêm khó khăn, tiêu tốn vài chục tỷ đồng cho công tác tiêm phòng và phòng chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm.

Kịch bản ngập lụt

Theo kịch bản của Đồng Nai, BĐKH sẽ làm nhiều diện tích đất bị ngập lụt. Trong đó, chiếm đa số vẫn là đất sản xuất nông nghiệp ở 2 huyện Nhơn Trạch, Long Thành và TP.Biên Hòa. Dự tính đến năm 2020, nước biển dâng sẽ làm 3 địa phương trên ngập lụt hơn 93km2, tương đương hơn 930 hécta. Đến năm 2030, diện tích ngập lụt theo kịch bản cao là 96,4km2, tương ứng diện tích 964 hécta. Đến năm 2050, diện tích ngập lụt theo kịch bản cao là 96,43km2, tương đương trên 960 hécta.

Anh Nguyễn Thanh Sơn, chủ trang trại gà ở ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), nói: “Mấy năm nay, thời tiết khắc nghiệt nên chăn nuôi rất khó khăn. Tỷ lệ hao hụt đàn gà tăng gấp đôi mấy năm trước, ngoài ra thời tiết nắng nóng cũng làm gia tăng nhiều bệnh trên đàn gà. Vì vậy, chi phí đầu vào của chăn nuôi mấy năm lại đây đội thêm khá lớn”.

Ông Sâm Dịch Phi ở xã Bảo Quang (TX.Long Khánh) cho biết: “Mấy năm nay, thời tiết thất thường, cây ăn trái bị sâu bệnh nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng. Để có năng suất buộc nông dân phải tăng đầu tư chi phí đầu vào mỗi năm tăng thêm khoảng 10%”.

Nhiều nông dân trồng sầu riêng, điều và các cây trồng khác đều khẳng định, mấy năm gần đây thời tiết nắng nóng, hạn hán đã khiến năng suất cây trồng giảm đáng kể. Đặc biệt mùa khô năm 2009-2010, khô hạn khốc liệt đã làm hàng chục ngàn hécta cây trồng bị ảnh hưởng năng suất giảm từ 30-60%. Nhiều nơi  của TX. Long Khánh, Định Quán, Tân Phú, Nhơn Trạch và TP. Biên Hòa còn rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

BĐKH làm mặn xâm nhập sâu vào trong đất liền sẽ gây ảnh hưởng đến các vùng nuôi trồng thủy sản tại các huyện Nhơn Trạch và Long Thành. Cụ thể độ mặn tăng cao, sẽ làm giảm năng suất và hạn chế một số loại thủy sản trong tự nhiên. Mặn xâm nhập sâu vào đất liền còn đe dọa nhiều diện tích cây trồng lấy nước tưới từ sông Đồng Nai và khiến tình trạng thiếu nước tưới, nước sinh hoạt trong mùa khô ngày càng gia tăng. Cụ thể năm 2011, do mặn vào sâu nhiều cánh đồng lúa của huyện Nhơn Trạch thiệt hại từ 50-100%.

* Gây ra nhiều hệ lụy

Theo kịch bản BĐKH của Sở Tài nguyên - môi trường, vào năm 2020 trái đất nóng lên, băng tan, nước biển dâng khả năng Đồng Nai sẽ có trên 930 hécta đất sản xuất nông nghiệp ở huyện Nhơn Trạch, Long Thành, TP. Biên Hòa bị ngập. Trong đó, huyện Nhơn Trạch ngập khoảng 510 hécta, Long Thành bị ngập gần 340 hécta và TP. Biên Hòa gần 80 hécta.

Bãi rác Liên Kim Sơn (huyện Long Thành) trước đây (ảnh), hiện nay đã được xử lý để trồng cỏ.
Bãi rác Liên Kim Sơn (huyện Long Thành) trước đây (ảnh), hiện nay đã được xử lý để trồng cỏ.

Ngoài diện tích bị ngập lụt theo kịch bản BĐKH của tỉnh sẽ có 5% đường giao thông ở một số địa phương, như: Nhơn Trạch, Long Thành, TP.Biên Hòa bị ngập lụt, tương đương với khoảng 53km. Nước biển dâng, gây ngập lụt nhiều diện tích cây trồng, đường sá sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp cho khoảng 31 ngàn người dân sinh sống tại các địa phương dễ chịu tác động của BĐKH trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, BĐKH cũng đe dọa đến hệ thống cảng của tỉnh do mưa, lũ bất thường gây sạt lở đất, thiên tai phá hỏng hạ tầng.

Những giải pháp ứng phó

Để giảm bớt tình trạng ảnh hưởng của BĐKH, tỉnh cũng như các địa phương đã từng bước triển khai các biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại. Đối với sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương đang từng bước vận động người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất để hạn chế dịch bệnh, thích ứng với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thời tiết. Các khu công nghiệp có diện tích lấp đầy 50% đều được tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.

Hiện tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tổng thể cho việc đầu tư khắc phục, thích ứng với BĐKH trong thời gian tới với kinh phí thực hiện lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Nai, nhận định: “BĐKH đã có những biểu hiện ngày càng rõ rệt, như năm 2013 cả trong mùa khô, lẫn mùa mưa đều xảy ra nắng nóng. Đặc biệt, có những ngày trong mùa mưa vẫn nắng nóng gay gắt và nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-20C. Lượng mưa trong tỉnh phân bổ không đều”.

Cũng theo ông Huy, trước đây mưa thường theo quy luật, đầu mùa mưa từ phía Bắc tỉnh (vùng Tân Phú, Định Quán) nhiều. Sau đó, mưa sẽ dịch chuyển dần về phía Nam tỉnh, song 5-6 năm lại đây mưa không còn theo quy luật. Khu vực TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom khu vực giáp Biên Hòa và Long Thành, Nhơn Trạch thường có mưa nhiều. Vì vậy xảy ra tình trạng nhiều nơi ở TP.Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành và Trảng Bom mưa ngập đường, nhưng nhiều nơi thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc… lại mưa ít gây thiếu nước sản xuất ngay trong mùa mưa.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều