Sau một thời gian dài “gõ cửa” nhiều bộ, ngành để doanh nghiệp (DN) được xét hưởng các ưu đãi dành cho dự án đầu tư công nghệ cao, cuối tháng 4-2013, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam, vui mừng thông báo: Thủ tướng chính phủ đã chấp thuận về chủ trương để Bosch được hưởng các ưu đãi hiện hành.
Ông Võ Quang Huệ. Ảnh: K.N |
Sau một thời gian dài “gõ cửa” nhiều bộ, ngành để doanh nghiệp (DN) được xét hưởng các ưu đãi dành cho dự án đầu tư công nghệ cao, cuối tháng 4-2013, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam, vui mừng thông báo: Thủ tướng chính phủ đã chấp thuận về chủ trương để Bosch được hưởng các ưu đãi hiện hành. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Huệ về vấn đề này.
* Phóng viên: Cho đến lúc này, Bosch đã đạt được những gì khi đầu tư tại Việt Nam, thưa ông?
- Ông Võ Quang Huệ: Dự án nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô theo công nghệ cao của Tập đoàn Bosch đặt tại Khu công nghiệp (KCN) Long Thành được tổ chức và tiến hành theo kế hoạch đã đặt ra từ đầu. Hiện tại chúng tôi có hơn 800 công nhân làm việc tại đây và vốn đầu tư tính đến cuối năm 2012 đã đạt hơn 100 triệu euro. Cùng với việc Chính phủ đồng ý cho Bosch được hưởng các ưu đãi công nghệ cao, chúng tôi khẳng định Bosch sẽ tiếp tục đề án mở rộng nhà máy sản xuất tại KCN Long Thành, cụ thể sẽ tăng vốn đầu tư lên 230 triệu euro vào năm 2015 với 1.500 nhân viên làm việc tại nhà máy; về sản lượng, sẽ đạt khoảng 5,3 triệu thành phẩm/năm tính từ thời điểm đó.
* Theo ông, những yếu tố nào là quan trọng để giúp một DN được hưởng ưu đãi công nghệ cao?
- Về mặt tiêu chí để DN được xếp vào diện công nghệ cao thì đã có luật, với các yếu tố quan trọng, như: số lượng công nhân viên làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển tại nhà máy; tổng số tiền chi cho nghiên cứu phát triển phải chiếm tỷ trọng nhất định trong tổng doanh số. Ở khía cạnh này, một số nhà đầu tư đã đầu tư tại Vĩệt Nam cũng đang đề nghị Chính phủ xem xét lại để việc thực hiện được thuận lợi. Riêng Bosch, khi đã được chấp thuận được hưởng ưu đãi công nghệ cao, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các tiêu chí theo quy định.
“Các thế mạnh thể hiện rõ trong thời gian qua khiến Việt Nam thu hút đầu tư mạnh là: môi trường đầu tư khá ổn định; nguồn nhân lực dồi dào với nhiều ưu điểm: chăm chỉ, có tinh thần làm việc tốt và trẻ. Tuy nhiên, theo tôi, để công nghiệp hóa tốt hơn, Chính phủ Việt Nam nên đặt trọng tâm phát triển công nghiệp lên cao hơn nữa. Tập đoàn Bosch cũng sẽ đóng góp vào vấn đề này, bằng cách sẽ xây dựng một nhà máy hàng đầu về phụ tùng ô tô tại Việt Nam, xuất khẩu sang khu vực châu Á. Với môi trường ổn định và nguồn nhân lực tốt, chúng tôi tự tin có thể làm được”. |
* Bosch có kế hoạch gì tiếp theo, thưa ông?
- Tập đoàn Bosch trên toàn cầu là một tập đoàn hàng đầu về công nghệ và dịch vụ tiên tiến, nên việc được công nhận là DN công nghệ cao tại Việt Nam một lần nữa khẳng định điều trên. Ngay lúc này, chúng tôi đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch và Bosch sẽ làm đúng chương trình đã đề ra về vốn đầu tư, sản lượng sản phẩm và đặc biệt, chú trọng đến việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm tại chỗ cho 80% các sản phẩm làm ra của Bosch. Và đối với 2 sản phẩm chính, chúng tôi hy vọng sẽ nội địa hóa 100%.
* Dưới góc nhìn của một DN lớn, ông có góp ý nào để Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với các nước trong khu vực về thu hút FDI?
- Sức ép cạnh tranh trong thu hút FDI giữa Việt Nam với khu vực ASEAN cũng như châu Á đang ngày càng lớn hơn. Chúng ta thường xuyên nghe nói đến một “hình ảnh mới” như Myanmar, một “ngôi sao đang lên” như Indonesia. Tuy vậy, với vị trí tổng giám đốc một DN lớn của châu Âu, song lại là người gốc Việt, cá nhân tôi mong muốn rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính, chú trọng các chính sách, đặc biệt là cho ngành công nghiệp hỗ trợ để thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam cần liên tục cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng.
Sản xuất linh kiện ô tô tại nhà máy của Bosch đặt tại Khu công nghiệp Long Thành. Ảnh do Robert Bosch cung cấp. |
Cuối cùng, nhân cuộc trò chuyện này, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chính thức đến chính quyền tỉnh Đồng Nai và các cơ quan hữu quan đã kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp trong suốt chặng đường vừa qua, đặc biệt đối với quá trình kiến nghị để chúng tôi nhận được các ưu đãi cho DN công nghệ cao.
* Xin cảm ơn ông!
“Song song với thực hiện dự án, Bosch cũng đang có kế hoạch cụ thể để tổ chức đào tạo nghề cho người lao động Việt Nam theo tiêu chuẩn Đức. Theo đó, Bosch đang phối hợp với Trường cao đẳng nghề LILAMA 2 nhằm xây dựng chương trình dạy nghề kỹ thuật công nghệ (TGA) theo tiêu chuẩn Đức. Đây là dự án tiên phong mà Bosch và LILAMA 2 hợp tác, được chứng nhận của Phòng Thương mại và công nghiệp Đức. Dự kiến, vốn đầu tư cho riêng dự án này là 2,3 triệu USD cho 2 năm đầu tiên triển khai, sẽ được dùng để mua máy móc theo yêu cầu về chất lượng của Bosch, đồng thời dùng để chi trả lương và phụ cấp hàng tháng cho học viên tham gia đào tạo. Chúng tôi sẽ bắt đầu thực hiện đào tạo vào tháng 10-2013”. |
Vi Lâm (thực hiện)