Việc xây dựng và thống nhất thị trường các nước ASEAN thành một thị trường chung cho nhiều mặt hàng với tên gọi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đang đến gần. Thời gian chuẩn bị cũng không còn nhiều, các doanh nghiệp (DN) đang đứng trước thách thức khi phải vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế để tăng sức cạnh tranh, bước vào sân chơi mới.
Việc xây dựng và thống nhất thị trường các nước ASEAN thành một thị trường chung cho nhiều mặt hàng với tên gọi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đang đến gần. Thời gian chuẩn bị cũng không còn nhiều, các doanh nghiệp (DN) đang đứng trước thách thức khi phải vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế để tăng sức cạnh tranh, bước vào sân chơi mới.
Khi Việt Nam mở cửa chính thức theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), sẽ có nhiều sản phẩm phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu do thuế suất giảm mạnh. Đây là thực tế của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà khi tham gia, Việt Nam buộc phải chấp nhận.
* “Trồi sụt” với kinh tế khó
Tại “Diễn đàn kinh doanh thường niên” lần thứ IV-2013 diễn ra vào trung tuần tháng 4 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận xét nhìn vào các chương trình quảng bá và hỗ trợ của Thái Lan cho DN của họ hiệu quả ra sao mới thấy DN của Việt Nam thiệt thòi nhiều. Trong khi DN Việt Nam đang phải đối mặt với một thị trường lãi suất cao, lạm phát lớn và chi phí “bôi trơn” khá nhiều thì DN Thái Lan được hưởng lãi suất thấp lại được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Những đợt hội chợ hàng Thái hết sức thành công ở nước ngoài nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước rất lớn. Thái Lan đã chuẩn bị cho sự hội nhập này rất kỹ và bài bản.
Sản xuất sợi tại Công ty cổ phần An Phú Thịnh. Ảnh: V.NAM |
Theo bà Hạnh, thực tế, sức mua hiện nay đang kém nên DN trong nước gặp không ít khó khăn, trong khi đó chưa đầy 2 năm nữa là đến thời hạn hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Bà Hạnh trăn trở: “Chúng tôi theo dõi thấy, sau một thời gian thử nghiệm thị trường thành công, hiện nay DN Indonesia đã mở nhiều nhà máy tại Việt Nam, DN Philippines đang “thâu tóm” những sản phẩm hàng tiêu dùng của DN Việt Nam, hàng hóa của Malaysia cũng đang tràn vào Việt Nam gây áp lực cạnh tranh rất lớn”.
Tại cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp cựu chiến binh vừa diễn ra ở Đồng Nai vào cuối tháng 4, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam nhận xét, Việt Nam chịu tác động rất lớn bởi tình hình kinh tế thế giới vì hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài. Hiện 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về vốn, thị trường, trong đó 30% đã phá sản hoặc chờ phá sản. Tuy Chính phủ sớm có nhiều chủ trương, giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng trong giai đoạn thị trường mở cửa cạnh tranh một cách sòng phẳng như hiện nay, bản thân doanh nghiệp phải tự thay đổi, nhất là cần đi vào chiều sâu. B.N |
PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng năm 2015, không chỉ là cộng đồng về kinh tế mà còn cộng đồng an ninh và văn hóa sẽ làm cho ASEAN “liền khối” hơn, tạo ra áp lực phát triển rất lớn, chính vì vậy các DN phải tính toán kỹ. “Nếu không chuẩn bị tốt thì chúng ta lại rơi vào tình huống như thời gian gia nhập WTO. Khi đó cơ hội lại biến thành thách thức vì thời gian hiện nay không còn nhiều”, ông Thiên nói.
* Nguy cơ bị thâu tóm
Bà Hạnh cũng nêu lên một thực tế khác, là trong lúc khó khăn này, doanh nhân Trung Quốc lại “xách giỏ” đi mua DN như mua rau. Bà Hạnh kể: “Đã có một ngân hàng lớn của Trung Quốc tìm đến và đặt vấn đề với tôi nhờ giới thiệu vì họ biết là các DN của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao là những DN đang có chỗ đứng trên thị trường. Thay vì đi mở nhà máy sản xuất mất rất nhiều thời gian xây dựng thương hiệu thì họ xem các DN nào khó khăn muốn bán thì mua và giá không thành vấn đề”.
Theo đó, không chỉ là các DN Trung Quốc mà còn có cả DN Hàn Quốc, Nhật Bản hiện cũng đi theo hướng này. Các DN trong nước khó khăn quá thường chọn hướng bán. Đã có những DN mà tên sản phẩm, tên nhà máy vẫn còn nhưng chủ DN đã là người nước ngoài, và đây đang là một vấn đề cần được xem xét nghiêm túc. Bà Hạnh nhận định, sự bất ổn này không xuất hiện ở bề mặt của nền kinh tế mà đang chìm ở dưới sâu. Nếu không có những chính sách hỗ trợ tốt để DN vượt qua được khó khăn thì tình trạng DN “hồn Trương Ba, da hàng thịt” sẽ ngày một nhiều hơn, các nhãn hàng và tên tuổi uy tín của DN Việt Nam sẽ dần bị “thâu tóm”.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng đại diện văn phòng TP. Hồ Chí Minh của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu nên phải mở rộng thị trường để đẩy hàng đi. Nhưng thực tế, Việt Nam đang ở thế yếu tại sân chơi ASEAN vì kim ngạch hàng Việt xuất sang khối thị trường này nhỏ hơn nhiều so với hàng hóa nhập về. “Tôi cho rằng đây là năm cực kỳ khó khăn nhưng chưa mất cơ hội. Ngoài thị trường ASEAN, Việt Nam còn tham gia rất nhiều hiệp định hợp tác quốc tế khác mà cụ thể là hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (viết tắt là TPP) dự kiến sẽ được ký kết vào tháng 10 sắp tới. Đây cũng là cơ hội tốt cho Việt Nam mở rộng thị trường. Vấn đề là từng địa phương phải làm gì để thu hút đầu tư. Riêng doanh nghiệp cần quan tâm đến việc tái cấu trúc lại hoạt động, đồng thời nên bắt tay với nhau theo hình thức liên kết chuỗi để tự sản xuất được nguyên liệu sản xuất, tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nội địa” - ông Tuấn nói. Bình Nguyên |
Vân Nam