Báo Đồng Nai điện tử
En

Thờ ơ với nhãn hiệu nông sản

10:05, 13/05/2013

Đồng Nai có diện tích tiêu, cà phê, cây ăn trái lớn và đang dần hình thành các vùng chuyên canh, song việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm lại chưa được chú ý.

 

Đồng Nai có diện tích tiêu, cà phê, cây ăn trái lớn và đang dần hình thành các vùng chuyên canh, song việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm lại chưa được chú ý.

Muốn xây dựng thương hiệu cho nông sản, bước đầu tiên doanh nghiệp, nông dân phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

* Không hiểu nên chưa làm?

Thời gian qua, chuyện cà phê Đắk Lắk, nước mắm Phú Quốc… bị đánh cắp nhãn hiệu đã cho thấy tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trong và ngoài nước. Một số doanh nghiệp, nông dân sau đó đã nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm của mình, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), câu lạc bộ (CLB) và các chủ trang trại tỏ ra thờ ơ.

Xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) có vùng chuyên canh tiêu lớn, khá nổi tiếng nhưng chưa đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.          Ảnh: H.Giang
Xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) có vùng chuyên canh tiêu lớn, khá nổi tiếng nhưng chưa đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Ảnh: H.Giang

Ông Trương Văn Trai, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ thuộc Sở Khoa học - công nghệ, cho biết: “Khoảng 2 năm lại đây, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đăng ký nhãn hiệu hàng hóa có tăng lên nhưng vẫn chưa đáng kể”. Tính từ năm 2006 đến nay, cả tỉnh có 23 đơn vị và 8 cá nhân đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Trong số đó, hơn 50% là do chính quyền địa phương vận động và tự bỏ kinh phí để xin cấp giúp các đơn vị, cá nhân. Không ít chủ nhiệm CLB, HTX nơi có diện tích, sản lượng nông sản, trái cây nhiều và khá nổi tiếng trên địa bàn tỉnh tỏ ra lạ lẫm và chưa phân biệt rõ giữa nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu.

TS. Võ Mai, Phó chủ tịch Hiệp hội làm vườn phía Nam, cho biết “Hiện nay, các quy định về đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu chưa rõ ràng nên nhiều đơn vị, cá nhân cứ nghĩ làm sẽ tốn kém. Không đăng ký nhãn hiệu trong và ngoài nước cho những sản phẩm đã nổi tiếng của mình rất dễ bị đánh cắp nhãn hiệu lẫn thương hiệu”. TS. Mai cũng nhấn mạnh, nếu đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trong và ngoài nước, khi phát hiện có đơn vị, cá nhân nào giả nhãn hiệu của mình có thể kiện buộc họ ngưng sử dụng nhãn hiệu đó.

Thực tế, thủ tục xin cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa trong nước không tốn kém nhiều, chỉ có xây dựng thương hiệu mới đòi hỏi nhiều chi phí.

* Mở ra nhiều cơ hội

Một số đơn vị, cá nhân sau khi có được nhãn hiệu hàng hóa đã đầu tư xây dựng, quảng bá thương hiệu của mình để có đầu ra ổn định, giá cao. Ví như HTX sinh vật cảnh Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), Trại gà Thanh Đức ở xã Xuân Phú, HTX xoài Suối Lớn ở xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), cơ sở Nhân Hòa ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu)…

Xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) nổi tiếng có chôm chôm, sầu riêng ngon.              Ảnh: H.Giang
Xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) nổi tiếng có chôm chôm, sầu riêng ngon. Ảnh: H.Giang

Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ cơ sở Nhân Hòa ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Năm 2008, đăng ký xong nhãn hiệu hàng hóa, tôi yên tâm đầu tư xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm của mình. Trước khi có nhãn hiệu, mỗi năm cơ sở chỉ bán được 30 ngàn lít rượu bưởi/năm, nay tăng gấp đôi và lời khoảng 10 ngàn đồng/lít”. Để tăng sản phẩm bán ra, mỗi năm cơ sở bỏ ra khoảng 200 triệu đồng cho quảng bá thương hiệu.

Để sản phẩm của mình không bị đánh cắp nhãn hiệu, ngoài đăng ký trong nước, các đơn vị, cá nhân nên đăng ký nhãn hiệu ngoài nước. Điều này đặc biệt hữu ích khi sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài - ông Trương Văn Trai, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ thuộc Sở Khoa học - công nghệ, cho biết.

Tương tự, ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại gà Thanh Đức ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Để nhãn hiệu trứng gà sạch Thanh Đức không bị “đánh cắp”, tôi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa từ năm 2008. Hiện trứng gà sạch của tôi được thị trường trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh khá tin tưởng, đầu ra rất ổn định”.

Hiện nay, trong tỉnh có khá nhiều vùng chuyên canh lớn và có chất lượng cao được nhiều người tiêu dùng ưa thích, như: chôm chôm, sầu riêng, tiêu, ổi ở TX. Long Khánh và các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ; quýt, xoài huyện Định Quán; mãng cầu Tân Phú nhưng vẫn chưa đăng ký nhãn hiệu.

“Rất hiếm đơn vị, cá nhân tự xin cấp chứng nhận hàng hóa. Do đó, huyện sẽ hỗ trợ một số vùng đăng ký nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu để nông sản đủ sức cạnh tranh thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu” - Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, Nguyễn Thị Cát Tiên nói.

   Hương Giang

 

 

 

 

 

                            

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích