Là đầu vào của xây dựng nên ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) suốt 3 năm gần đây liên tục gặp khó khăn. Đặc biệt trong năm 2013, tình trạng hàng tồn kéo dài, chiếm dụng vốn tăng khiến cho các nhà sản xuất VLXD càng trở nên vất vả hơn.
Là đầu vào của xây dựng nên ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) suốt 3 năm gần đây liên tục gặp khó khăn. Đặc biệt trong năm 2013, tình trạng hàng tồn kéo dài, chiếm dụng vốn tăng khiến cho các nhà sản xuất VLXD càng trở nên vất vả hơn.
“Ngân hàng có giảm lãi suất thấp hơn nữa thì doanh nghiệp (DN) sản xuất VLXD cũng không có nhu cầu vay. Vấn đề giờ đây không phải là vốn, mà gạch làm ra bán không ai mua” - anh Lê Văn Thịnh, chủ một lò gạch ở huyện Long Thành cho biết.
* Lò gạch mất “lửa”
Cuối năm 2011, anh Thịnh phá bỏ chiếc lò gạch cũ để xây dựng chiếc lò Hoffman có công suất hơn 30 ngàn viên/ngày. Anh cho biết, giữ lò gạch cũ không hiệu quả vì tốn nhiên liệu và chất lượng gạch không cao nên rất khó cạnh tranh. Theo tính toán của anh, đầu tư chiếc lò mới và hệ thống sân phơi trị giá gần 1 tỷ đồng, chỉ trong 2 năm là có thể thu lại vốn. Đến nay, anh Thịnh phải thừa nhận việc thu hồi vốn theo dự tính là không thể. Chiếc lò cứ giảm lửa dần, hiện chỉ hoạt động 50% công suất. Đã vậy, lượng hàng trị giá hơn 300 triệu đồng cũng đang bị khách chiếm dụng làm cho DN khó càng khó thêm. “Tôi cung cấp gạch chủ yếu cho khu vực Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đây gạch bán lấy tiền liền, còn bây giờ phải bán thiếu họ mới lấy. Một số nơi gần nửa năm nay vẫn chưa chịu thanh toán” - anh Thịnh nói.
Sản xuất cát nhân tạo tại Công ty cổ phần Hóa An. |
Nghịch lý ở chỗ, trong khi đầu ra gặp khó thì nguyên liệu đầu vào của sản xuất gạch lại tăng giá, khó tìm. Ông Nguyễn Quang Hộ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thăng Long, chuyên sản xuất gạch ở huyện Vĩnh Cửu, cho hay giá đất sét tăng chóng mặt, hiện tại ông đang phải mua với giá hơn 40 ngàn đồng/m3, tăng 8 ngàn đồng/m3 so với năm ngoái. Nhiên liệu đốt trước đây là bìa cây (phần xẻ bên ngoài cây gỗ), hiện nay các xưởng cưa tận dụng để bán cho các DN sản xuất dăm gỗ nên chỉ còn bán cho lò gạch phần vỏ cây; mùn cưa cũng khó mua hơn do sản phẩm này được các nơi sản xuất nấm và làm ván okal mua mạnh. Qua khảo sát cho thấy, các khu vực sản xuất gạch nhiều, như: Long Thành, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa, phần lớn các lò ở đây đều giảm sản xuất từ 30-50%.
* Tôn, thép nặng gánh
Lĩnh vực sắt, thép và xi măng trong 2 năm qua được xem là có lượng tồn kho lớn nhất. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thép Tiến Lên, chia sẻ không phải năm nay thị trường thép mới tiêu thụ chậm mà liên tục mấy năm gần đây giá thép luôn giảm. Từ giữa quý I năm nay, thị trường thép lại càng xấu, sản lượng các nhà máy đều phải giảm. Lượng thép tiêu thụ của Tập đoàn thép Tiến Lên năm nay đã giảm tới 20% so với năm 2012. Hiện tại chỉ có những DN có tiềm lực kinh tế tốt mới có khả năng chống đỡ.
Sản xuất gạch tại Hợp tác xã Thăng Long. Ảnh: V.NAM |
Ông Hồ Văn Châu, Quản đốc Nhà máy sản xuất cát nhân tạo của Công ty cổ phần Hóa An, cho biết sản lượng cát sản xuất của nhà máy hiện tại chỉ bằng 30%, tức khoảng 6 ngàn tấn/tháng, trong khi giai đoạn cao điểm các năm trước có thể đạt 20 ngàn tấn/tháng. |
Ở lĩnh vực tấm lợp, đại diện Nhà máy sản xuất tôn Tuấn Hoàng Ngọc Sơn (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) cũng cho hay, lượng hàng của nhà máy đã giảm trung bình 100 tấn tôn và thép các loại/ tháng so với năm ngoái. Chị Hoàng Hoài Như, Trưởng phòng kinh doanh, cho biết trước tình hình khó khăn như hiện nay, nhà máy không dám trữ nguyên liệu nhiều mà sản xuất đến đâu mua nguyên liệu đến đó. Nhiều nhà máy tôn ở phường Hố Nai, Tân Biên, TP.Biên Hòa cũng đang lâm vào cảnh “chợ chiều” do bí đầu ra.
Theo nhận định của các chủ DN sản xuất VLXD thì khả năng phục hồi của ngành này còn khá lâu, chính vì vậy phương án hiện nay của các DN là “liệu cơm gắp mắm” để cố gắng tránh lỗ.
Vân Nam