Báo Đồng Nai điện tử
En

Giày dép xuất khẩu đón làn gió mới

10:05, 24/05/2013

Từ cuối năm 2012, ngành sản xuất giày dép xuất khẩu bị chựng lại, khiến nhiều doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng. Thế nhưng, sang năm 2013 ngành sản xuất này lại đột ngột tăng tốc...

Ngành sản xuất giày dép xuất khẩu bỗng dưng bị “mất nhiệt” từ cuối năm 2012 khiến nhiều doanh nghiệp (DN), kể cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng bị sụt giảm đơn hàng. Công nhân ở nhiều DN được vận động nghỉ phép do không có việc. Thế nhưng, sang năm 2013 ngành sản xuất này lại tăng tốc đột ngột.

Từ tháng 2-2013, tình hình hoạt động của ngành sản xuất giày dép xuất khẩu sôi động hẳn lên. Nhiều DN tất bật tăng ca để kịp giao hàng.

* Hàng về rộ

Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân Công ty TNHH Hwaseung Vina (huyện Nhơn Trạch), cho biết kể từ tháng 2 đến nay công ty thường xuyên tổ chức tăng ca sản xuất cho kịp hàng. “Tăng ca hơi cực một chút nhưng còn có thêm tiền. Trước Tết Nguyên đán 2013,  công ty ít việc nên tổ chức cho công nhân thay phiên nghỉ phép năm, nhiều người rất lo lắng” - chị Hà chia sẻ.

Sản xuất giày tại Công ty TNHH Nam Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu).          Ảnh: V.Nam
Sản xuất giày tại Công ty TNHH Nam Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: V.Nam

Anh Nguyễn Văn Lộc, công nhân Công ty  TNHH giày Việt Vinh (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom), cũng cho hay công nhân ở đây hiện được tăng ca thoải mái do đơn hàng về rất nhiều. Không chỉ những DN lớn có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều DN sản xuất giày dép xuất khẩu trong nước năm nay cũng chủ động được đơn hàng. Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu), cho biết đối với sản phẩm xuất khẩu, đến nay công ty đã ký hợp đồng sản xuất đến hết năm 2013. “Về xuất khẩu, đơn hàng của công ty năm nay khá ổn, hiện chúng tôi đang tập trung mạnh cho sản phẩm tiêu thụ trong nước là giày thể thao ProWin” - ông Vũ nói.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hiện Việt Nam đang xuất khẩu giày dép sang 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm chỉ có 8 thị trường giảm so với cùng kỳ, còn lại đều tăng trưởng tốt. 4 quốc gia đứng đầu về nhập khẩu giày dép của Việt Nam là: Mỹ với hơn 545 triệu USD, Anh trên 107 triệu USD, Bỉ trên 105 triệu USD và Nhật Bản trên 101 triệu USD.

Phó giám đốc Công ty cổ phần giày dép cao su màu (Casum) Phạm Thị Uyên Thi cho rằng mặc dù kinh tế ở các thị trường châu Âu, Mỹ vẫn còn khó khăn, nhưng đơn hàng sản xuất lại tốt hơn mọi năm, một phần vì có sự dịch chuyển thị trường nhập khẩu. Theo đó, ngoài việc một số DN của Nhật Bản và các quốc gia khác chuyển nhập khẩu từ thị trường từ Trung Quốc sang Việt Nam làm tăng lượng đơn hàng thì nhiều nhà nhập khẩu cũng đang “sàng lọc” khá gay gắt ở các thị trường khác, những DN nào trụ được thì có nhiều đơn hàng, còn không thì vẫn thiếu. Đến nay Casum đã ký đủ hợp đồng sản xuất cho hàng mùa đông và đang chờ hợp đồng làm sản phẩm mùa hè năm tới.

* Cơ hội mới

Theo nhận định của Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của ngành có khả năng đạt khoảng 9,7 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012, trong đó riêng xuất khẩu giày dép đạt khoảng 8 tỷ USD.

Lefaso đưa ra nhận định này là có cơ sở, bởi ngay từ ngày 1-1-2014, giày dép xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) giai đoạn năm 2014-2016. Thấy được lợi thế này, các nhà nhập khẩu đã mạnh dạn đặt hàng “đón gió”. Một kỳ vọng nữa của các DN sản xuất giày dép xuất khẩu trong nước là khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực (dự kiến 2015) thì thuế suất nhiều chủng loại giày dép của Việt Nam vào EU sẽ là 0%. Đây cũng là một lợi thế lớn để giày dép Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia khác. Hiện tại, Việt Nam là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu giày dép vào EU và Mỹ, sau Trung Quốc.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết quý I năm nay xuất khẩu giày dép sang thị trường EU của Việt Nam đạt kim ngạch 573 triệu USD, cao hơn cả thị trường Mỹ.

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích