Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp (DN) để tháo gỡ những khó khăn về vốn tín dụng và thị trường do UBND tỉnh vừa được tổ chức ngày 9-5. Những chia sẻ của DN tiếp tục cho thấy, kinh tế vẫn khó khăn, nhưng ý chí của không ít DN vừa và nhỏ vẫn đầy “máu lửa” vượt khó.
Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp (DN) để tháo gỡ những khó khăn về vốn tín dụng và thị trường do UBND tỉnh vừa được tổ chức ngày 9-5. Những chia sẻ của DN tiếp tục cho thấy, kinh tế vẫn khó khăn, nhưng ý chí của không ít DN vừa và nhỏ vẫn đầy “máu lửa” vượt khó.
Câu chuyện về vốn vẫn là chủ đạo của buổi gặp gỡ. Các ngân hàng đều khẳng định, nguồn vốn hiện nay dồi dào và đang rất cần cho vay. Không chỉ vậy, ngân hàng còn đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp. Tuy nhiên, DN vẫn kêu “không vay được”.
* Tiếp cận không dễ
Ông Nguyễn Quốc Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Mê Kông, cho biết khi cần vốn, ông đã gõ cửa ngân hàng xin vay tín chấp nhưng không được, thậm chí dùng chính lô hàng gỗ nhập khẩu của mình để thế chấp cũng không xong. “Ngồi dưới này nghe các ngân hàng giới thiệu về ưu đãi vốn cho vay thấy “đã” lắm, nhưng tiếp cận thì không dễ chút nào” - ông Chiến nhận xét.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Hố Nai, phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Giới |
Theo ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, nguyên nhân dẫn đến việc giữa ngân hàng và DN không gặp nhau là do “niềm tin bị đổ vỡ”. Ngân hàng thì lo tăng nợ xấu nên phải siết chặt việc thẩm định, tài sản thế chấp của DN bị định giá thấp và khó vay được bằng tín chấp.
Ông Bình nói: “Bây giờ thấy tổng giám đốc cũng thành nhân viên thu nợ, cán bộ tín dụng trở thành người bảo vệ canh gác kho hàng. Vậy làm sao dám cho vay khi điều kiện không chắc chắn?”.
Cũng theo ông Bình, muốn hai bên hiểu được nhau thì cán bộ tín dụng phải xuống cùng với DN giám sát tài chính, phương án kinh doanh, xem xét tài sản kể cả tài sản không có pháp lý và nhất là đánh giá công việc kinh doanh hàng ngày của DN để thấy dòng tiền quay trở lại như thế nào, lúc ấy ngân hàng sẽ mạnh dạn cho vay bằng cả hình thức tín chấp và thế chấp. Có như vậy mới giải tỏa tình trạng bí bách hiện nay.
* Thời khó lại phải kiếm lãi cao
Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hố Nai tính toán để đầu tư nhà xưởng và máy móc, nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu phải tốn khoảng 1 triệu USD. Thường thì chủ DN phải vay 50% (hơn 10 tỷ đồng), với lãi suất 10% như hiện nay, chủ DN phải trả lãi hơn 80 triệu đồng/tháng. “Trong lúc kinh tế khó như hiện nay thì DN kiếm đâu ra lợi nhuận cao để trả khoản lãi ấy, đó là điều rất khó”, ông Quý phân trần. Ông cũng kiến nghị Nhà nước cần xem lại chính sách về giá cho thuê đất hiện nay tăng lên quá cao ngay vào thời điểm kinh tế khó khăn, gây ra áp lực rất lớn cho DN, cụ thể giá đất đang từ 2 ngàn đồng/m2 tăng lên 18 ngàn đồng/m2, đồng nghĩa với việc chủ DN phải đóng thêm 160 triệu đồng mỗi năm cho 1 hécta đất thuê.
Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Phan Hồ Nhật, Giám đốc Công ty cổ phần gốm Đồng Tâm cho rằng nên nghiên cứu những chính sách phù hợp với điều kiện hiện nay để hỗ trợ tốt hơn cho các DN tạo sự cạnh tranh. Ông Nhật cho hay, các DN ngành gốm làm hàng xuất khẩu trong nước đang bị các DN của Malaysia, Trung Quốc cạnh tranh rất mạnh do họ có những điều kiện tốt hơn. Theo ông Nhật, nguồn vốn cho DN vay trung và dài hạn để đầu tư máy móc cần có lãi suất thấp hơn nữa, và đối với những DN làm hàng xuất khẩu ổn định, có thể cho vay trung, dài hạn bằng USD để bớt gánh nặng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cũng chia sẻ khó khăn với các DN và cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Chính phủ, kiến nghị xem xét về một số chính sách chưa hợp lý. Những vấn đề UBND tỉnh vẫn đang nỗ lực cải thiện là hạ tầng và cải cách hành chính.
Khắc Giới