Trên 60 hộ theo nghề làm tàu hũ ky mỗi tháng cung cấp cho thị trường trên chục tấn sản phẩm. Nghề này đã mang lại thu nhập khá ổn định cho nhiều hộ dân ở 2 xã Xuân Hiệp và Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc).
Trên 60 hộ theo nghề làm tàu hũ ky mỗi tháng cung cấp cho thị trường trên chục tấn sản phẩm. Nghề này đã mang lại thu nhập khá ổn định cho nhiều hộ dân ở 2 xã Xuân Hiệp và Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc).
Nhu cầu thực phẩm chay ngày càng cao, đặc biệt ở các đô thị lớn, do đó tàu hũ ky Xuân Lộc ngày càng bán chạy, vì được coi là thực phẩm sạch, sản xuất từ đậu nành.
* Khá lên nhờ tàu hũ
Anh Đỗ Văn Tiến ở ấp Tân Tiến (xã Xuân Hiệp), người có thâm niên nhiều năm trong nghề, cho biết: “Tôi làm nghề tàu hũ ky từ đầu năm 1990, đến năm 1998 thì mở lò ở đây. Cả 5 anh, chị em trong gia đình đều theo nghề này, những người xung quanh đây cũng học nghề từ gia đình tôi rồi ra mở lò. Giờ chỉ tính trong xã này cũng đến 30 hộ, còn ở xã Xuân Hưng cũng khoảng trên dưới 30 hộ”. Thu nhập từ nghề làm tàu hũ ky cao hơn hẳn so với các hộ dân sản xuất nông nghiệp bình thường, như: trồng bắp, lúa, đậu hay điều. Chỉ riêng công nhân làm trong các lò tàu hũ ky ở đây mỗi ngày cũng được trả công từ 200-250 ngàn đồng. Nhiều gia đình trước đây khá khó khăn, nhưng từ khi làm nghề này đã xây được nhà đẹp, mua xe, có điều kiện cho con cái ăn học.
Công nhân sắp tàu hũ ky để giao cho khách tại lò của anh Đỗ Chung Tình. Ảnh: H.Đăng |
Theo hạch toán của anh Tiến, mỗi tháng, các lò của gia đình anh sử dụng khoảng 60 tấn đậu nành và đưa ra thị trường trên 5 tấn tàu hũ ky thành phẩm, thu nhập đạt 300 triệu đồng/tháng. Anh Tiến cho biết, để có sản phẩm ngon phải sử dụng đậu nành chất lượng cao, và hầu hết các lò tại đây sử dụng loại đậu nành nhập khẩu từ nước ngoài.
Anh Đỗ Chung Tình (xã Xuân Hiệp) cũng là người làm tàu hũ ky khá nổi tiếng. Anh Tình cho biết hàng ở khu vực 2 xã Xuân Hiệp, Xuân Hưng hầu hết đều đem giao cho những đầu mối ở Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh), từ đây hàng sẽ được phân phối đi các tỉnh lân cận. Anh Tình bộc bạch, tàu hũ ky được làm nhiều nhất vào 4 tháng là 6, 7, 11 và 12 âm lịch, do nhu cầu thị trường phục vụ những bữa ăn chay của người theo đạo Phật.
* Hướng đến xây dựng thương hiệu
Anh Nguyễn Văn Quân, cán bộ quản lý các ngành nghề tập thể tại xã Xuân Hiệp cho biết các lò sản xuất tàu hũ nơi đây có quy mô vừa và nhỏ (trên dưới 20 chảo) nên sức cạnh tranh yếu hơn so với các lò ở TP. Hồ Chí Minh hay một số tỉnh miền Tây (thường có quy mô lớn từ 30 chảo trở lên). “Thời gian tới, chúng tôi sẽ hướng dẫn các hộ thành lập hợp tác xã, từ đó sẽ sử dụng chung một thương hiệu. Ngoài ra, các hộ còn có thể trao đổi thêm kinh nghiệm trong sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh với các làng nghề khác” - anh Quân nói.
Công nhân đang làm tàu hũ ky tại lò của anh Đinh Văn Phong. |
Bên cạnh những lò truyền thống, hiện các lò tàu hũ ky tại đây đang đổi mới bằng công nghệ sử dụng lò hơi nước. Theo anh Đinh Văn Phong, chủ một lò tàu hũ ky ở đây, công nghệ này vừa tiết kiệm nhiên liệu đốt vừa đảm bảo vệ sinh và an toàn cho người làm việc. Tuy nhiên, chi phí ban đầu cho một lò hơi cung cấp cho 20 chảo nấu sữa khoảng 200 triệu đồng, là một số tiền khá lớn đối với những người dân nơi đây nếu muốn thay đổi đồng loạt.
Các hộ sản xuất tàu hũ ky ở đây đều cho rằng, về lâu dài sẽ phải chuyển đổi sang công nghệ nấu bằng lò hơi để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời phải tìm được những thị trường mới vì hiện tại vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái ở Chợ Lớn.
Hải Đăng