Theo thống kê, mỗi năm, nông dân trong tỉnh dùng khoảng 100 ngàn tấn phân hóa học bón cho các loại cây trồng. Trong quá trình sử dụng, nhiều nông dân còn lạm dụng, dẫn đến vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê, mỗi năm, nông dân trong tỉnh dùng khoảng 100 ngàn tấn phân hóa học bón cho các loại cây trồng. Trong quá trình sử dụng, nhiều nông dân còn lạm dụng, dẫn đến vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường.
Ủ phân hữu cơ bón cho tiêu ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom). Ảnh: H. Giang |
Các loại phân hóa học phổ biến được nông dân Đồng Nai dùng nhiều, bao gồm: ure, lân, kali, NPK và DAP. Bón phân hóa học có ưu điểm là tốn ít công, cây trồng tốt lên trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, nếu sử dụng phân hóa học không đúng liều lượng, đúng cách, sẽ không mang lại hiệu quả.
* Lãng phí hàng triệu tấn
Hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón cho cây trồng của nông dân trong nước khoảng 8 triệu tấn/năm. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, lượng phân bón hóa học thực tế mà cây trồng hấp thụ được chỉ gần 50%. Như vậy, mỗi năm có hàng triệu tấn phân bón bị dư thừa lãng phí trong đất. Lượng phân bón dư thừa này sẽ làm đất đai bị chai cằn, gây ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm. Dùng phân bón hóa học đủ, hợp lý sẽ đem lại nhiều lợi cho nông dân, giảm chi phí đầu vào, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, cây trồng phát triển tốt cho năng suất chất lượng cao, đồng thời môi trường được bảo vệ.
Lãng phí phân bón cũng đồng thời với việc giảm lợi nhuận trên đồng ruộng. Những năm gần đây, giá phân bón liên tục leo thang gây nhiều khó khăn cho nông dân. Hiện nay, giá các loại phân hóa học phổ biến, như: ure, kali… đã tăng gần 2-4 lần so với cuối năm 2006, đẩy giá thành sản xuất lên cao, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận.
PGS. TS. Mai Thành Phụng - Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, thế giới ngày càng quan tâm đến an toàn thực phẩm và chất lượng nông sản, nhiều quốc gia phát triển chuyển hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng dùng phân hữu cơ. Do đó, khi nhập khẩu vào, nông sản bị kiểm tra rất gắt gao về chất lượng. Thực tế cho thấy, nhiều loại nông sản xuất khẩu của Việt Nam đến các thị trường khó tính vẫn có chất tồn dư, như: nitrat, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật… vượt ngưỡng cho phép và bị trả lại. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang khuyến cáo nông dân tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng và giảm phân hóa học để từng bước hướng tới nền nông nghiệp bền vững.
* Bón vừa đủ, hiệu quả cao
Trên thực tế, phân hóa học vẫn là thành phần không thể thiếu được trong quá trình chăm bón cây trồng vì theo tính toán, bón phân góp phần đẩy năng suất của cây trồng lên từ 20-50%. Song, muốn đem lại hiệu quả cao, đòi hỏi nông dân phải dùng đủ, đúng. PGS. TS. Mai Thành Phụng tư vấn: “Bón phân cân đối và hợp lý làm tăng năng suất, chất lượng nông sản, cụ thể làm tăng hàm lượng chất khoáng, protein, đường và vitamin cho sản phẩm. Tuy nhiên, nếu bón quá liều lượng, thiếu cân đối có thể làm giảm năng suất, chất lượng nông sản và gây ô nhiễm môi trường”.
Ông Trần Việt Cường, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Cẩm Mỹ, nhận định: “Hiện tại, chưa có nhiều hộ ý thức được cần phải bón phân hóa học đầy đủ và hợp lý, một phần do việc này đòi hỏi nông dân phải nắm rõ loại đất mình đang canh tác, cây trồng trên đất đó cần bổ sung các dưỡng chất gì và vào những thời điểm nào. Cần nắm được đầy đủ để giảm tình trạng dư thừa phân hóa học trong đất vừa gây lãng phí lại ảnh hưởng đến môi trường”.
Khi có kiến thức đầy đủ về sử dụng phân bón, nhiều nông dân cho biết, hiệu quả cao hơn và chi phí đầu vào giảm. Ông Trần Hữu Thắng (ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) - nông dân nhiều năm liền trồng tiêu đạt năng suất cao, cho biết: “Chi phí đầu vào cho cây tiêu của tôi thấp hơn nhiều hộ canh tác theo phương pháp truyền thống, nhưng năng suất 6 năm qua đều đạt 8-10 tấn/hécta/năm. Nguyên nhân là do tôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tốt, đồng thời chú trọng việc bón phân cân đối, đầy đủ để cây sinh trưởng tốt”.
Hương Giang