Báo Đồng Nai điện tử
En

Rút ngắn đường đi của nông sản

09:08, 13/08/2012

2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã có buổi giao thương giữa các nhà sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả với các siêu thị, các chợ và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực suất ăn công nghiệp để tìm đầu ra cho nông sản.

 

2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã có buổi giao thương giữa các nhà sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả với các siêu thị, các chợ và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực suất ăn công nghiệp để tìm đầu ra cho nông sản.

Trong đó, vấn đề rút ngắn các khâu trung gian trong phân phối sản phẩm để nông sản đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý được đặt ra. Hiện tại, Đồng Nai được đánh giá là một thị trường tiêu thụ lớn đầy tiềm năng cho nông sản Lâm Đồng.

* Khâu trung gian đẩy giá lên

Ông Dương Đức Đại, Phó chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, huyện là vùng rau lớn, sản lượng rau, củ đạt trên 60 ngàn tấn/năm, chiếm 2/3 sản lượng rau của Lâm Đồng. Trong đó, rau an toàn sản xuất theo hướng công nghệ cao chỉ chiếm từ 10 - 20%. Khó khăn hiện nay là ở khâu tiêu thụ vẫn dưới dạng tự túc, tự phát, nhỏ lẻ, từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng hoặc đơn vị có nhu cầu sử dụng sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian với giá bán và chất lượng chênh lệch khá xa. Ông Đại dẫn chứng: “Về tham quan chợ Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, hỏi ra mới biết một kg cà chua loại thường có giá 12 ngàn đồng/kg, trong khi tại vườn Đà Lạt hiện chỉ khoảng 4,5 ngàn đồng/kg cà loại 1”. Theo đó, chính khâu phân phối phải qua quá nhiều “mắt xích” nên thị trường nông sản hiện nay mới “vàng thau lẫn lộn”, khó phân biệt giữa rau an toàn và rau mất an toàn, rau Trung Quốc đội lốt hàng Đà Lạt… Điều này tạo kẽ hở cho gian thương thao túng thị trường mà cả nông dân và người tiêu dùng đều chịu thiệt hại.

Các hợp tác xã, doanh nghiệp nông sản của Lâm Đồng giới thiệu rau, quả tại buổi giao thương với Đồng Nai. Ảnh: B. Nguyên
Các hợp tác xã, doanh nghiệp nông sản của Lâm Đồng giới thiệu rau, quả tại buổi giao thương với Đồng Nai. Ảnh: B. Nguyên

Cùng quan điểm trên, ông Đặng Đình Dũng, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Đức Trọng - Lâm Đồng so sánh, nông sản từ trang trại đến chợ đầu mối ở Đà Lạt có chi phí tăng thêm khoảng 10% giá bán. Nhưng giá nông sản ở chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh so với ở Lâm Đồng chênh lệch lên đến 70 - 80%. Từ chợ lớn về các chợ nhỏ rồi tới tay tiểu thương, giá bán lại tiếp tục tăng thêm.

Đại diện Ban quản lý chợ Long Thọ, huyện Nhơn Trạch thừa nhận, việc phân phối hàng nông sản tại chợ chủ yếu do những tiểu thương có điều kiện đầu tư xe tải đi lấy hàng rồi bán lại cho các tiểu thương khác. Chính vì vậy, từ giá bán đến nguồn gốc sản phẩm đều rất khó kiểm soát.

* Rút ngắn khâu phân phối

“Hiện nay, nguồn nông sản, rau, quả từ Đà Lạt chủ yếu vẫn tâp trung về các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh rồi được phân phối về các tỉnh, thành lân cận. Việc phân phối hàng hóa qua nhiều tầng, nấc này khiến giá nông sản, rau, quả bị đẩy lên cao trong quá trình đi từ trang trại đến tay người tiêu dùng” - ông Đặng Đình Dũng nói.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Nai cho biết, chương trình giao thương giữa 2 tỉnh nhằm kết nối để đưa nông sản Đà Lạt về các chợ, siêu thị của Đồng Nai. Qua đó, hình thành một số điểm tập kết nông sản trên địa bàn tỉnh mang tính chất như chợ đầu mối tại một số địa phương có tính kết nối khu vực. Mặt khác, nhiều mặt hàng trái cây của Đồng Nai sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn thị trường Lâm Đồng.

Theo ông Dũng, với tiềm năng thị trường của một tỉnh công nghiệp, Đồng Nai hoàn toàn có đủ điều kiện tổ chức những chợ đầu mối riêng về nông sản, thực phẩm. Chính vì vậy, vừa qua, khoảng 40 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông sản của tỉnh Lâm Đồng đã tham gia đoàn giao thương đến Đồng Nai với mục tiêu đưa nông sản Đà Lạt vào các hệ thống siêu thị, các chợ của tỉnh, thành này, rút ngắn bớt các khâu trung gian.

Ngoài việc phân phối qua các chợ, nông sản có chất lượng còn có thể tìm cách đến trực tiếp bếp ăn của những doanh nghiệp lớn, hàng chục ngàn công nhân. Đại diện Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) cho biết, hiện bếp ăn tập thể của nhà máy đang phục vụ khoảng 14 ngàn công nhân, lao động. Nhiều công ty, doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Bàu Xéo đều tổ chức bếp ăn tập thể với nhu cầu rất lớn về mặt hàng nông sản, thực phẩm. Theo đó, nhiều công ty có số lượng công nhân lớn vẫn có thói quen sử dụng nguồn hàng từ các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh. Điều này càng bất hợp lý trong tình hình chi phí vận chuyển không ngừng tăng giá như hiện tại, khi rau, quả được vận chuyển từ Đà Lạt đi qua địa bàn Đồng Nai về TP. Hồ Chí Minh rồi được đưa ngược trở lại Đồng Nai để tiêu thụ.

Ông Đinh Thêm, Giám đốc Công ty TNHH Rạng Đông (TP. Biên Hòa) chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cũng bày tỏ quan điểm: Đồng Nai nên có chợ đầu mối về nông sản, thực phẩm. Ông Thêm tính toán, hiện trung bình Công ty TNHH Rạng Đông cung cấp khoảng 20 ngàn suất ăn/ngày, lượng nông sản, thực phẩm tiêu thụ thường ở mức 4 tấn rau, củ và trên 1 tấn thịt, cá các loại. Việc có đầu mối mua hàng giá rẻ ngay tại địa phương hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp trong lĩnh vực bếp ăn công nghiệp nhờ tiếp cận được nguồn hàng với giá tốt hơn.

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích