Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu tá không quân “mê” cầu đường

09:07, 29/07/2012

Học 7 năm tại Trường đại học hàng không Kiev (Liên Xô, nay thuộc Ukraine), đến năm 1974, ông Nguyễn Đình Hùng trở về nước và được điều đến làm cán bộ kỹ thuật tại Bộ Tư lệnh Phòng không - không quân (Bộ Quốc phòng), rồi trở thành Trưởng khoa ở Trường sơ cấp kỹ thuật không quân Biên Hòa, sau đó  về công tác tại Sư đoàn không quân 370.

 

Học 7 năm tại Trường đại học hàng không Kiev (Liên Xô, nay thuộc Ukraine), đến năm 1974, ông Nguyễn Đình Hùng trở về nước và được điều đến làm cán bộ kỹ thuật tại Bộ Tư lệnh Phòng không - không quân (Bộ Quốc phòng), rồi trở thành Trưởng khoa ở Trường sơ cấp kỹ thuật không quân Biên Hòa, sau đó  về công tác tại Sư đoàn không quân 370.

Ông Nguyễn Đình Hùng (bên phải) đang kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ảnh: K. Giới
Ông Nguyễn Đình Hùng (bên phải) đang kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ảnh: K. Giới

Năm 1996, nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá, ông lao ngay vào làm kinh tế. Đất nước đang trong giai đoạn phát triển, ông lại là người có tay nghề kỹ thuật tốt về cơ khí nên “đất” dụng võ khá rộng. Ông tham gia vào một hợp tác xã chuyên thi công cơ khí cho các công trình xây dựng cầu đường.

Sau 8 năm theo nghề, năm 2004, ông Hùng quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Hồng Yến. Thế mạnh của Hồng Yến là gia công sản xuất các sản phẩm cơ khí bằng sắt, thép, gang, inox, đồ điện. Ông Hùng đã chọn một  “góc hẹp”  trong lĩnh vực xây dựng cầu đường để phát triển, đó là thi công các hạng mục phụ, như: hộp nối cọc bê tông, làm ván khuôn bằng thép để đúc dầm cầu, hộ lan, lan can cầu bằng thép không gỉ, ống vách cọc khoan nhồi, cột đèn chiếu sáng…

 Nhiều người nói đùa, doanh nghiệp (DN) của ông là “DN phụ trợ của ngành công nghiệp cầu đường”. Nhờ vào tay nghề tốt, các sản phẩm thi công đạt chất lượng cao lại luôn có mức giá khá mềm nên DN tư nhân Hồng Yến liên tục trúng thầu ở những công trình lớn và trở thành nhà thầu phụ của một số tổng công ty xây dựng. Ông Hùng luôn theo sát công nhân khi gia công những bộ ván để đúc dầm cầu nặng hàng trăm tấn hay thân trụ bệ cầu cạn để chất lượng công trình được đảm bảo. Những công trình mà DN Hồng Yến tham gia thi công phải kể đến là: cầu Bình Điền, cầu Bình Phước, cầu Ga, cầu Bến Tre 1 và 2, cầu Ba Tri, cảng cá Ba Tri, đường cao tốc Trung Lương  - TP.Hồ Chí Minh, dự án Nam sông Hậu, dự án cầu Cần Thơ, dự án đường quản lộ Phụng Hiệp, cảng Cát Lái, cảng Nhà Bè, cảng Cái Mép và hiện tại là đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Giầu Dây.

Tham gia vào các công trình lớn nên hầu như DN của ông không khi nào rơi vào tình trạng thiếu việc làm cho công nhân. Dự án này chưa xong thì dự án mới đã đến. Ông Hùng cho biết, sắp tới DN Hồng Yến tham gia thi công dự án cảng biển ở Côn Đảo, dự án này có thời gian khá dài. Doanh thu của DN hàng năm được duy trì ở mức trên dưới 10 tỷ đồng, ngay cả ở những năm “khó làm ăn”. “DN vẫn cố gắng duy trì doanh thu ở mức 10 tỷ đồng trong năm nay dù lợi nhuận giảm đáng kể. Với những hợp đồng hiện tại, công nhân của Hồng Yến sẽ có việc làm ổn định cho cả năm 2013” - ông Hùng chia sẻ.

Có lẽ trưởng thành trong môi trường quân đội với tác phong nhanh nhẹn và quyết đoán nên ông rất tự tin vượt qua những khó khăn. Ông Hùng cũng tiết lộ, hiện ông đang chuẩn bị cơ sở kỹ thuật và nguồn nhân lực để lấn sang một lĩnh vực khá mới đối với ông, đó là sản xuất hàng mộc mỹ nghệ để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ông Hùng bộc bạch: “Kinh tế khó khăn, ngành mộc xuất khẩu bị chựng lại, do đó tôi nghĩ nên dành nhiều thời gian chuẩn bị. Khi thị trường ổn định trở lại, sức tiêu thụ tăng, có thể đi vào sản xuất ngay”.

Khắc Giới

 

Tin xem nhiều