Báo Đồng Nai điện tử
En

Vận tải buýt: Mới chỉ phát triển số lượng

10:07, 27/07/2012

Dịch vụ vận tải bằng xe buýt được khuyến khích phát triển nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân với giá thành rẻ, góp phần giảm ùn tắc giao thông trong đô thị. Thời gian qua, vận tải buýt của Đồng Nai đã phát triển nhanh chóng, thu hút ngày càng đông hành khách tham gia.

Dịch vụ vận tải bằng xe buýt được khuyến khích phát triển nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân với giá thành rẻ, góp phần giảm ùn tắc giao thông trong đô thị. Thời gian qua, vận tải buýt của Đồng Nai đã phát triển nhanh chóng, thu hút ngày càng đông hành khách tham gia.

Cùng với sự phát triển đó, những mặt yếu kém, hạn chế của dịch vụ vận tải này cũng bộc lộ rõ, trong đó những “điểm trừ” chủ yếu là về chất lượng dịch vụ.

* Lượng hành khách tăng gấp 5 lần trong 6 năm

Năm 2005, dịch vụ vận tải xe buýt của Đồng Nai chỉ có 5 đơn vị tham gia kinh doanh với tổng đầu xe là 150 chiếc, chạy trên 10 tuyến đường, trong đó có 7 tuyến được trợ giá. Tổng lượng hành khách đạt trên 4 triệu lượt người/năm với mức bình quân mỗi ngày trên 11 ngàn lượt khách. Đến năm 2011, đã có 25 đơn vị hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) vận tải tham gia với tổng số đầu xe đạt 435 chiếc, hoạt động trên 26 tuyến đường và chỉ có 5 tuyến được trợ giá. Tổng lượng hành khách đạt trên 18,5 triệu lượt người/năm, mỗi ngày gần 52 ngàn lượt khách/ngày, tăng gần gấp 5 lần so với 6 năm trước đó.

Nhồi nhét khách trên tuyến xe buýt số 16. (Ảnh chụp tại trạm xe buýt trên quốc lộ 1A, thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom). Ảnh: B. Nguyên
Nhồi nhét khách trên tuyến xe buýt số 16. (Ảnh chụp tại trạm xe buýt trên quốc lộ 1A, thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom). Ảnh: B. Nguyên

Bà Thái Thị Ty, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai cho biết, tỉnh rất quan tâm đầu tư để phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Năm 2011, ngân sách tỉnh đã chi trên 30 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt. Vài năm gần đây, tỉnh cũng bổ sung chi phí trung bình từ 1-2 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ cho vận tải buýt. Ngoài ra còn có nhiều hỗ trợ về chính sách, vốn…để DN mạnh dạn tham gia. Từ quy mô dịch vụ nhỏ, chỉ một số thành phần người dân tham gia, hiện xe buýt đã thành phương tiện vận tải phổ biến cho công nhân, học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, người nội trợ, tiểu thương...

Ông Phạm Văn Thuận, Trưởng chi nhánh Hợp tác xã (HTX) du lịch vận tải thi công cơ giới Hiệp Phát cho biết, tuyến xe buýt đơn vị hiện đang khai thác là 601 (Biên Hòa - bến xe miền Tây), hoạt động từ năm 2005. “Thời gian đầu, đơn vị thua lỗ vì lượng khách đi lại thấp với mức bình quân chỉ khoảng hơn 20 người/chuyến. Hiện nay, đây là một trong những tuyến xe buýt hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh với lượng khách bình quân đạt hơn 70 người/chuyến” - ông Thuận nói. Với hiệu quả kinh tế của dịch vụ vận tải công cộng ngày càng cao, HTX này cũng mạnh dạn đầu tư để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của khách.

* Chất lượng chưa theo kỊp

Tăng nhanh số lượng, song theo nhiều đánh giá, chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt nói chung còn khá nhiều bất cập. Phản ánh của hành khách cho thấy khá rõ điều này. Chị Ly, sinh viên Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh cơ sở 2 (TP.Biên Hòa) cho biết, nhà ở Trảng Bom nên chị chọn xe buýt là phương tiện đi lại. “Giờ đi học, tan trường thường rơi vào “cao điểm” nên học sinh, sinh viên phải làm quen với tình trạng quá tải, dồn ép khách. Không ít lần tôi hoảng hồn khi xe buýt đi không đúng lịch trình, bỏ khách xuống trạm cách điểm cần đến cả cây số” - chị Ly nói. Một “điểm trừ” khác cho xe buýt, theo chị Ly là thời gian di chuyển bằng phương tiện này rất khó kiểm soát, khách thường mất nhiều thời gian hơn các phương tiện khác. Chưa kể, nhiều hành khách phản ánh, gần đây nhiều tuyến xe buýt đang “lặng lẽ” tăng giá vé mà người không đi thường xuyên rất khó nhận biết vì giá suốt tuyến tuy không đổi nhưng những khách chỉ đi một phần tuyến đường đều phải trả cao hơn vài ngàn đồng so với trước.

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh có trên 2.100 trường hợp vi phạm về dịch vụ vận tải bằng xe buýt với tổng số tiền phạt hành chính đạt gần 140 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu, gồm: bỏ trạm, bỏ khách, không xé vé, thu tiền quá giá, đậu đỗ quá thời gian quy định, tác phong, thái độ phục vụ… Tuy nhiên, theo đánh giá, chế tài phạt còn khá thấp nên DN vận tải buýt vẫn ngang nhiên vi phạm.

Chia sẻ cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Vân, người 25 năm chạy xe ôm tại ngã ba Trị An, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom cho biết, chỉ cần nửa ngày đứng quan sát ở trạm xe buýt gần đây là có thể thấy hết những mặt trái của dịch vụ vận tải này. “Cảnh quá tải, dồn khách, xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu tranh giành khách gây mất an toàn giao thông… thường xuyên diễn ra” - ông Vân nhận xét. Có tuyến buýt từ Bến Thành đi Giang Điền, Trảng Bom nhưng những giờ thấp điểm là khách bị “lùa” hết xuống trạm gần ngã ba Trị An và cùng với nó là cảnh gây gổ, xích mích giữa hành khách với tài xế, lơ xe diễn ra như cơm bữa.

Nhiều DN, HTX kinh doanh vận tải buýt thẳng thắn thừa nhận việc xe quá tải, dồn ép khách, đặc biệt là trong các giờ cao điểm. Tuy nhiên, DN lý giải, do tình trạng này chỉ diễn ra cục bộ vào một số giờ cao điểm trong ngày hay những dịp lễ, tết nên DN  “khó mà bỏ tiền tỷ đầu tư thêm xe mới chỉ để chạy thêm vài chuyến giờ cao điểm”. Ông Nguyễn Đức Học, Chủ nhiệm HTX Tân Phú công nhận các tuyến buýt số 16 (Biên Hòa - Phương Lâm) hiện thường xuyên bị quá tải, phải “nhồi nhét” khách. “HTX kêu gọi đầu tư và không ít người đăng ký tham gia nhưng thất bại vì những xã viên có xe đang hoạt động lại… không đồng ý vì sợ mình bị giảm lượng khách hàng”  -  ông Học cho biết. Tại nhiều HTX, vấn đề này đã diễn ra nhiều năm nay, song chưa có hướng giải quyết, góp phần khiến chất lượng xe buýt khó cải thiện.

  Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích