Chỉ số CPI của 2 tháng đầu năm 2012 không tăng mạnh như mọi năm nhưng từ cuối tháng 2, nhiều mặt hàng thiết yếu như: gas, sữa, điện, hóa mỹ phẩm… đã “rủ nhau” nâng giá, đẩy người tiêu dùng vào nỗi lo về chi phí hàng ngày.
Chỉ số CPI của 2 tháng đầu năm 2012 không tăng mạnh như mọi năm nhưng từ cuối tháng 2, nhiều mặt hàng thiết yếu như: gas, sữa, điện, hóa mỹ phẩm… đã “rủ nhau” nâng giá, đẩy người tiêu dùng vào nỗi lo về chi phí hàng ngày.
Gas sốt giá, cửa hàng của ông Nguyễn Thanh Nhàn giảm gần nửa doanh thu. |
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, chủ đại lý gas trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bửu Hòa (Biên Hòa) bức xúc: “8 năm kinh doanh trong ngành này chưa khi nào giá gas tăng như hiện nay.Chỉ trong 2 tháng gas đã 3 lần điều chỉnh giá với tổng mức tăng 136 ngàn đồng/bình. Hiện cửa hàng tôi giảm gần 50% doanh thu so với trước. Khách mua gas ở đây chủ yếu là công nhân, nửa triệu đồng một bình gas là quá sức với thu nhập bình quân chung của người lao động”.
* “Đuối” với gas và sữa
Cùng nỗi lo trên, chủ đại lý gas tại chợ Tân Phong (Biên Hòa) chia sẻ, với giá gas hiện nay, trung bình mỗi hộ gia đình chi khoảng 15 ngàn đồng cho việc nấu nướng, tăng gấp 4-5 lần so với trước. Không chỉ người tiêu dùng mà các đại lý kinh doanh gas cũng rất mệt mỏi vì vốn đầu tư ngày càng nhiều, doanh thu và lợi nhuận lại giảm mạnh. Giá gas quá cao, người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm lại, có hộ gia đình cả 6 tháng mới đổi gas một lần. Nhiều cửa hàng ăn uống chuyển sang sử dụng than đá vì không kham nổi với giá khí đốt hiện nay. Các đại lý gas phải thường xuyên khuyến mãi như tặng kèm nước rửa chén, dầu ăn, đường cát nhưng vẫn khó giữ chân khách hàng. Là loại nguyên liệu rất quan trọng đối với sản xuất - kinh doanh, giá gas tăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của không ít doanh nghiệp.
Tương tự, giá sữa thời gian qua cũng tăng chóng mặt. Chỉ trong vòng 2 tháng, giá sữa của rất nhiều công ty lớn ở Việt Nam đã đồng loạt lên giá. Nguyên nhân chủ yếu mà các doanh nghiệp đưa ra để lý giải cho việc đội giá này là chi phí đầu vào tăng, trong đó có sữa nguyên liệu lên thêm từ 8 - 22%.
* Sức mua tiếp tục giảm?
Hiện tại, mặt bằng giá tuy chưa biến động mạnh, song có nhiều cơ sở để lo lắng khi xăng dầu thế giới - mặt hàng “nền tảng” gần đây cũng rục rịch tăng giá, gây mất ổn định cho xăng dầu trong nước. Tất cả những yếu tố trên, cộng với những khó khăn chung của nền kinh tế cũng làm dấy lên lo ngại rằng, sức mua hàng hóa sẽ tiếp tục theo đà giảm, gây bất lợi cho cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất. Đại diện một công ty sản xuất đường tại Đồng Nai cho biết, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì sức tiêu thụ trên thị trường giảm đáng kể, lượng hàng tồn kho không ngừng tăng lên. Nhiều đơn vị chấp nhận giảm giá bán nhưng vẫn khó tiêu thụ.
Dự báo về mặt bằng giá cả trong thời gian tới, ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, so với thời gian trước thì tình hình thị trường hiện nay đã ổn định hơn. Nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, đường và nhiều loại thực phẩm đã hạ nhiệt. Lý do cơ bản là vì sức mua trên thị trường hiện rất yếu. Theo ông Nguyện, trước tình hình giá cả liên tục thay đổi, Đồng Nai đang xây dựng chương trình bình ổn giá trong năm 2012 sao cho sát với tình hình thực tế. Sớm nhất là chương trình bình ổn sách giáo khoa đã được triển khai thực hiện.
Vi Lâm - Bình Nguyên