Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

09:01, 15/01/2012

Toàn tỉnh hiện có hàng chục ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), mức tăng bình quân 4,5%/năm, trong đó các loại hình DN cổ phần, TNHH và HTX tăng khá cao.

Toàn tỉnh hiện có hàng chục ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), mức tăng bình quân 4,5%/năm, trong đó các loại hình DN cổ phần, TNHH và HTX tăng khá cao.

DNNVV sản xuất linh hoạt, dễ thích ứng với sự biến đổi nhanh của thị trường. Các DN này thường không cần nhiều vốn, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp nên có thể phát triển ở mọi nơi, mọi ngành nghề; tạo điều kiện cho nền kinh tế khai thác tiềm năng, tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Khả năng thu hút lao động ở khu vực DNNVV còn rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi thứ chưa phải đã hoàn toàn thuận lợi...

* Đối mặt nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ nhiệm HTX thủ công mỹ nghệ và dịch vụ Hố Nai (Biên Hòa) cho rằng, khó khăn về mặt bằng sản xuất đang cản trở DNNVV phát triển ổn định và mở rộng sản xuất. Ông dẫn chứng, thời gian đầu, HTX mở xưởng sản xuất ở nội ô Biên Hòa. Sau nhiều lần di dời, HTX phải về Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) và đơn vị vẫn bị động về mặt bằng sản xuất vì phải thuê đất của tư nhân. Ông Văn cho rằng Đồng Nai nên xây dựng KCN cho DNNVV và có chính sách hỗ trợ để khuyến khích đầu tư vào đây.

Sẽ có nhiều giải pháp gỡ khó khăn cho DNNVV trong năm 2012. Trong ảnh: Sản xuất giày dép tại Công ty TNHH Bình Tiên.    Ảnh: B. NGUYÊN
Sẽ có nhiều giải pháp gỡ khó khăn cho DNNVV trong năm 2012. Trong ảnh: Sản xuất giày dép tại Công ty TNHH Bình Tiên. Ảnh: B. NGUYÊN

Khó tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng cao cũng là một trong những vấn đề gây nhiều khó khăn cho DNNVV. Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc DN tư nhân Thuận Hương (huyện Định Quán) cho biết, tuy là DN nhỏ nhưng số vốn cần để duy trì hoạt động lại không hề nhỏ. Ông dẫn chứng, năm 2011, giá nông sản tăng gấp đôi năm trước. Chỉ tính riêng vốn lưu động, DN cần để xoay xở cho việc mua, trữ nông sản và vốn tồn trong hàng hóa sau chế biến có khi lên đến nửa tỷ đồng. Với những quy định khắt khe trong vay vốn và lãi suất ngân hàng như hiện nay, DN huy động vốn để duy trì sản xuất đã khó nói gì đến mở rộng đầu tư.

Ngoài ra, DNNVV còn gặp khó khăn về nguồn nhân lực; yếu trong việc tìm kiếm, thâm nhập thị trường và phân phối sản phẩm, đặc biệt đối với thị trường xuất khẩu. Đa số DNNVV quản lý còn mang tính gia đình, thiếu tính chuyên nghiệp.

* Tháo gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo đề án hỗ trợ DNNVV của tỉnh trong thời gian tới sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng 5 cụm công nghiệp tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cho các DNNVV và DN công nghiệp phụ trợ, với tổng diện tích quy hoạch 362 hécta. Các cụm công nghiệp này gồm: Thiện Tân, vật liệu xây dựng Tân An, Long Phước 1, Tam An và Phú Thạnh - Vĩnh Thanh. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ chi phí đầu tư hoàn chỉnh 4 cụm ngành nghề công nghiệp nông thôn, với tổng diện tích quy hoạch 12,9 hécta gồm: đúc gang Tân An (huyện Vĩnh Cửu); nghề gỗ mỹ nghệ tại xã Bình Minh (huyện Trảng Bom); ngành nghề mây tre đan Gia Canh (huyện Định Quán); ngành nghề gỗ mỹ nghệ tại (huyện Xuân Lộc). Bên cạnh đó, Đồng Nai còn quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ và tăng cường liên kết DNNVV với nhau và liên kết với các DN lớn nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế. 

Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án “Phát triển doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Đồng Nai giai đoạn 2011-2015. Đầu năm 2012, đề án này sẽ được triển khai với mục tiêu tạo điều kiện thúc đẩy DNNVV của tỉnh phát triển bền vững. UBND tỉnh giao cho Sở Công thương là đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Sở Tài chính được giao xây dựng đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện đề án 30 cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV trong sản xuất, kinh doanh.

Dự kiến năm 2012, tỉnh sẽ thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng Đồng Nai nhằm bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại các ngân hàng thương mại, đồng thời tăng cường đào tạo cho DN nâng cao năng lực lập dự án đầu tư, phương án kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng khi thẩm định hồ sơ vay vốn.

Đồng Nai cũng đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực công nghệ và chuyển giao công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho DN trong quá trình hội nhập. Đào tạo nâng cao trình độ quản trị kinh doanh cho chủ DN và cán bộ quản lý DN, cho lao động trong các DNNVV. Các DNNVV sẽ được tạo điều kiện tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước và xuất khẩu cũng như các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Các chính sách phát triển DNNVV không chỉ tập trung vào việc tạo ra các điều kiện và cơ hội thuận lợi cho DN mà cần hỗ trợ để tăng cường năng lực đổi mới trong chính bản thân DNNVV để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng với các DN lớn. Ngoài trách nhiệm xây dựng những chính sách phù hợp, các cơ quan Nhà nước còn có nghĩa vụ phổ biến thông tin pháp luật, thực hiện chính sách theo tinh thần phục vụ, tạo điều kiện cho các DN không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Do vậy, cải cách hành chính cũng là một trong những hướng quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV.

Bình Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều