Báo Đồng Nai điện tử
En

Lúa, bắp được mùa

09:08, 21/08/2011

Từ đầu năm đến nay, lúa và bắp thường xuyên giữ được giá cao ổn định đã giúp nông dân lời trên 40%. Vụ hè-thu hiện đang vào thời điểm thu hoạch rộ, song giá lúa và bắp trên thị trường vẫn cao khiến nhiều nông dân không giấu nổi niềm vui.

Từ đầu năm đến nay, lúa và bắp thường xuyên giữ được giá cao ổn định đã giúp nông dân lời trên 40%. Vụ hè-thu hiện đang vào thời điểm thu hoạch rộ, song giá lúa và bắp trên thị trường vẫn cao khiến nhiều nông dân không giấu nổi niềm vui.

Bà Minh, ấp Suối Lức xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) trong ruộng bắp đang thu hoạch.
Bà Minh, ấp Suối Lức xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) trong ruộng bắp đang thu hoạch.

 

Vụ hè-thu năm 2011, nông dân trong tỉnh gieo trồng gần 43 ngàn hécta lúa, bắp. Trong đó, diện tích lúa trên 23 ngàn hécta, bắp hơn 19.600 hécta. Huyện có diện tích sản xuất lúa, bắp hè-thu nhiều là Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú và Định Quán. Năng suất bình quân của cây lúa, bắp vụ hè-thu năm nay cao hơn năm 2010 khoảng 0,2-0,4 tấn/hécta và giá cũng cao hơn 600-800 đồng/kg. Tính ra, nông dân trồng lúa lời 16-18 triệu đồng/hécta và với cây bắp lời 22-24 triệu đồng/hécta.

* Được mùa

So với vụ hè-thu năm 2010 thì vụ hè-thu năm nay thuận lợi hơn do không xảy ra tình trạng hạn hán giữa vụ. Đồng thời, nông dân từng bước chuyển qua sử dụng các giống mới, năng suất cao và áp dụng khoa học - kỹ thuật nên năng suất lúa, bắp được nâng lên. Trước đây, vụ hè-thu nông dân trồng lúa năng suất có khi chỉ đạt 3,5-4 tấn/hécta, nhưng hiện nay nhiều vùng đã đẩy năng suất lên trên 5 tấn/hécta, cá biệt có hộ đạt 6 tấn/hécta. Năng suất tăng kèm theo giá bán cao, giúp nông dân yên tâm đầu tư chăm sóc cho cây trồng.

Ông Trần Văn Danh ở ấp Thái Sơn, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) kể: “Tôi vừa thu hoạch xong 1,5 hécta lúa hè-thu, năng suất đạt gần 5 tấn/hécta. Vừa qua, thương lái vào tận nhà mua với giá 6.800 đồng/kg, trừ chi phí tôi còn lời được 17 triệu đồng/hécta, cao hơn vụ hè-thu 2010 khoảng 4 triệu đồng/hécta”. Ông Phạm Văn Biểu ấp Bình Tiến, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), không dấu được niềm vui khoe: “Vụ này đầu tư cho cây lúa cao hơn những vụ trước khoảng 2 triệu đồng/hécta, song bù lại lúa được mùa, trúng giá nên lợi nhuận của gia đình tôi vẫn tăng. Vụ hè-thu năm nay nhờ sử dụng giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh nên năng suất lúa của tôi đạt 6 tấn/hécta. Giá lúa thời điểm này bán được trên 6 ngàn/kg, tôi lời 20 triệu đồng/hécta”. Bà Minh ở ấp Suối Lức, xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) nói: “Bắp vụ hè-thu năm nay đạt trên 7 tấn/hécta, giá bán tại nhà là 6.500 đồng/kg, tôi lời khoảng 25 triệu đồng/hécta. Hai vụ gần đây giá bắp luôn ở mức cao giúp người trồng bắp bớt khó khăn”.

* Năng suất còn cao hơn

Vụ hè-thu 2011, năng suất bình quân của lúa, bắp trong tỉnh cao hơn vụ hè-thu 2010 từ 0,2-0,4 tấn/hécta. Song tại các câu lạc bộ (CLB) lúa, bắp, năng suất cao hơn 1-2 tấn/hécta, lợi nhuận các thành viên thu được tăng khoảng 7-14 triệu đồng/hécta. Sở dĩ, các thành viên trong các CLB có năng suất vượt trội so với các hộ nông dân sản xuất bên ngoài là vì họ thường xuyên được chuyển giao các kỹ thuật mới về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Do đó, cây lúa, bắp của họ ít sâu bệnh, tiền mua thuốc bảo vệ thực vật, công phun xịt giảm trong khi năng suất cao nên lợi nhuận tăng.

Ông Biểu ấp Bình Tiến, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) trồng giống lúa mới đạt 6 tấn/hécta.   Ảnh: H.G
Ông Biểu ấp Bình Tiến, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) trồng giống lúa mới đạt 6 tấn/hécta. Ảnh: H.G

 

Ông Nguyễn Văn Đăng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), cho hay: “Vụ hè-thu 2011, năng suất bình quân của các hộ trong CLB trồng bắp đạt 10 tấn/hécta, cao hơn các hộ ở ngoài khoảng 2 tấn/hécta. Vì thế các thành viên trong CLB có lời cao hơn các hộ khác khoảng 13 triệu đồng/hécta. Một số hộ trong CLB còn đẩy năng suất bắp lên 11 tấn/hécta, lãi gần 50 triệu đồng/hécta”.

Hỏi thăm một số CLB lúa, bắp năng suất cao của huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ… được biết, đa số các hộ gia nhập CLB đều có năng suất cây trồng cao hơn những hộ bên ngoài. Không chỉ riêng cây lúa, bắp mà các hộ vào CLB cà phê, tiêu, ca cao, sầu riêng, xoài cũng đều có năng suất cao hơn những hộ không vào. Hiện nay, các địa phương đang ưu tiên cho phát triển kinh tế tập thể, vì vậy các CLB, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp CLB thường được ưu tiên trong chuyển giao giống mới, khoa học - kỹ thuật và vốn. Mục đích của Đồng Nai là nhằm tạo ra các vùng chuyên canh có diện tích lớn, sản xuất theo cùng một quy trình đảm bảo chất lượng, hạ giá thành nông sản để tăng thu nhập cho nông dân.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều