Báo Đồng Nai điện tử
En

Để trái cây có đầu ra thuận lợi

09:08, 19/08/2011

Khó khăn lớn nhất với các nhà vườn trồng cây ăn trái trong tỉnh hiện nay chính là đầu ra. Để hiểu rõ thêm về thị trường đầu ra cho trái cây, phóng viên Báo Đồng Nai đã trao đổi với tiến sĩ VÕ MAI, Chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội làm vườn Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất với các nhà vườn trồng cây ăn trái trong tỉnh hiện nay chính là đầu ra. Để hiểu rõ thêm về thị trường đầu ra cho trái cây, phóng viên Báo Đồng Nai đã trao đổi với tiến sĩ VÕ MAI, Chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội làm vườn Việt Nam.

Sầu riêng Đồng Nai là trái cây có tiềm năng xuất khẩu lớn - sầu riêng trong vườn của anh Hoàng ở ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân (TX. Long Khánh).
Sầu riêng Đồng Nai là trái cây có tiềm năng xuất khẩu lớn - sầu riêng trong vườn của anh Hoàng ở ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân (TX. Long Khánh).

 

Với trên 47 ngàn hécta, Đồng Nai được xếp thứ 2 ở Nam bộ về diện tích cây ăn trái. Mỗi năm các nhà vườn trong tỉnh cung cấp ra thị trường gần 500 ngàn tấn trái cây các loại. Trong đó có nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng, như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi… Tuy nhiên, đầu ra của trái cây trong tỉnh chủ yếu bán qua nhiều khâu trung gian nên lợi nhuận thu được không cao.

* PV: Hiện nay, trái cây của các nhà vườn ở Đồng Nai phải bán qua nhiều khâu trung gian nên lợi nhuận thấp. Theo Tiến sĩ, nông dân phải làm gì để khắc phục tình trạng này?

- Tiến sĩ Võ Mai: Khó khăn của nông dân Đồng Nai cũng đang là khó khăn chung của nông dân trồng cây ăn trái trong cả nước. Nhu cầu tiêu thụ trái cây của thế giới mỗi năm đều tăng, đặc biệt các loại trái cây đặc sản của vùng nhiệt đới, như: chuối, bưởi, sầu riêng, thanh long, xoài, măng cụt, nhãn… có sức hấp dẫn rất lớn với người tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, muốn vào được thị trường này các nhà vườn phải sản xuất theo quy trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt). Để làm được điều này, nông dân phải liên kết chặt chẽ với nhau và phối hợp cùng doanh nghiệp sản xuất một loại giống, cùng một quy trình để cho ra sản phẩm có số lượng nhiều, đồng đều về mẫu mã, chất lượng. Khi vào được những thị trường trên, đầu ra của trái cây sẽ ổn định và giá bán cao hơn.

* Hiện nay, một số hợp tác xã đã có được chứng nhận GAP, song đầu ra cho trái cây vẫn khó khăn làm cho các xã viên nản?

- Trường hợp này có xảy ra, song chủ yếu là do các hợp tác xã này thực hiện chương trình GAP với diện tích quá ít dẫn đến sản phẩm tuy đạt về chất lượng nhưng lại không đáp ứng đủ số lượng. Bên cạnh đó, một số địa phương mới chỉ chú trọng làm mô hình GAP, chưa xem trọng việc tìm đầu ra sản phẩm. Hiện nay, đa số các tỉnh trong cả nước đang sản xuất nông nghiệp theo quy trình ngược nên trái cây và nông sản làm ra khó bán và luôn rơi vào cảnh được mùa rớt giá, mất mùa được giá.

Vườn bưởi bà Châu, xã viên HTX bưởi Tân Triều ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), đạt chứng nhận GAP.                                                       Ảnh: H. GIANG
Vườn bưởi bà Châu, xã viên HTX bưởi Tân Triều ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), đạt chứng nhận GAP. Ảnh: H. GIANG

 

* Tiến sĩ có thể nói rõ hơn về hạn chế của việc sản xuất nông nghiệp theo quy trình ngược?

- Ở những nước có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan, Đài Loan…, họ thường nghiên cứu trước xem thị trường trong thời gian tới sẽ cần loại trái cây, nông sản gì và những đòi hỏi về tiêu chuẩn, chất lượng. Sau khi nắm rõ những đòi hỏi trên họ sẽ đầu tư, chăm sóc, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để hạ giá thành các loại sản phẩm thị trường đang cần. Do đó, trái cây, nông sản của họ làm ra rất dễ bán trong nước, xuất khẩu vì có khả năng cạnh tranh cao. Còn ở Đồng Nai cũng như các tỉnh thành trong cả nước, nông dân lại chỉ tập trung cho sản xuất, khi có sản phẩm rồi mới nghĩ tới việc tìm đầu ra. Làm như vậy chẳng phải nông dân đang sản xuất nông nghiệp theo quy trình ngược.

* Theo Tiến sĩ, muốn khắc phục nhược điểm trên, Đồng Nai cũng như các tỉnh khác phải bắt đầu từ đâu?

- Để trái cây Đồng Nai có đầu ra ổn định, theo tôi tỉnh nên tìm hiểu xem cây gì có tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu thì tập trung hỗ trợ. Cụ thể, trong tỉnh có cây sầu riêng, chôm chôm, bưởi, chuối rất có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu. Song, hiện tại nông dân còn sản xuất manh mún, mỗi người một quy trình nên ngay cùng một giống mà chất lượng đã khác xa nhau, không thể xuất khẩu. Ví như trái sầu riêng của Đồng Nai được thị trường Mỹ rất ưa chuộng và sẵn sàng nhập quanh năm với số lượng lớn và giá cao hơn sầu riêng của Thái Lan, nhưng các nhà vườn trồng sầu riêng trong tỉnh lại không đáp ứng được. Vì thế, các địa phương phải quy hoạch được vùng sản xuất, nghiên cứu thị trường và chỉ đạo sản xuất. Đồng thời, kinh tế tập thể là nền tảng để nông dân có thể bán hàng trực tiếp, hạn chế các khâu trung gian. Muốn thực hiện nhanh được việc này, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thiết thực để phát triển kinh tế tập thể.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Hương Giang (thực hiện)


 

 

 

Tin xem nhiều