Đồng Nai tiếp giáp với 5 tỉnh, thành phố: phía Tây giáp với TP.HCM, phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận và phía Đông Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước và Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương.
TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng sống của người dân. Từ đó, 3 tỉnh, thành phố này luôn đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Tỉnh Đồng Nai nằm trên các trục đường giao thông quan trọng như: tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đường bộ quốc lộ 1 - quốc lộ 1K, quốc lộ 20 nối với Tây nguyên, quốc lộ 51 và quốc lộ 56 nối với Bà Rịa - Vũng Tàu; đường thủy sông Đồng Nai, gần cảng biển quốc tế, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đồng Nai có lợi thế phát triển giao thương với cả nước và quốc tế.
Biên Hòa nhìn từ trên cao. Ảnh: Lò Văn Hợp |
Thời gian qua, với vị trí giao thương liên kết vùng, tỉnh Đồng Nai đã chịu tác động bởi các chiến lược phát triển quốc gia, phát triển ngành như các dự án đường bộ: Cao tốc Bắc - Nam, thành phố Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3, Vành đai 4, TP.HCM - Đà Lạt; dự án Phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Xuyên Á - Vũng Tàu; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Vũng Tàu… ảnh hưởng đến vai trò, vị thế và định hướng không gian vùng của tỉnh.
Thực trạng tỉnh đang gặp các tồn tại bất cập sau cần khắc phục:
- Quá trình phát triển thiếu tính kết nối và liên kết vùng, còn tình trạng cạnh tranh kêu gọi đầu tư, chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn.
- Hạ tầng xã hội, kỹ thuật phát triển chưa đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội: Các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là của TP.Biên Hòa vẫn đang thiếu mặt bằng thi công như dự án Đường xuyên tâm nối từ ngã tư Vũng Tàu đến Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, hoặc đường ven sông Đồng Nai - là dự án đánh dấu cho sự khởi đầu của hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối, chỉnh trang đô thị dọc sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa.
Hiện Đồng Nai đang trong quá trình lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát huy vai trò, vị thế mới của tỉnh, khai thác tiềm năng lợi thế trong vùng TP.HCM với yêu cầu tích hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác, đáp ứng yêu cầu biến đổi khí hậu, liên kết chức năng vùng, không gian toàn vùng và kiểm soát phát triển, là công cụ để chỉ đạo phát triển ngành và thu hút đầu tư.
Tỉnh Đồng Nai nằm trong Tiểu vùng đô thị trung tâm và Tiểu vùng phía Đông của vùng TP.HCM. Tiểu vùng đô thị trung tâm với TP.HCM là đô thị hạt nhân trung tâm vùng và tỉnh Đồng Nai (bao gồm TP.Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần H.Vĩnh Cửu) cùng các tỉnh Long An, Bình Dương là vùng phụ cận. thành phố Bình Dương là đô thị động lực phía Bắc, thành phố Biên Hòa - H.Long Thành - H.Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía Đông. Tiểu vùng phía Đông có vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế của cả vùng và quốc gia thông qua cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Khu vực này có chức năng tập trung phát triển công nghiệp (khai thác dầu khí, cảng, công nghiệp phụ trợ và đa ngành), nông nghiệp (công nghệ cao, chuyên canh, khai thác và đánh bắt nuôi trồng thủy sản).
Thành phố công nghiệp. Ảnh: Lò Văn Hợp |
Hạ tầng giao thông là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển giao thông của mỗi đô thị nói chung và khu vực liên kết đô thị riêng. Kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ là điều kiện phát triển ổn định và bền vững. Hệ thống giao thông không chỉ phục vụ nhu cầu lưu thông trong tỉnh thành phố mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu với các vùng trong cả nước.
Những trung tâm thương mại dịch vụ, những khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhiều dự án phát triển khu dân cư hình thành dọc theo các tuyến đường và nó đã tạo sự thúc đẩy phát triển đô thị tại khu vực vùng liên kết. Mạng lưới giao thông phân bố tương đối đồng đều, khá thuận lợi cho việc giao lưu, vận chuyển giữa các đô thị với nhau và giữa khu vực nghiên cứu với các khu vực khác trong cả nước. Hệ thống giao thông đáp ứng được nhu cầu vận tải đường bộ nội, liên khu vực và nhu cầu vận tải thông qua vùng liên kết đô thị. Các tuyến quốc lộ là những trục giao thông huyết mạch quan trọng nhất trên địa bàn vùng liên kết, đảm bảo nối kết khu vực với các tỉnh kề liền, vùng Nam bộ và cả nước, nối kết các khu, cụm công nghiệp và với hệ thống cảng biển của khu vực.
Vùng liên kết đô thị Bình Dương - TP.HCM và Đồng Nai là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Trong khu vực nghiên cứu có 48 khu công nghiệp, 14 cụm công nghiệp, 3 khu công nghệ cao, 2 khu chế xuất.
Sự phát triển của các đô thị mới trong vùng là minh chứng khá rõ ràng cho tốc độ đô thị hóa và sức hút của khu vực đối với dân cư. Việc cư trú tại các vùng bên ngoài trung tâm nhưng vẫn đảm bảo được một cuộc sống với đủ các tiện ích, các dịch vụ y tế, xã hội, giáo dục cơ bản trở thành một khuynh hướng mới của dân cư đô thị. Do vậy, các vùng tiếp giáp hiện tại đang có tiềm năng khá lớn về sự phát triển vì sự cộng hưởng của các vùng lân cận. Điều cần khắc phục trong công tác phát triển đô thị chính là đảm bảo bằng luật pháp và các tiêu chuẩn xây dựng để cho các khu dân cư mới, khu đô thị mới đạt tiêu chuẩn về tiện ích đô thị.
Các địa phương cần xây dựng chiến lược liên kết kinh tế vùng trong chiến lược phát triển quốc gia, tạo cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển, đầu tư để phù hợp với mỗi vùng và liên vùng có hiệu quả. Đồng thời, các tỉnh, thành trong vùng cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, phải thể hiện rõ tính liên kết vùng, sớm xóa bỏ tình trạng phát triển kinh tế khép kín.
Thúc đẩy xây dựng cơ chế điều phối, quản trị vùng. Chính sách phát triển vùng cần quan tâm đến tính lịch sử và trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau của từng tỉnh. Đồng thời, Chính phủ cần tạo lập cơ chế, chính sách thích hợp, thúc đẩy liên kết, tăng cường đầu tư theo vùng phù hợp với chức năng kinh tế - xã hội để tạo điều kiện phát triển nhanh hơn cho các địa phương.
Đối với các vùng kinh tế trọng điểm, cần cân nhắc để ban hành chính sách cạnh tranh với các trung tâm kinh tế khu vực và trên thế giới. Các tỉnh, thành cần quy định rõ liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới, như là địa bàn đột phá trong phát triển kinh tế. Nghiên cứu để sớm hình thành một số khu liên kết kinh tế xuyên biên giới quốc gia với một số nước láng giềng; hình thành các cặp cửa khẩu để gia tăng hợp tác kinh tế có hiệu quả.
Các nhà khoa học, chuyên gia cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phân vùng hợp lý, khoa học, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, các tỉnh, thành trong vùng liên kết đô thị cần phải hoàn thiện quy hoạch phát triển vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương; tận dụng lợi thế của sự kết nối trên “không gian ảo” để liên kết vùng toàn diện.
Thành phố ven sông. Ảnh: Nguyễn An |
Các thành phố có cơ sở hạ tầng vật chất tương đối tốt hơn và khả năng tiếp cận giao thông đến các thành phố trung tâm sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ chi phí giao dịch thấp hơn, quy mô thị trường lớn hơn và khả năng thu hút đầu tư hoặc phát triển cấp vùng cao hơn. Mặt khác, sự phát triển của khả năng tiếp cận theo không gian khuyến khích tăng cường hơn nữa cấu trúc cốt lõi - ngoại vi của liên kết giữa các tỉnh. Bất bình đẳng theo không gian trong khả năng tiếp cận phương tiện giao thông được coi là nguyên nhân và là kết quả của việc gia tăng bất bình đẳng kinh tế. Ngoài ra, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, khả năng tiếp cận giao thông vận tải phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế không đồng đều vì việc cải thiện kết nối vật chất đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính đáng kể của Chính phủ. Vì lý do này, các nhà hoạch định chính sách có trách nhiệm nhận ra mối quan hệ quan trọng giữa các nền kinh tế và khả năng tiếp cận giao thông vận tải đến các thành phố trung tâm.
Cần tránh những tác động bòn rút mà các khu vực trung tâm vùng có thể gây ra đối với các khu vực ngoại vi của chúng bằng cách thúc đẩy bình đẳng các dịch vụ công cơ bản và môi trường kinh tế trong khi phân bổ hợp lý cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Các nhà hoạch định chính sách có trách nhiệm nhận ra các mối quan hệ quan trọng giữa các nền kinh tế và khả năng tiếp cận giao thông vận tải đến các thành phố trung tâm.
Đầu tư phát triển hạ tầng làm cơ sở phát triển vùng bền vững. Cải thiện không gian đô thị, đồng nghĩa với cải thiện chất lượng sống về mặt không gian, cải thiện kết nối, tạo điều kiện giao thương, trao đổi toàn diện các mặt kinh tế, xã hội với quy mô được cho là điều kiện để phát triển vùng.
Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về yêu cầu cấp bách trong đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Các địa phương trong vùng cần xác định cơ chế liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng phát triển.
Hội Kiến trúc sư Đồng Nai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin