Báo Đồng Nai điện tử
En

Bí quyết giữ chân các nhãn hàng quốc tế

08:02, 16/02/2023

Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu hàng hóa, tăng trưởng xuất khẩu từ 8-12%/năm. Để giữ mức tăng trưởng trong sản xuất, xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đã có những bí quyết riêng để giữ chân các nhãn hàng quốc tế.

Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu hàng hóa, tăng trưởng xuất khẩu từ 8-12%/năm. Để giữ mức tăng trưởng trong sản xuất, xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đã có những bí quyết riêng để giữ chân các nhãn hàng quốc tế.

Công ty TNHH Trans Machine Technologies Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) sản xuất linh kiện xe lửa xuất khẩu qua Hoa Kỳ. Ảnh: U.Nhi
Công ty TNHH Trans Machine Technologies Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) sản xuất linh kiện xe lửa xuất khẩu qua Hoa Kỳ. Ảnh: U.Nhi

Theo Sở Công thương, năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 24,6 tỷ USD, tăng hơn 13% so với năm trước đó và cao hơn bình quân chung của cả nước. Trong đó, hàng hóa của Đồng Nai đã xuất được vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ.

* Trung tâm sản xuất của nhiều nhãn hàng

Hơn 3 năm qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu nhưng GRDP của Đồng Nai vẫn giữ mức tăng trưởng khá. Trong đó, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đóng vai trò rất quan trong trong phát triển kinh tế của tỉnh. Dù khó khăn nhưng các nhãn hàng quốc tế vẫn ưu tiên đơn hàng cho DN trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, Đồng Nai là trung tâm sản xuất của nhiều nhãn hàng quốc tế với nhiều ngành hàng như: giày dép, dệt may, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, linh kiện điện tử, sản phẩm gỗ, chế biến nông sản…

Ông Nguyễn Đức Quy, Quản lý sản xuất Công ty TNHH Trans Machine Technologies Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch), cho hay: “Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19, xung đột giữa Nga - Ukraine dẫn đến các chi phí về sản xuất, xuất khẩu tăng cao. Tuy nhiên, công ty có may mắn là vẫn được các đối tác nước ngoài đặt hàng với số lượng lớn. Do đó, trong 3 năm qua, công ty luôn mở rộng sản xuất, xuất khẩu để đáp ứng đủ các đơn hàng”.

Nhiều thương hiệu đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới khi đến Việt Nam đều chọn Đồng Nai làm nơi đặt các nhà máy sản xuất sản phẩm hoặc liên kết với các DN khác để đặt hàng.

Mặt hàng Công ty TNHH Trans Machine Technologies Việt Nam sản xuất là các thiết bị cho ngành vận tải đường sắt. Sản phẩm của công ty làm ra chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, đa số các lĩnh vực đều ít đơn hàng do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cuộc cạnh tranh để có đơn hàng từ các nhãn hàng quốc tế rất khốc liệt. Các DN trên địa bàn tỉnh giữ chân khách hàng bằng chất lượng sản phẩm, giá cạnh tranh, giao dịch nhanh gọn.

Giám đốc Công ty TNHH UPM Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Đoan Thanh chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất các loại nhãn cho nhiều loại sản phẩm của DN tại Việt Nam và xuất khẩu. Dịch bệnh, chiến tranh ảnh hưởng đến sản xuất của công ty nhưng đơn hàng nhận được vẫn ổn định do được các nhãn hàng quốc tế ưu tiên”.

Cũng theo bà Thanh, sở dĩ DN luôn nhận được nhiều đơn hàng là do nhà máy sản xuất ứng dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm thân thiện với môi trường và công ty có lộ trình sử dụng nguyên liệu tái chế, giảm phát thải.

* Ưu tiên đơn hàng cho sản xuất xanh

Để bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, các nhãn hàng quốc tế đều có cam kết và đưa ra lộ trình sản xuất xanh. Theo đó, các nhãn hàng yêu cầu những nhà máy liên kết sản xuất cho mình phải có kế hoạch tham gia vào sản xuất xanh. Trong tiến trình tham gia vào sản xuất xanh, nhà máy nào đi trước sẽ được ưu tiên đơn hàng nhiều hơn.

Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết: “Dệt may Việt Nam đang xếp thứ 3 trên thế giới về sản xuất, xuất khẩu, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Năm 2022, dù khó khăn nhưng dệt may Việt Nam vẫn về đích với kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm trước. Có được kết quả trên là do các DN dệt may Việt Nam đã liên tục đầu tư ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường nên được khách hàng tin tưởng, đặt hàng nhiều”.

Từ cuối năm 2022 đến nay, số đông DN trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, vẫn có những DN nhận được nhiều đơn hàng và có kế hoạch mở rộng sản xuất trong năm nay.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2), cho hay: “Công ty chuyên sản xuất các loại linh kiện cho dòng xe máy, ô tô cao cấp và sản phẩm chủ yếu xuất khẩu. Trong năm trước, sản xuất, xuất khẩu của công ty khá tốt, đơn hàng nhiều nên công ty dự tính tiếp tục tuyển thêm lao động và mở rộng sản xuất”.

Sản phẩm của công ty này được sản xuất từ sợi carbon và một số công đoạn được sử dụng bằng robot. Đây là dòng sản phẩm xanh, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu của nhà sản xuất xe máy, ô tô đứng đầu thế giới. Vì thế, DN không chỉ giữ chân được khách hàng truyền thống mà còn có thêm những khách hàng mới.

Trong tham gia vào hội nhập sâu, Đồng Nai được Bộ Công thương đánh giá là thực hiện tương đối tốt. Các DN có sự chuẩn bị kỹ nên sản xuất, xuất khẩu của tỉnh luôn giữ mức tăng trưởng ổn định.   

Uyển Nhi

Tin xem nhiều