Báo Đồng Nai điện tử
En

Không chiến dũng mãnh, hạ cánh tuyệt vời

10:12, 14/12/2012

(Ghi theo lời Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phi đội trưởng tiêm kích MiG 21; nguyên Phó sư đoàn trưởng Chính trị Sư đoàn không quân 370; nguyên Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam).

(Ghi theo lời Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phi đội trưởng tiêm kích MiG 21; nguyên Phó sư đoàn trưởng Chính trị Sư đoàn không quân 370; nguyên Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam).

Tháng 12-1972, trước khí phách quật cường của quân và dân ta, đế quốc Mỹ phải sử dụng đến ván bài cuối cùng là dùng máy bay chiến lược B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng. B-52 là loại phương tiện tác chiến không quân tối tân, hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ, được mệnh danh là “siêu pháo đài bay”, có thể mang từ 18 đến 30 tấn bom. Với đội hình 3 chiếc, B-52 trở thành những giàn pháo đài bay có sức tàn phá khủng khiếp.

Phi đội trưởng Nguyễn Văn Nghĩa sau chiến công ngày 23-12-1972. Ảnh do nhân vật cung cấp
Phi đội trưởng Nguyễn Văn Nghĩa sau chiến công ngày 23-12-1972. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngày 23-12-1972, tôi được lệnh xuất kích chiến đấu cùng phi công Lê Văn Kiền. Trận không chiến diễn ra tại vùng trời phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa. Với ý đồ tiêu diệt lực lượng không quân ta, hôm đó, không quân Mỹ có 24 máy bay F4 (chia làm 6 tốp), ta vẫn sử dụng biên đội 2 chiếc MiG-21. Trước đó, ngày 22-12, nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, biên đội của các anh Nguyễn Đức Soát và Nguyễn Thanh Quý đánh một trận không thành công, nhưng may mắn Nguyễn Thanh Quý nhảy dù an toàn. Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị giao nhiệm vụ trực tiếp cho tôi tham gia đánh trận ngày hôm sau (thời gian này, tôi đã được điều động sang Đại đội 11 để bay huấn luyện cho phi công trẻ mới về nước). 14 giờ ngày 23-12-1972, biên đội được lệnh vào cấp 1 và ngay lập tức nhận được lệnh “Ấp Bắc - Cờ Hồng” (mật mã mở máy - cất cánh). Chúng tôi tăng lực lấy độ cao ngay lên 8000m, hướng bay 200, sau đó 290, tốc độ 1.200km/h. Tôi hiểu tình huống rất khẩn cấp, trận chiến sẽ phức tạp vì ý đồ của Không quân Mỹ đã rõ ràng. Quả đúng như vậy, biên đội được thông báo “Quạ đen 6 tốp, bên phải 45 độ, cự ly 25km, độ cao 6000m”. Tôi nhắc số 2 giữ cự ly, bám chặt biên đội và chú ý quan sát. Trong chốc lát, tôi phát hiện bên phải có một tốp 4 chiếc F4, cự ly khoảng 20km, cùng lúc số 2 hô “ Bên trái 4 chiếc". Tôi hiểu lực lượng địch đông gấp nhiều lần ta; phải đánh ra sao đây? Tôi quyết định chọn hướng đánh thẳng vào tốp bên phải và ra lệnh “Số 2 tấn công tốp bên trái!”. Trong tình thế gay go, địch vòng trong, vòng ngoài, chúng tôi vừa tránh đạn vừa lừa thế đánh, chọn một tình thế thật chắc chắn mới phóng tên lửa. Người bắt đầu vã mồ hôi, mặt phù lên vì liên tục phải chịu tải gia trọng lớn; máy bay có lúc bị chấn động bởi tên lửa đối phương. Tưởng chừng đã bất lực, nhưng liền sau đó tiếng chỉ huy của anh Nguyễn Hồng Nhị vang lên trong máy: “Kiên quyết tấn công. Đánh nhanh, rút nhanh”. Đó cũng là lúc tôi chiếm lĩnh được vị trí tấn công có lợi nhất. Đưa một chiếc F4 vào vòng ngắm, chớp thời cơ, tôi ấn nút phóng tên lửa. Máy bay “con ma” bốc cháy. Số 2 của tôi reo vang trong máy. “Cháy rồi !”. Tôi kéo máy bay lên cao và lật úp máy bay lại, phát hiện phía dưới, bên trái một chiếc F4 đang vòng phải, tôi nhanh chóng để tăng lực vòng gấp chiếm bán cầu phía sau chiếc F4, chỉnh điểm ngắm và phóng quả tên lửa còn lại ở cự ly 1000m, rồi giật mạnh cần lái để thoát ly gấp, không kịp quan sát điểm nổ. Liền sau đó, tôi gọi số 2 và nghe Lê Văn Kiền trả lời “Nghe tốt!”. Tôi vui mừng khôn xiết vì số 2 của tôi vẫn an toàn.

Tôi lệnh cho số 2 thoát ly về sân bay Đa Phúc. Gần về đến sân bay Đa Phúc thì được thông báo tất cả các sân bay đều bị máy bay Mỹ phong tỏa và đánh phá đường băng. Lượng dầu của máy bay cạn dần. Sở chỉ huy ra lệnh cho chúng tôi bay về khu vực Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc, giữ độ cao 4000m để nhảy dù, bảo toàn tính mạng, nhưng tôi quyết định không nhảy dù và điều khiển máy bay bay về sân bay Đa Phúc, quyết tâm phải hạ cánh bằng được, cho dù phải hạ ở đường lăn, hoặc kéo dắt máy bay đi sơ tán. Tôi nghĩ lực lượng phi công của ta còn ít, nếu tôi nhảy dù, ít nhất phải 3 đến 4 tháng sau mới bay lại được. Hạ cánh, cho dù máy bay bị hỏng, tôi vẫn có thể lên máy bay khác tiếp tục chiến đấu. Với suy nghĩ đó, tôi quyết định phải hạ cánh bằng bất cứ giá nào. Và tôi đã hạ cánh thành công xuống đường lăn sân bay trong trạng thái đất đá văng tứ tung do bom đạn từ máy bay Mỹ đánh phá đường băng trước đó. Khi tiếp đất xuống đường lăn, nhiều máy bay Mỹ vẫn tiếp tục khống chế, chúng dùng súng Miligan 20mm bắn vào máy bay của tôi, nhưng rất may là tôi vẫn đưa máy bay vào ụ sơ tán an toàn.

Chiếc máy bay F4 tôi bắn rơi ngày 23-12-1972 là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" bị Không quân ta bắn hạ. Với những thành tích trong chiến đấu, tôi đã được tặng thưởng 6 Huy hiệu của Bác Hồ, 6 Huân chương Chiến công các loại.

Theo QĐND

Tin xem nhiều